Ngành viên nén gỗ: Thiếu chiến lược dài hơi

06/12/2023 18:06
Ngành viên nén gỗ: Thiếu chiến lược dài hơi

Viên nén gỗ, một trong những ngành hàng thu về tỉ USD trong ngành gỗ và lâm sản. Tuy nhiên, thiếu chiến lược dài hơi, tổng thể khiến sự phát triển của ngành chông chênh, kém bền vững.

Sản xuất, kinh doanh mảng viên nén gỗ với thị trường trọng tâm là Nhật Bản, ông Lâm Văn Dũng – Công ty Cổ phần Dũng Nguyệt Anh (Quảng Bình) – chia sẻ, chúng tôi làm theo hướng bền vững, có chiều sâu, sản xuất thực sự chứ không mua thương mại. Do đó, doanh nghiệp đầu tư công nghệ mới, hiện đại, đồng thời đi tiên phong trong vấn đề chất lượng và trồng rừng bền vững. Việc này mới có thể xây dựng được thương hiệu viên nén Việt.

Dù vậy, ông Lâm Văn Dũng cũng tỏ ra lo ngại bởi sự ăn xổi của một số doanh nghiệp Việt. Bởi việc này rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến chất lượng viên nén gỗ và thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam.

“Hiện tại, một số nước như Malaysia, Indonesia, Thái Lan đang mở rộng sản xuất viên nén gỗ. Họ đi chậm hơn nhưng họ làm chắc, có rừng bền vững, còn tại Việt Nam diện tích rừng có chứng chỉ bền vững còn rất khiêm tốn. Các doanh nghiệp viên nén phải đi mua phế phẩm từ các nhà máy chế biến gỗ về để sản xuất, việc này sẽ ảnh hưởng đến sản lượng và chất lượng đầu ra”, ông Lâm Văn Dũng nói.

Cũng theo ông Lâm Văn Dũng, làm viên nén với thị trường Nhật Bản yêu cầu rất cao, chúng ta không chỉ hiểu đơn giản là đưa nguyên liệu vào lò để đốt phát điện, nếu viên nén không đạt tiêu chuẩn sẽ có chất gây bảo mòn lò. Bán viên nén cho các thị trường Nhật Bản hay EU, khách hàng yêu cầu bắt buộc phải đạt các tiêu chuẩn đó mới mua.  

Không chỉ yêu cầu về chất lượng, các tiêu chuẩn về chứng chỉ gỗ rừng trồng FSC FM cũng đặt ra những thách thức không nhỏ cho ngành viên nén gỗ. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ dừng ở chứng chỉ, ở đây còn là câu chuyện sản xuất ra viên nén không ảnh hưởng đến môi trường, sản phẩm an toàn, không xả thải ra môi trường.

Tuy nhiên, điều ông Dũng lo ngại đó là sự ra đời tràn lan của các doanh nghiệp sản xuất viên nén, họ mua phế phẩm để tạo ra sản phẩm. Các doanh nghiệp thương mại đi mua hàng về trộn lẫn hàng tốt và kém chất lượng để xuất khẩu. Khi nhà nhập khẩu phát hiện ra hàng lỗi, họ sẽ đánh đồng chung đó là hàng Việt Nam.

Cùng với câu chuyện các doanh nghiệp trong nước đầu tư vào ngành viên nén cạnh tranh với nhau về nguyên liệu và cạnh tranh với cả các ngành hàng khác như dăm gỗ, MDF,… thì việc trong trong thời gian ngắn, Tập đoàn Erex - Tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng điện sinh khối của Nhật Bản đã khảo sát, nghiên cứu, đề xuất bổ sung quy hoạch 14 dự án điện sinh khối tại 12 tỉnh/ thành với tổng công suất 1.060 MW (đã khảo sát 16 tỉnh và đã chốt triển khai trên 12 tỉnh) cũng khiến các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực viên nén lo ngại sự cạnh tranh về nguyên liệu sẽ diễn ra khốc liệt hơn.

Được biết, dự án Nhà máy nhiên liệu sinh khối Erex Sakura Yên Bái được đầu tư với tổng vốn dự kiến gần 475 tỷ đồng, tương đương 20,4 triệu USD, quy mô dự án trên 3 ha, với mục tiêu sản xuất viên nén sinh khối và dăm gỗ, nhà máy có công suất thiết kế sản xuất viên nén sinh khối 150.000 tấn sản phẩm/năm; dăm gỗ 150.000 tấn sản phẩm/năm; kinh doanh 350.000 tấn sản phẩm dăm gỗ/năm đang xây dựng. Tuyên Quang – Yên Sơn – 100MW, Erex đã bắt đầu xây dựng nhà máy sản xuất viên gỗ thứ hai tại Tuyên Quang, miền Bắc Việt Nam (Argus Media đưa tin).

