Những gam màu Gỗ dán Việt Nam 2022 và Kỳ vọng 2023
Việc Hoa Kỳ áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, suy thoái kinh tế tại các thị trường xuất khẩu chủ lực khiến ngành gỗ dán Việt năm 2022 đối diện với những khó khăn kép. Bức tranh nào cho ngành hàng này trong năm 2023.
BỨC TRANH THỊ TRƯỜNG GỖ DÁN THẾ GIỚI VÀ VIỆT NAM NĂM 2022
Thống kê của Trung tâm thương mại Quốc tế (ITC) cho thấy năm 2021, tổng nhu cầu gỗ dán toàn cầu khoảng gần 40 tỷ USD, tương đương với khoảng trên 105 triệu m3. Thị trường xuất khẩu sản phẩm gỗ dán hàng đầu gồm Trung Quốc (5,89 tỷ USD); Indonesia (2,51 tỷ USD); Nga (1,9 tỷ USD); Brazil (1,2 tỷ USD); Việt Nam (1,1 tỷ USD).
Các thị trường nhập khẩu gỗ dán lớn như: Hoa Kỳ (4,5 tỷ USD); Nhật Bản (1,58 tỷ USD); Đức (1,1 tỷ USD); Hàn Quốc (0,84 tỷ USD); Anh (0,8 tỷ USD). 11 tháng năm 2022, ghi nhận chưa đầy đủ của ITC cho thấy tổng nhu cầu thị trường toàn cầu khoảng trên 28 tỷ USD, giảm so với cùng kỳ 2021.
Năm 2022, cuộc xung đột Nga - Ukraine khiến bức tranh ngành gỗ dán toàn cầu có sự thay đổi mạnh mẽ. Nga từ nước xuất chiếm 9,3% giá trị xuất khẩu toàn cầu về mặt hàng gỗ dán, theo thống kê của ITC chỉ ghi giá trị xuất khẩu mặt hàng này của Nga vào tháng 1/2022 đạt 153,8 nghìn USD.
Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, kim ngạch xuất khẩu gỗ dán của Việt Nam trong 11 tháng năm 2022 đạt 959,1 triệu USD giảm 0,3% về giá trị, trong khi lượng giảm 3% đạt 2,5 triệu m3. Các thị trường xuất khẩu gỗ dán chính của Việt Nam đều sụt giảm mạnh, Hàn Quốc đạt 228,5 triệu USD giảm 2%, trong khi Hoa Kỳ đạt 349,5 triệu USD giảm 29%.
Cũng như nhiều sản phẩm khác trong ngành gỗ, ngoại trừ mặt hàng gỗ dán dùng làm khung sofa đã bị ảnh hưởng từ quý I/2022, còn lại các mặt hàng gỗ dán khác vẫn “kín” đơn hàng cho đến quý II/2022. Nhưng sang quý III/2022 thì các nhà máy gỗ dán bắt đầu bị ảnh hưởng giảm đơn hàng.
Lạm phát tăng cao, niềm tin tiêu dùng thấp khiến hai thị trường xuất khẩu gỗ dán chính của Việt Nam là Hoa Kỳ (chiếm khoảng 40% tổng giá trị xuất khẩu năm 2022) và Hàn Quốc (chiếm 24% giá trị xuất) có xu hướng giảm từ tháng 7/2022, tới quý III/ 2022 tất cả các nhà nhập khẩu mua hàng đều giảm/ dừng đơn hàng, trong đó, mở đầu là mặt hàng ván ép xây dựng, rồi ván ép nội thất.
Thêm vào đó, cuối quý III/2022 vụ kiện chống bán phá giá của Bộ Thương mại Mỹ (DOC) có những diễn biến mới đã ảnh hưởng đến toàn ngành gỗ dán xuất khẩu đi Hoa Kỳ. Tiếp đó là mặt tủ bếp bị DOC khởi xướng điều tra đã tác động đến toàn bộ ngành tủ bếp của Việt Nam, từ đó, ảnh hưởng đến mặt hàng gỗ dán - đầu vào nguyên liệu cho mặt hàng tủ bếp.
