Nỗi lo của các nhà sản xuất đồ gỗ
Áp lực gỗ nguyên liệu tăng cao khi sản xuất từng bước phục hồi, tình hình dịch bệnh tại các thị trường trọng điểm dần kiểm soát, kéo lượng đơn hàng mới tăng trở lại.
Nguyên liệu nhập khẩu chiếm 25% tổng lượng gỗ tiêu dùng toàn ngành gỗ. Nhưng cước container tăng cộng hưởng cùng giá nguyên liệu tăng đột biến, đẩy các nhà sản xuất đối mặt với thách thức thiếu nguyên liệu.
Rủi ro từ nguồn cung thấp
Chuỗi cung toàn cầu đứt gãy, đẩy giá nguyên liệu gỗ tăng cao, ảnh hưởng lên hoạt động sản xuất, chế biến của ngành gỗ. Tại thị trường nội địa, giá gỗ nguyên liệu đã tăng 3-5%, khoảng 600-700.000 đồng/m3, so với hồi đầu năm, theo ông Nguyễn Văn Tư, chủ một cơ sở kinh doanh gỗ ở Hà Nội.
Nguyên liệu sản xuất đồ gỗ xuất khẩu cũng tăng mạnh. Công ty Tân Phước ở Quy Nhơn đang phải chi thêm 25-32 USD/m3 để mua gỗ bạch đàn từ Nam Mỹ. Hiện nay, Công ty CP Lâm Việt cũng đang phải mua gỗ birch từ Nga với giá cao, 550 USD/m3 thay vì 390 USD/m3 trước đây.
Theo đà tăng của giá nguyên liệu, giá nhập khẩu các loại ván gỗ cũng tăng cao. “Chúng tôi đang phải nhập ván với giá trên 500 USD/m3, giá trước đó chỉ 380-400 USD/m3”, ông Lê Văn Lương, Tổng giám đốc Công ty CP Gỗ Đại Thành, một doanh nghiệp chuyển sản xuất đồ gỗ ngoài trời và sản xuất mặt hàng tủ bếp, chia sẻ.
Gần 10 năm qua, nhu cầu sử dụng nguyên liệu trong ngành gỗ ngày càng tăng cao. Theo số liệu từ Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), lượng gỗ sử dụng đã tăng từ 16 triệu m3 vào năm 2013 lên trên 40 triệu m3 vào năm 2020, với 70-75% được cung bởi nguồn rừng rồng trong nước, phần còn lại vẫn phải nhập khẩu.
Việt Nam nhập nguyên liệu (gỗ tròn, gỗ xẻ) từ 132 thị trường trên thế giới, với khối lượng tăng theo từng năm, từ 3,4 triệu m3 gỗ quy tròn vào năm 2013 lên gần 6,0 triệu m3 quy tròn vào năm 2020. Lượng gỗ nhập khẩu tiếp tục tăng lên trong năm 2021. Chỉ trong 9 tháng đầu năm nay, lượng nhập đã đạt 4,8 triệu m3 quy tròn tăng 20% so với cùng kỳ 2020.
Việt Nam gia tăng lượng nhập gỗ nguyên liệu hàng năm (m3 quy tròn)
Nguồn Gỗ Việt phân tích từ số liệu Hải quan
Theo ông Đỗ Xuân Lập, chủ tịch VIFOREST, nhu cầu sử dụng gỗ nguyên liệu sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, do cầu tăng tại thị trường nội địa cũng như xuất khẩu tăng cao.
Với mục tiêu xuất khẩu 20 tỷ USD vào năm 2025, ngành gỗ có thể phải sử dụng trên 60 triệu m3 gỗ nguyên liệu, chưa kể nguyên liệu gỗ phục vụ thị trường trong nước. Tính toán sơ bộ của VIFOREST cho thấy tổng cầu nguyên liệu của ngành dự kiến lên tới trên 70 triệu m3 vào năm 2025.
Nhu cầu sử dụng nguyên liệu trong ngành gỗ tăng hàng năm
Nguồn: Gỗ Việt tính toán dựa trên số liệu của Tổng cục Lâm nghiệp, Tổng cục Hải quan (* ước tính)
Chia sẻ rủi ro
Tân Phước, một nhà cung ứng nguyên liệu gỗ và cũng là nhà sản xuất đồ gỗ ở Bình Định, đến thời điểm này vẫn chưa xác nhận các đơn đặt hàng mới. Trong khi đó, các nhà cung ứng đầu nguồn thông báo mức giá mới ở mức cao, gỗ bạch đàn tăng 32 USD/m3 so với tháng 4/2021. “Chúng tôi đang đợi diễn biến mới của thị trường mới, xem mức giá lên đến đâu, sau đó mới xác nhận giá nhập và báo giá mới cho các nhà sản xuất trong nước”, ông Phan Văn Phước, Giám đốc Công ty TNHH Tân Phước cho biết.
