Tin tổng hợp trong nước GỖ VIỆT số 82

27/09/2016 15:38
Tin tổng hợp trong nước GỖ VIỆT số 82

Tin tổng hợp trong nước GỖ VIỆT số 82

BÌNH ĐỊNH: GỖ RỪNG RỚT GIÁ​
 Mới đầu năm nay, giá gỗ rừng trồng trên địa bàn Bình Định còn đứng ở mức cao, gỗ keo bán tại nhà máy được 1.350.000đ/ tấn và gỗ bạch đàn 1,1 triệu đồng/tấn. Thế nhưng từ đầu tháng 4 đến nay, gỗ rừng ở Bình Định liên tục tuột giá, hiện gỗ keo chỉ còn hơn 1 triệu đồng/tấn và gỗ bạch đàn chỉ còn hơn 900.000đ/tấn. giá gỗ rừng trồng tuột thấp đúng vào thời điểm thu hoạch rộ đang khiến người trồng rừng sản xuất ở Bình Định lâm cảnh khốn đốn.  
 Bình Định đang có diện tích rừng trồng nhiều nhất miền Trung với hơn 111.000 ha. Theo ông Nguyễn Thế Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, sản lượng khai thác gỗ rừng trồng tại tỉnh này tăng lên từng năm. Từ năm 2014 đến nay, sản lượng khai thác luôn đạt trên 600.000 tấn/năm. “Trong 111.000 ha rừng trồng của tỉnh, có đến hơn 55.000 ha do hộ nông dân tự đầu tư trồng. giá gỗ rừng trồng giảm sâu khiến người trồng gần như không có lãi. Ông Võ Vạn Toàn, Phó gĐ Cty TNHH Sông Kôn, doanh nghiệp chuyên băm dăm gỗ xuất khẩu đóng tại Khu công nghiệp Phú Tài (TP Quy Nhơn) cho biết, nếu vào đầu năm 2016, giá dăm xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc còn đứng ở mức 132 USD/BmT (tấn dăm khô) thì hiện nay chỉ còn 123 USD/BmT. giá bán giảm sâu, đầu ra gần như cũng bị tắc vì thị trường chuyên nhập khẩu dăm gỗ là Trung Quốc đang ngừng thu mua mặt hàng này. 
 Trên địa bàn Bình Định hiện đang có gần 20 nhà máy chế biến dăm gỗ xuất khẩu, tổng công suất khoảng 1,2 triệu tấn/năm. Trước đây, khi thị trường xuất khẩu còn tốt, tất cả các nhà máy chế biến hoạt động hết công suất thì sản lượng khai thác rừng trồng hàng năm trên địa bàn tỉnh không thể đủ đáp ứng nguyên liệu. Bây giờ thì hầu hết nhà máy chế biến dăm gỗ dừng sản xuất, chỉ một số hoạt động cầm chừng. 
BỘ CÔNG THƯƠNG: HÃNG HANJIN SHIPPING GLOBAL PHÁ SẢN, NGỪNG VẬN CHUYỂN HÀNG HÓA
 Ngày 31 tháng 8 năm 2016, Văn phòng đại diện của Hãng tàu biển Hanjin Shipping global (Hàn Quốc) tại Việt Nam đã có thông báo về việc dừng không nhận booking hàng hóa mới kể từ ngày 31 tháng 8 năm 2016. Việc đệ đơn phá sản của Hãng tàu biển Hanjin Shipping global (Hàn Quốc) đã, đang và sẽ có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp. Bộ Công Thương khuyến cáo tới các doanh nghiệp: 
 1.   Đối với các lô hàng nhập khẩu đã cập cảng, khẩn trương hoàn thành thủ tục nhận và thông quan giải phóng hàng ra khỏi container của Hãng Hanjin.
  2.   Đối với các lô hàng xuất khẩu đã đưa vào container của Hãng Hanjin, nhanh chóng lấy hàng ra khỏi container và liên hệ với đối tác nước ngoài để có phương án lựa chọn, thay đổi hãng tàu cũng như lịch booking hàng hóa. 
