Chế biến dăm gỗ tăng mạnh

14/06/2015 06:37

Hiện có tổng số 130 nhà máy chế biến dăm gỗ đang hoạt động trên cả nước, tăng 16% so với con số 112 nhà máy năm 2012 và chưa bao gồm các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ.

Đây là số liệu thống kê do Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đưa ra tại buổi đối thoại "Vai trò của gỗ nguyên liệu nhập khẩu trong ngành chế biến gỗ Việt Nam và hướng đi nào cho ngành chế biến dăm gỗ xuất khẩu" được tổ chức ngày 13/5.

Buổi đối thoại được tổ chức bởi Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định và Tổ chức Forest Trends.

Tại buổi đối thoại, ông Tô Xuân Phúc - chuyên gia của tổ chức Forest Trends nhận định, ngành chế biến và xuất khẩu dăm gỗ của Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển nóng, số lượng nhà máy chế biến tiếp tục tăng nhưng lại thiếu liên kết với vùng nguyên liệu. Điều này dẫn đến tình trạng tranh giành nguồn cung nguyên liệu, làm giảm hiệu suất đầu tư và hình thành các hình thức cạnh tranh không lành mạnh.

Theo ông Phúc, để nâng cao hiệu quả đầu tư và đảm bảo cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà máy, việc quy hoạch các nhà máy chế biến cần phải gắn với vùng nguyên liệu, hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ vận chuyển, chế biến và tiêu thụ. Để làm được điều này cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý cấp Trung ương và Hiệp hội đại diện cho các DN chế biến, xuất khẩu dăm gỗ.

Được biết, năm 2014, Việt Nam xuất khẩu khoảng 6,97 triệu tấn dăm gỗ, giá trị đạt 958 triệu USD, chiếm 15,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ. Thị trường xuất khẩu dăm gỗ chủ yếu là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Đài Loan.

Đỗ Hương

Chinhphu.vn