“Sự điều chỉnh giá đối với khách hàng trong nước thường có độ trễ ít nhất 1-2 tháng”, ông Phước giải thích. Theo ông, việc này sẽ giúp khách hàng có thời gian thích nghi, mặt khác giúp doanh nghiệp làm nhập khẩu tồn tại. Giá gỗ nhập về theo hình thức container và theo tàu rời đều trong xu hướng tăng. Đối với nguồn gỗ nhập theo tàu rời, đã có 3 lần tăng giá từ tháng 4 cho tới nay, với mức tăng 25 USD/m3 so với trước dịch. Lần đầu tăng giá vào tháng 4 với mức tăng 5 -6 USD/m3, lần thứ 2 vào tháng 6, tăng 10 USD/m3 và lần thứ 3 tiếp tục tăng 10 USD/m3 và đầu tháng 11 vừa qua.
Thời điểm này, tại Bình Định, nhiều công ty đã ký được đơn hàng mùa mới. Rút kinh nghiệm từ các đợt dịch trước, họ đã triển khai tích lũy nguyên liệu từ 3- 4 tháng trước, sàng lọc danh sách khách hàng để xác định lượng nguyên liệu cần dự trữ, đồng thời cơ cấu lại sản phẩm, tập trung vào các dòng hàng có giá trị cao, tốn ít nguyên liệu.
“Nguồn cung có thể gián đoạn từ 2 đến 3 tháng, nếu tháng 2 tới chúng tôi không nhập thêm được nguyên liệu. Lượng gỗ dự trữ trong kho chỉ đủ cung ứng đến tháng 4”, ông Phước cảnh báo. Các công ty vẫn đang sản xuất từ nguồn nguyên liệu nhập khẩu trước đó, nhưng chỉ đáp ứng được nhu cầu sản xuất đến tháng 1, nhiều lắm là đến tháng 2/2022.
Nguyên liệu nhập khẩu chiếm 25% tổng lượng gỗ tiêu dùng toàn ngành, tiếp tục chịu ảnh hưởng của chi phí vận tải. Chi phí vận chuyển nguyên liệu gỗ đã tăng từ 30%- 40% trong đợt dịch Covid-19 vừa qua.
Tại Bình Định, trước kia có 6 nhà nhập khẩu cung cấp cho thị trường tại đây, nhưng hiện nay chỉ còn 2 công ty hoạt động. Vốn lớn, rủi ro nhiều và hiệu quả thấp, khiến các doanh nghiệp rời bỏ thị trường. Chẳng hạn, gỗ Bạch Đàn nhập theo container thường nhạy cảm với thời tiết. Khi gỗ đã được mở container, sau 15 ngày không kịp xẻ, sấy, gỗ sẽ gây nứt, hao hụt 20-30%, doanh nghiệp cầm chắc thua lỗ.
Một thực tế mà Tân Phước không thể né tránh, khi đầu mua vào các nhà cung ứng yêu cầu trả tiền ngay, nhưng ở đầu ra, các khách hàng lại nợ nhiều hơn, khiến công ty bị đọng vốn. “Chúng tôi chia sẻ rủi ro với các đối tác của mình, với các nhà cung ứng và với các nhà sản xuất, điều này đôi khi làm cho công ty bị sụt giảm lợi nhuận”, ông Phước cho biết.
Để giảm rủi ro xuống mức thấp, Tân Phước đang nhập gỗ nguyên liệu bằng 2 cách, vừa nhập gỗ tròn về xẻ, vừa nhập gỗ đã xẻ, nhằm đảm bảo bảo đủ nguồn cung cho các nhà sản xuất, giảm thiểu tác động bởi thời tiết. Nhưng công ty này cũng giữ tâm lý “chờ giá cước container giảm xuống”. Nếu giảm, công ty sẽ tiếp tục nhập hàng, còn nếu tiếp tục duy trì ở mức cao, công ty xem xét nhu cầu chào giá mùa mới với các nhà mua trong nước. Nếu chấp nhận mức giá mới, chúng tôi mới tiến hành nhập khẩu.
Cao Cẩm (Gỗ Việt, số 139 tháng 11 năm 2021)
- Malaysia tăng cường sản xuất đồ nội thất từ gỗ cao su
- Trung Quốc tăng nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ thị trường Việt Nam
- Dự báo thị trường đồ nội thất bằng gỗ của châu Âu tăng trưởng bình quân 5%/năm đến năm 2026
- Doanh nghiệp gỗ: Lo lỡ mùa hàng mới
- Malaysia đẩy mạnh xuất khẩu đồ nội thất sang các thị trường tiềm năng
- Làng nghề gỗ và “bão” dịch Covid-19
- Trung Quốc gia hạn miễn thuế đối với gỗ cứng nhập khẩu từ Mỹ đến tháng 4/2022
- Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới Nhật Bản sẽ khả quan hơn trong những tháng cuối năm 2021
- Xuất khẩu đồ gỗ nội thất của Trung Quốc sang thị trường EU tăng mạnh
- Triển vọng xuất khẩu gỗ tới thị trường Canada vẫn rất khả quan
-
CIFF Quảng Châu – Diện mạo mới cho Gian hàng quốc tế - "IF" biến sự không chắc chắn thành chắc chắn
-
Xúc tiến thương mại và các kiến nghị từ VIFOREST
-
Liên kết quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng: Nhóm các chủ rừng quy mô nhỏ sẽ tăng mạnh
-
Phantom Hands và Adam Markowitz ra mắt bộ sưu tập 'REFRACTIONS' như một phần của BLR Hubba
-
VTV1 - Ngành gỗ thay đổi đáp ứng thị trường xuất khẩu