  3.   Đối với các lô hàng đang được chuyên chở trên tàu của Hãng Hanjin, tiếp tục làm việc với Văn phòng đại diện của Hãng Hanjin tại Việt Nam để theo dõi lịch trình và phối hợp với đối tác nhập khẩu để có phương án nhận hàng tại cảng. 
 Bộ Công Thương đã trao đổi với Bộ giao thông Vận tải theo đó đề nghị chỉ đạo các cảng vụ có phương án bố trí phương tiện hợp lý và  điều tiết kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp, tránh gây ảnh hưởng đến tiến độ giao nhận hàng hóa và gây ùn tắc tại các cảng biển. 
QUẢN LÍ VÀ CẤP CHỨNG CHỈ RỪNG: NHỮNG LỢI ÍCH CỦA PEFC
 Sáng ngày 29/08, Viện phát triển kinh tế hợp tác ICED - Liên minh HTX Việt Nam tổ chức hội thảo Vai trò của Liên minh HTX Việt Nam trong quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng. 
 Tham dự và chủ trì hội thảo có Tiến sĩ Nguyễn mạnh Cường - Viện trưởng viện phát triển kinh tế hợp tác (ICED), Tiến sĩ Vũ Tấn Phương - Viện khoa học Lâm nghiệp Việt Nam (VAFS), đại diện Tổ chức nông nghiệp phát triển lương thực và rừng Phần Lan (FFD), ông Richard Laity- chuyên gia tư vấn về phát triển và dự án PEFC Quốc tế khu vực Đông Nam Á(Chương trình công nhận chúng chỉ rừng quốc tế), các đồng chí lãnh đạo các Ban: Chính sách, thông tin tuyên truyền, lãnh đạo Liên minh 3 tỉnh miền Trung: Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi và Quảng Trị.
 Hội thảo này nhằm tuyên truyền cho đề án Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng. Đề án được tài trợ bởi Tổ chức nông nghiệp phát triển lương thực và rừng Phần Lan (FFD). Tại buổi làm việc ông Richard Laity đã giới thiệu, làm rõ khái niệm và giá trị mà chứng chỉ rừng mang lại, qua đó người tiêu dung cũng như người sản xuất sẽ được hưởng lợi ích cụ thể mang tính pháp lý từ những khu rừng được quản lý tốt, có thể truy xuất nguồn gốc đảm bảo giá trị về kinh tế, môi trường và xã hội.
 Đề án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng phù hợp với nhu cầu các HTX, đặc biệt bộ tiêu chuẩn có xét đến nhu cầu của người nông dân, và có các HTX/ tổ hợp tác lâm nghiệp tham gia đề án. Thông qua hội thảo có thể thấy được vai trò của Liên minh HTX Việt Nam và liên minh HTX tỉnh, thành phố, là cầu nối để các HTX/ tổ hợp tác lâm nghiệp hiểu rõ về các tiêu chuẩn, lợi ích và quy trình của quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng. Ông Vũ Tấn Phong - Viện khoa học Lâm Nghiệp Việt Nam khẳng định: “ Hệ thống chứng chỉ rừng thực hiện trên nguyên tắc tự nguyện, lựa chọn và mang tích cạnh tranh, không áp đặt”.
 Viện Phát triển kinh tế hợp tác (ICED) là đơn vị trực thuộc Liên minh HTX Việt Nam (VCA) thực hiện việc hợp tác với Viên Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam (VAFS) và các tổ chức liên quan đến triển khai đề án. Trước tiên để đề án có thể khởi động trong thời gian tới Viện khoa học Lâm nghiệp và viện kinh tế Hợp tác - Liên minh HTX Việt Nam sẽ bàn bạc, thống nhất về hợp đồng và kế hoạch hành động thông qua bản ghi nhớ hợp tác giữa 2 bên. 
GỖ VIỆT số 82