RCEP và cơ hội của ngành gỗ
Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Hiệp định thương mại tự do có quy mô lớn nhất thế giới, bắt đầu có hiệu lực có hiệu lực từ đầu 2022, mở ra những cơ hội trong tầm tay cho các doanh nghiệp, trong đó có ngành gỗ Việt Nam.
Với phạm vi bao trùm thị trường của 11 nước ASEAN và 5 đối tác lớn (là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand), RCEP mở ra một khu vực thị trường thống nhất rộng lớn, với quy mô 2,2 tỉ người tiêu dùng, 30% GDP toàn cầu. Xét trong nhiều khía cạnh, đây là cơ hội hội nhập rất có nghĩa cho doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp ngành gỗ và lâm sản nói riêng.
Mở đường tới Đông Bắc Á và châu Đại dương
RCEP mở ra cho doanh nghiệp Việt Nam thêm một con đường ưu tiên để thúc đẩy kinh doanh, đặc biệt là xuất nhập khẩu với 14 đối tác, nhất là với các thị trường Đông Bắc Á và châu Đại dương.
Trước Hiệp định này, Việt Nam đã có tổng cộng 9 FTA riêng rẽ với một hoặc một số đối tác RCEP. Tuy nhiên, RCEP tạo ra một sự khác biệt đáng kể với các FTA đã có nhờ vào lợi thế về quy mô. Chưa khi nào chúng ta lại có một FTA bao trùm nhiều nguồn cung nguyên liệu cũng như thị trường đầu ra quan trọng của sản xuất, xuất nhập khẩu Việt Nam đến thế.
Đi vào thực thi, RCEP tạo ra một không gian cộng hưởng rộng lớn, mà ở đó các doanh nghiệp Việt có cơ hội xuất nhập khẩu hàng hóa với không hoặc rất ít rào cản về thuế quan, giá thành vì thế cũng có cơ hội để cạnh tranh hơn. Đặc biệt, nhờ vào việc hài hòa quy tắc xuất xứ nội khối RCEP, hàng hóa xuất khẩu của chúng ta có thể đáp ứng điều kiện để hưởng ưu đãi thuế quan trong RCEP dễ dàng hơn bất kỳ FTA nào đã có.
Đối với ngành chế biến xuất khẩu gỗ, ưu đãi thuế quan trong RCEP trao thêm cho các doanh nghiệp một cơ hội để gia tăng sức cạnh tranh và thị phần ở không chỉ các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, mà còn cả ở các thị trường vốn chưa hoàn toàn quen thuộc với đồ gỗ Việt Nam như ASEAN hay châu Đại Dương, vì khách hàng trong khu vực này còn thuộc nhiều phân khúc rất đa dạng, trong đó có những nhóm không quá khó tính, lại có nhu cầu cao đối với nhiều sản phẩm gỗ xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam. Điều này mở ra cơ hội cho nhiều hơn các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu, nhất các doanh nghiệp nhỏ và vừa với năng lực cạnh tranh chưa phải là quá mạnh.
Ở chiều nhập khẩu, với RCEP, trong bối cảnh một tỉ lệ không nhỏ thiết bị ngành gỗ của Việt Nam nhập khẩu từ các nguồn như Nhật Bản, Trung Quốc…, tận dụng RCEP có thể giúp doanh nghiệp mạnh dạn hơn trong cải tiến công nghệ, năng lực sản xuất nhờ vào việc nhập khẩu máy móc thiết bị hiện đại và hiệu quả hơn.
Đồng thời, doanh nghiệp cũng sẽ được hưởng lợi khi nhập khẩu đầu vào phục vụ sản xuất với thuế quan ưu đãi từ khu vực này. Đây là một lợi ích rất đáng chú ý với doanh nghiệp chế biến gỗ bởi RCEP là khu vực cung cấp phổ biến nhất các phụ kiện như đinh ốc vít, chốt, bản lề, ray trượt, trục cao su… đến các loại vật tư ngành gỗ như hóa chất, xốp, mút, ván bề mặt, bột keo, sơn, giấy nhám….
Mặt khác, sự thống nhất và có thể dự đoán trước trong toàn khu vực RCEP về các thủ tục hải quan hay xuất nhập khẩu trong việc áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, về điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại… chắc chắn sẽ giúp các doanh nghiệp tiết giảm nhiều chi phí trong quá trình xuất nhập khẩu. Đặc biệt, nơi các sản phẩm gỗ xuất nhập khẩu thường phải tuân thủ nhiều quy định đặc thù như xuất xứ, tính hợp pháp, tiêu chuẩn sử dụng hóa chất... những chuẩn chung áp dụng thống nhất giữa các thị trường nhờ vào RCEP mang lại lợi ích rất đáng kể.