THỊ TRƯỜNG NĂM 2023 SẼ RA SAO?
Thị trường xuất khẩu gỗ dán tại Việt Nam đã ‘bắt đáy’ từ cuối quý III/2022 và đã kéo dài 4 tháng qua. Tùy theo phân khúc thị trường mà các nhà máy gỗ dán ‘nhắm tới’ cũng như phân khúc các dòng sản phẩm gỗ dán, khả năng hồi phục sẽ khác nhau. Trong năm 2023, thị trường có khả năng phục hồi từ quý II/2023, tùy thuộc vào những thay đổi của tình hình kinh tế.
Đối với thị trường Hoa Kỳ, mặt hàng gỗ dán cốp pha phục vụ cho xây dựng sẽ hồi phục trước. Tiếp đến là gỗ dán phủ mặt birch (bạch dương) hoặc poplar (dương) phục vụ cho sản xuất mặt hàng tủ bếp. Dự báo, thị trường sẽ khởi động lại từ tháng 4 tới, nhưng để phục hồi và tăng trưởng tốt thì phải từ tháng 6, tháng 7/2023 trở đi.
Mặc khác, việc cước vận chuyển giảm, điều này giúp giảm sự dịch chuyển mặt hàng gỗ dán dùng để sản xuất sofa sang Mexico mà quay trở lại sản xuất tại Việt Nam. Do vậy, nhu cầu về gỗ dán cho sản phẩm ghế sofa cũng sẽ bắt đầu quay trở lại. Dự kiến, từ tháng 3/2022 trở đi, sự phục hồi của thị trường sẽ khá rõ ràng.
Đối với thị trường Hàn Quốc, kinh tế chưa có dấu hiệu “phục hồi rõ rệt”. Dòng sản phẩm xuất khẩu sang thị trường này chủ yếu là gỗ dán thương mại với phân khúc tầm trung. Tại Việt Nam nhiều nhà máy đang tập trung sản xuất phục vụ thị trường này, dẫn tới việc cạnh tranh về giá rất khốc liệt, mà chưa tập trung và việc nâng cao chất lượng tạo chỗ đứng riêng.
Malaysia - một trong 3 thị trường xuất khẩu gỗ dán chính của Việt Nam. Hiện nhiều doanh nghiệp đang chuyển hướng sang thị trường này. Trong đó, đối với gỗ dán phủ phim phục vụ cho xây dựng, cách đây 4 - 5 năm, Việt Nam xuất khẩu mạnh sang thị trường Hàn Quốc thì nay chuyển hướng sang thị trường Malaysia. Nguyên nhân do, sản xuất gỗ dán phủ phim tại thị trường Malaysia sụt giảm, các nhà máy sản xuất gỗ dán của họ gặp vấn đề về nhân công, chi phí sản xuất tăng, không cạnh tranh được với thị trường Việt Nam. Do đó, Malaysia nhập khẩu gỗ dán, đây cũng là lựa chọn tốt cho các doanh nghiệp sản xuất gỗ dán phủ phim của Việt Nam.
Thị trường EU cũng được các doanh nghiệp đặt sự quan tâm nhất định bởi sản xuất nội địa của các quốc gia tại EU khoảng 3,5 triệu m3/năm, ngoài ra, họ còn nhập thêm ở các nước khác. Việc thiếu hụt khoảng 2 triệu m3 từ Nga do xung đột Nga - Ukraine sẽ tạo cơ hội rất lớn cho các nhà máy gỗ dán của Việt Nam.
Tuy nhiên, sản phẩm nào phù hợp với năng lực sản xuất của nhà máy ở Việt Nam? Chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn, hợp chuẩn, nguồn gốc gỗ FSC,… đây là những vấn đề không dễ. Mặt khác, đây là thị trường rất rộng lớn (Đông Âu, Tây Âu, Nam Âu), mỗi khu vực lại có văn hóa làm việc khác nhau, xu hướng tiêu dùng khác nhau.
