Thị trường đồ gỗ toàn cầu sẽ đạt trên 500 tỷ USD trong năm 2022

02/03/2022 09:33
Thị trường đồ gỗ toàn cầu sẽ đạt trên 500 tỷ USD trong năm 2022

Sau khi bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, thị trường đồ gỗ toàn cầu đã phục hồi từ cuối năm 2021 và đang có xu hướng tiếp tục tăng trưởng mạnh bởi người tiêu dùng ở nhiều quốc gia làm việc tại nhà nhiều hơn trước.

Theo Trung tâm Nghiên cứu công nghiệp Italia (CSIL), đến hết năm 2021, tổng giá trị sản xuất đồ gỗ trên thế giới đã đạt 500 tỷ USD, 1/3 trong đó là xuất khẩu. Như vậy, giá trị xuất khẩu đồ gỗ trên toàn cầu hiện rất lớn, đạt khoảng 170 tỷ USD.

Qua kết quả khảo sát tại 100 thị trường, CSIL đưa ra nhận định, trong năm 2022, thị trường đồ gỗ toàn cầu sẽ tăng trưởng khoảng 4%. Trong số các thị trường lớn (tiêu thụ đồ nội thất dự báo trên 5 tỷ USD/năm), các thị trường thuộc châu Âu và châu Á sẽ có sự tăng trưởng mạnh nhất về tiêu thụ đồ gỗ. Bên cạnh đó, thị trường chủ đạo của ngành gỗ Việt Nam là Bắc Mỹ sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định.

Sản phẩm đồ gỗ Việt còn nhiều dư địa ở các thị trường xuất khẩu (Ảnh minh họa) Nguồn: Gỗ Việt chụp tại Công ty TNHH Hiệp Long 

Như vậy, thị trường thế giới vẫn đang rất rộng mở cho ngành gỗ Việt Nam. Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đang còn nhiều dư địa để đẩy mạnh tăng trưởng, khi mà tại một số thị trường nhập khẩu đồ gỗ hàng đầu thế giới, thị phần của Việt Nam còn khiêm tốn.

Để chuẩn bị nguồn nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã ký Quyết định số 60/QĐ-TCLN-KHTC phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành lâm nghiệp theo chuỗi và nâng cao giá trị gia tăng giai đoạn 2021-2025.

Kế hoạch đặt ra mục tiêu cụ thể: tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp từ 5,0% đến 5,5%/năm. Xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản ngoài gỗ đạt 18 - 20 tỷ USD và tiêu thụ lâm sản thị trường trong nước đạt 5 tỷ USD vào năm 2025.

Đồng thời, sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng tập trung đạt 35 triệu m³/năm vào năm 2025, đáp ứng cơ bản nhu cầu nguyên liệu cho chế biến gỗ và lâm sản, tỷ lệ che phủ rừng được duy trì ổn định ở mức 42%.

Hiện nay, Việt Nam đã bình thường mới với nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sau đại dịch. Các đơn hàng của các ngành trong Top xuất khẩu dẫn đầu của Việt Nam đang có đến tháng 6, thậm chí như ngành gỗ đơn hàng đến tháng 9/2022.

Với những nỗ lực tăng nguồn cung gỗ nguyên liệu trong nước, nhập khẩu gỗ của Việt Nam trong quý I/2022 dự báo sẽ tăng trở lại để đáp ứng nhu cầu từ các nhà máy chế biến rất lớn.

Gỗ Việt