Với một ngành đặc thù nhiều doanh nghiệp khu vực tư nhân có quy mô nhỏ và vừa như chế biến gỗ, việc có thêm cơ hội để hợp tác, liên doanh với các nhà đầu tư RCEP để cải thiện năng lực, nâng cao tính chuyên nghiệp và quản trị, mở rộng quy mô và thị trường là rất có ý nghĩa. Đồng thời, cạnh tranh trong các lĩnh vực dịch vụ có thể là cơ hội để doanh nghiệp gỗ có thể sử dụng các dịch vụ logistics, tài chính… với giá hợp lý hơn và chất lượng tốt hơn. Các quy chuẩn chung, ổn định và an toàn trong thương mại điện tử giữa các nước RCEP cũng là cơ hội để doanh nghiệp gỗ tiếp cận nhiều hơn, nhanh hơn đến khách hàng RCEP theo những kênh hiện đại, trực tiếp và hiệu quả.
Sản xuất đồ gỗ tại Công ty TNHH Minh Thành (Đồng Nai). Ảnh Gỗ Việt
Nghênh đón thách thức
Trong bối cảnh thương mại toàn cầu đang trải qua giai đoạn đặc biệt khó khăn, khi COVID-19 đang làm đảo lộn kinh tế nhiều khu vực, xu hướng bảo hộ hay căng thẳng thương mại tiếp tục trầm trọng ở nhiều thị trường, và rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có doanh nghiệp ngành gỗ, đang phải tìm kiếm và khai thác mọi khả năng có thể để tiếp tục duy trì kinh doanh và phát triển bền vững, những lợi ích kinh tế tăng thêm từ RCEP là rất có ý nghĩa.
Tất nhiên, RCEP không chỉ mang đến cơ hội. Thách thức từ Hiệp định này với các doanh nghiệp Việt Nam cũng là rất đáng kể. Cạnh tranh trên thị trường nội địa có thể sẽ phức tạp hơn khi Việt Nam mở cửa cho hàng hóa từ các đối tác RCEP với cơ cấu sản phẩm tương tự. Cạnh tranh ở các thị trường xuất khẩu trong RCEP có thể cũng sẽ gay gắt hơn khi mà không chỉ Việt Nam có lợi thế FTA như trước đây mà cả các đối thủ cạnh tranh của chúng ta cũng có lợi thế tương tự nhờ vào RCEP.
Đã có những cảnh báo đâu đó về nguy cơ thua ngay trên sân nhà khi Việt Nam mở cửa cho các đối thủ mạnh trong RCEP. Mặc dù vậy, viễn cảnh hàng hóa RCEP sẽ tràn ngập thị trường, lấn lướt và đánh bại hàng Việt ngay trên thị trường nội địa dường như không hiện thực. Từ nhiều năm nay, với những FTA trước đó, thị trường Việt Nam đã mở rất mạnh cho chính các đối tác RCEP. Và các doanh nghiệp Việt Nam đã phải tự đặt mình trong tâm thế nghênh đón và sẵn sàng cạnh tranh sòng phẳng với các đối thủ này. Đồng thời, dưới áp lực của nhiều FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao, doanh nghiệp Việt Nam cũng đã thiết lập cho mình những lợi thế nhất định trong cạnh tranh và phát triển bền vững so với một số đối tác.
Với riêng doanh nghiệp ngành gỗ, nguy cơ cạnh tranh trên sân nhà là có, nhưng cũng không quá đáng lo ngại. Ngành gỗ Việt Nam có những thế mạnh của riêng mình, và thị trường nội địa vẫn có những phân khúc mà doanh nghiệp có thể tranh thủ.
Năm 2022 đã bắt đầu, RCEP cũng đã chính thức đi vào thực thi, mang đến những cơ hội trong tầm với của nhiều doanh nghiệp Việt. Mong là từng doanh nghiệp của chúng ta đều có sự chuẩn bị cần thiết để sẵn sàng biến những cơ hội tiềm năng này thành lợi nhuận thực tế của chính mình.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Trang,
Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)
- Bình Dương dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2021
- Tập đoàn Cao su sẽ chuyển đổi 100.000 ha đất để làm khu công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao
- Việt Nam chỉ cung cấp 1% tổng lượng đồ nội thất Nga nhập khẩu
- Xuất khẩu đồ nội thất phòng khách và phòng ăn tăng khá
- Giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu cao “ngất” vì khan nguồn cung
- Thị trường đồ gỗ toàn cầu sẽ đạt trên 500 tỷ USD trong năm 2022
- Việt Nam xuất khẩu đồ gỗ nội thất vào EU tăng nhưng thị phần tại thị trường này lại giảm
- Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Anh tăng mạnh trong tháng 1/2022
- Xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản ngoài gỗ đặt mục tiêu đến năm 2025 đạt 20 tỷ USD
- Ngành gỗ Đồng Nai đứng thứ 2 kim ngạch xuất khẩu gỗ của cả nước
-
CIFF Quảng Châu – Diện mạo mới cho Gian hàng quốc tế - "IF" biến sự không chắc chắn thành chắc chắn
-
Xúc tiến thương mại và các kiến nghị từ VIFOREST
-
Liên kết quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng: Nhóm các chủ rừng quy mô nhỏ sẽ tăng mạnh
-
Phantom Hands và Adam Markowitz ra mắt bộ sưu tập 'REFRACTIONS' như một phần của BLR Hubba
-
VTV1 - Ngành gỗ thay đổi đáp ứng thị trường xuất khẩu