Từ tháng 9/2022, Công ty CP TEKCOM bắt đầu tìm hiểu và phát triển sản phẩm gỗ dán thay thế cho nguồn cung thiếu hụt từ Nga như ván nền cho ván sàn kỹ thuật, ván sàn xe tải, ván phủ phim chất lượng cao,... Cho đến thời điểm này, TEKCOM chỉ có một số đơn hàng nhỏ xuất thử nghiệm sang thị trường EU, và để xác định được khả năng cạnh tranh của sản phẩm tại thị trường này thông thường phải mất từ 3 - 6 tháng. Rõ ràng, cơ hội là có nhưng sản phẩm nào doanh nghiệp có thể làm được lại là cả một vấn đề.
Trên thực tế, để tránh phụ thuộc vào một thị trường nhất định, đa dạng dòng hàng và đa dạng thị trường hiện đang là mục tiêu của doanh nghiệp sản xuất mặt hàng gỗ dán tại Việt Nam. Một số doanh nghiệp trong ngành này đã chủ động nắm bắt xu hướng và chủ động tìm kiếm các cơ hội để phòng ngừa rủi ro.
Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp gỗ dán vẫn đang còn những điểm yếu nội tại. Cụ thể, họ không nắm bắt được xu hướng thị trường, chưa nhận biết được rủi ro thị trường, chưa chủ động tìm kiếm cơ hội để phòng ngừa rủi ro. Do đó, khi có những rủi ro xảy ra thì họ loay hoay trong phát triển sản phẩm và thường đi theo sau xu hướng thị trường dẫn đến rơi vào tình trạng ‘bắt đáy’.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt mới tập trung vào chiến lược giá rẻ chứ không phải là sự độc đáo, nâng cao chất lượng của sản phẩm. Phần lớn doanh nghiệp Việt bán qua công ty thương mại khiến họ không nắm được thông tin thị trường, không chủ động tiếp cận được khách hàng của mình để phát triển sản phẩm phù hợp cũng như tìm kiếm khách hàng mục tiêu.
Trong bối cảnh, các doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam với nguồn vốn lớn hơn, kinh nghiệm sản xuất tốt hơn, giá thành sản phẩm rẻ hơn, tốc độ cải tiến sản phẩm nhanh hơn, quan trọng nhất sự kết nối chuỗi giá trị từ nhà cung ứng đến đầu ra đang đặt ra thách thức rất lớn cho các doanh nghiệp gỗ dán Việt. Nâng cao năng lực cạnh tranh là việc mà các doanh nghiệp buộc phải làm. Mỗi doanh nghiệp sẽ có hướng đi và cách làm khác nhau, tuy nhiên, việc xây dựng chiến lược, phân tích xu hướng thị trường, lựa chọn thị trường mục tiêu,… việc này đòi hỏi doanh nghiệp cần phải làm thường xuyên và liên tục.
Gỗ Việt (Số 152 - Nguyễn Hạnh, Cao Cẩm)
- Ngành gỗ bộn bề khó khăn, dự báo sức mua giảm 50%
- Đức tăng nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ từ Việt Nam
- Dự báo, 3 tháng cuối năm xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Anh sẽ giảm
- Australia giảm nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ từ Việt Nam
- Nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ Đông Nam Á giảm mạnh
- Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới Bỉ tăng
- Quý I/2022, nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ châu Phi tăng trở lại
- Xuất khẩu đồ nội thất phòng ngủ tăng nhẹ
- RCEP và cơ hội của ngành gỗ
- Bình Dương dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2021
-
CIFF Quảng Châu – Diện mạo mới cho Gian hàng quốc tế - "IF" biến sự không chắc chắn thành chắc chắn
-
Xúc tiến thương mại và các kiến nghị từ VIFOREST
-
Liên kết quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng: Nhóm các chủ rừng quy mô nhỏ sẽ tăng mạnh
-
Phantom Hands và Adam Markowitz ra mắt bộ sưu tập 'REFRACTIONS' như một phần của BLR Hubba
-
VTV1 - Ngành gỗ thay đổi đáp ứng thị trường xuất khẩu