Theo ông Lân Văn Dũng, không kể các dự án của Erex vào thì hiện tại Quảng Ngãi, Quảng Nam đang là nóng về vùng nguyên liệu do dự án ra rất nhiều. “Chúng ta có cái dở là cứ dự án ra nhưng không biết họ có đảm bảo được nguồn nguyên liệu đầu vào hay không. Dẫn đến cạnh tranh vùng nguyên liệu”, ông Lâm Văn Dũng nói.

Đồng quan điểm về vấn đề này, ông Lê Văn Tuyển - Giám đốc Nhà máy viên nén năng lượng Cam Lộ (Quảng Trị) – nêu thực tế về câu chuyện tình trạng cấp phép cho các nhà máy viên nén rất nhiều. Riêng tại Quảng Trị, đến nay đã có 3 - 4 nhà máy viên nén.

Nhiều doanh nghiệp đầu tư theo kiểu phong trào, nghe nói chứ không tìm hiểu kỹ. Thiếu đánh giá bài bản về vùng nguyên liệu. Nhiều doanh nghiệp đầu tư theo kiểu phong trào, nghe nói chứ không tìm hiểu kỹ. Thiếu đánh giá bài bản về vùng nguyên liệu. Dẫn đến nguồn cung quá dồi dào, không có quy hoạch.

Trước việc mở rộng quy mô các doanh nghiệp đầu tư vào mảng viên nén, ông Lê Văn Tuyển cho rằng, khi địa phương cấp chủ trương đầu tư cần “nhìn trước, nhìn sau” để các doanh nghiệp không bị giẫm chân nhau về nguyên liệu; nghiên cứu chính sách xuất khẩu để có điều chỉnh cho phù hợp. “Đầu tư nhà máy viên nén 100 nghìn tấn/năm thì chi phí ít nhất phải 200 tỉ đồng, giá trị gia tăng mang lại khá lớn, tạo công ăn việc làm cho nhiều người ”, ông Tuyển chia sẻ. 

Dù thị trường viên nén được nhận định dư địa rất lớn, nhưng ông Dũng cho rằng, tất cả nhà máy mở ra phải có rừng trồng, phải có nguồn nguyên liệu đầu vào đảm bảo cho dự án đó. Cùng với đó là đầu ra của sản phẩm phải ổn định. Đây là hai yếu tố tiên quyết cho sự sống còn của dự án.

Để xây dựng vùng nguyên liệu, hiện Công ty Cổ phần Dũng Nguyệt Anh đã liên kết trồng rừng với các hộ gia đình và liên kết hội, hiệp hội với nông dân để mua được gỗ tốt nhất. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng liên kết với các hộ gia đình trồng rừng để quản lý rừng bên vững và cấp chứng chỉ. Hiện, diện tích nay khoảng 2-3 nghìn ha và dự kiến sẽ lên đến 10 nghìn ha. “Dự án ở Quảng Bình của chúng tôi đã đi vào hoạt động và được nông dân ủng hộ, hiện chúng tôi có khoảng 2 nghìn ha rừng có chứng chỉ FSC FM. Đã đi vào sản xuất. Lượng khoảng 10.000 tấn/tháng viên nén”, ông Dũng nói.

Tuy nhiên, câu chuyện không chỉ ở phía doanh nghiệp. Muốn người nông dân tồn tại, trồng rừng bền vững, các doanh nghiệp xuất khẩu giá tốt phải tái tạo lại cho người nông dân bằng việc bao tiêu sản phẩm gỗ rừng trồng và kết hợp để trồng rừng có chứng chỉ.

Bên cạnh đó, nhà nước cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Câu chuyện hoàn thuế giá trị gia tăng thời gian vừa qua là một ví dụ. Bên cạnh đó, việc đưa ngành viên nén vào ngành rủi ro cao. Trong khi đó, đây là ngành chính của Việt Nam, tạo việc làm cho xã hội, mang USD về. Đây là vấn đề nóng.

Gỗ Việt (Hòa Trần - GV Số 161)