Đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam chiếm chưa tới 2% tổng trị giá nhập khẩu của Thụy Sỹ

11/03/2023 03:51
Đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam chiếm chưa tới 2% tổng trị giá nhập khẩu của Thụy Sỹ

Việt Nam là thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ lớn thứ 6 cho Thụy Sỹ, tuy nhiên trị giá nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm 1,89% tổng trị giá nhập khẩu.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, ước tính, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Thụy Sỹ trong tháng 2/2023 đạt 265 nghìn USD, nâng kim ngạch xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm 2023 đạt 534 nghìn USD, giảm 72,6% so với cùng kỳ năm 2022.

Đồ nội thất bằng gỗ là mặt hàng xuất khẩu chính tới thị trường Thụy Sỹ trong tháng 1/2023, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này chiếm 99,7% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.

Tuy nhiên, chịu tác động chung bởi nhu cầu yếu từ thị trường và kỳ nghỉ Lễ kéo dài trong tháng 1/2023 khiến kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng trong cơ cấu mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ tới thị trường Thụy Sỹ giảm mạnh.

Dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu là mặt hàng ghế khung gỗ và bộ phận ghế đạt 151 nghìn USD, giảm 46,3% so với tháng 12/2022 và giảm 72,2% so với tháng 1/2022; tiếp theo là mặt hàng đồ nội thất phòng khách và phòng ăn đạt 116,4 nghìn USD, tăng 4,3% so với tháng 12/2022, nhưng giảm 72% so với tháng 1/2022...

Theo số liệu thống từ Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), Thụy Sỹ là thị trường nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ lớn thứ 8, với trị giá nhập khẩu trung bình trong giai đoạn2018 – 2022 là 1,89 tỷ USD, tăng trưởng bình quân 1,6%/năm.

Tính riêng năm 2022, trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Thụy Sỹ đạt 1,98 tỷ USD, giảm 4,2% so với năm 2021. Trong đó, EU là thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ lớn nhất cho Thụy Sỹ, trị giá nhập khẩu từ EU chiếm 85,43% tổng trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ.

Việt Nam là thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ lớn thứ 6 cho Thụy Sỹ, tuy nhiên trị giá nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm 1,89% tổng trị giá nhập khẩu.

Nhu cầu nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Thụy Sỹ ở mức cao, tuy nhiên, tỷ trọng của Việt Nam vẫn ở mức thấp. Do đó, cơ hội cho Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ sang thị trường Thụy Sỹ là rất lớn.

Tuy nhiên, để đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này sang thị trường Thụy Sỹ, các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý đến các yêu cầu đối với những sản phẩm chất lượng, có trách nhiệm xã hội và môi trường của người dân Thụy Sỹ.

Nhìn chung, Thụy Sỹ không phải là thị trường có dung lượng tiêu thụ hàng hóa lớn. Dân số Thụy Sỹ tương đối ít với khoảng 8,76 triệu người vào năm 2021. Tuy nhiên, đây là thị trường có chi phí sức mua cao, cùng tổng thể nền kinh tế phát triển với GDP đạt 810 tỷ USD, xếp thứ 20 trên thế giới; GDP trên đầu người đạt 93.500 USD, xếp thứ 7 trên thế giới.

Bên cạnh đó, do vị trí địa lý ở trung tâm châu Âu nên người tiêu dùng của quốc gia này có nhiều lựa chọn. Chính vì vậy, yêu cầu về hàng hóa của Thụy Sỹ vô cùng khắt khe.

Thậm chí, kể cả khi đáp ứng tiêu chuẩn của EU, có thể vào Thụy Sỹ nhưng nhà phân phối và người tiêu dùng của Thụy Sĩ vẫn có thể yêu cầu cao hơn.

Do đó, có thể coi Thụy Sỹ là thị trường kiểm nghiệm, bảo chứng chất lượng sản phẩm. Vì vậy, các sản phẩm nội thất bằng gỗ xuất khẩu vào được thị trường Thụy Sỹ thì có thể xuất khẩu tới nhiều thị trường khác.

Gỗ Việt