Làng nghề gỗ và “bão” dịch Covid-19
Bão dịch Covid-19 lần thứ 4khiến nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội. Các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh tại các làng nghề gỗ cũng dừng sản xuất, đầu ra chủ yếu là thị trường nội địa gần như “đóng băng”, chuyển sang kinh doanh online không hiệu quả do đặc thù tính chất sản phẩm. Quay trở lại sản xuất sau giãn cách, họ cũng đối mặt với vẫn muôn vàn khó khăn.
Đầu ra sụt giảm tới 80-90%
Làng nghề Vạn Điểm (huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội) những ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg dừng hẳn sản xuất và cả kinh doanh. Tuy nhiên, những chi phí phải chi trả thì không thực hiện “giãn cách”. Ông Nguyễn Văn Điệp – Phó chủ tịch Hội gỗ làng nghề Vạn Điểm cho biết, tiền trả lãi vay ngân hàng, tiền thuê mặt bằng sản xuất, tiền thuê mặt bằng kinh doanh, chi phí bảo dưỡng máy dù không sản xuất là những khoản hàng tháng chúng tôi vẫn phải chi phí. Gần 2 tháng đóng cửa, nhiều hộ sản xuất kinh doanh gần như tê liệt.“Vốn đầu tư còn phải vay ngân hàng, hàng tháng họ vẫn gửi tin nhắn và đúng theo lịch phải chuyển khoản, chúng tôi chỉ xin giãn 1 chút xíu, họ (ngân hàng) cho chậm 1,2 tháng, nhưng thậm chí chưa hết thời gian giãn cách họ đã giục rồi”, ông Điệp cho hay.
Thực hiện sản xuất “3 tại chỗ”, theo ông Điệp, dù muốn nhưng các hộ sản xuất cũng không thực hiện được do đứt gãy chuỗi cung.“Muốn sản xuất nhưng chúng tôi không mua được gỗ, hoặc nếu mua được gỗ về muốn xẻ thì xưởng xẻ lại nghỉ”, ông Điệp nói.
Tương tự, Làng nghề mộc Liên Hà (xã Liên Hà, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội) những ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg vắng lặng. Kinh tế của nhiều gia đình trong xã và vùng phụ cận làng nghề phụ thuộc rất nhiều từ việc sản xuất ở làng nghề. Dừng sản xuất đồng nghĩa với người lao động không có thu nhập.
Theo ông Nguyễn Văn Nhự - Chi hội trưởng Hội thợ mộc Liên Hà cho hay, hiện làng nghề có 226 hộ sản xuất tại cụm công nghiệp và trên 150 hộ tham gia sản xuất kinh doanh đồ gỗ tại các khu vực lân cận làng nghề. Thị trường tiêu thụ nội địa là chủ yếu, trong đó, 70% ở các tỉnh khác, còn lại là Hà Nội. Thời gian Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, đầu ra sản phẩm làng nghề gần như “đóng băng”.“Từ tháng 5/2021 trở lại đây, đầu ra giảm tới 90%. Trong suốt 3 tháng vừa qua, có nhiều hộ tại làng nghề, hàng làm giao cho khách nhưng chỉ nhận được 50 triệu đồng, trong khi đó khoản vay tới kỳ đáo hạn hơn 500 triệu đồng thì lấy đầu ra mà trả.Ngân hàng vẫn thông báo nợ và lãi suất khi tới kỳ đáo hạn. Nếu không đáo hạn và trả kịp thời thì ngân hàng lại đưa vào danh sách khách hàng nợ xấu”, là chia sẻ của Ông Nguyễn Đình Phùng một hộ sản xuất tại làng nghề Liên Hà.
Tương tự, tại Làng nghề gỗ Thụy Lân (xã Thụy Lân, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) với hơn 400 hộ dân, sau khi phát hiện có ca F0, làng thực hiện giãn cách xã hội, mất hơn 1 tháng đóng kín cửa then cài, có đơn hàng mà không sản xuất được, hàng tồn tại làng không mang đi đâu được, đơn hàng Hà Nội đều sếp kho hết, tỷ lệ khách giảm 50-60%.
Loay hoay tìm đầu ra thời dịch
Chuyển hướng sang kinh doanh trên kênh online được đánh giá là xu hướng hiệu quả, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, theo ông Điệp, đối với các cơ sở sản xuất làng nghề gỗ- giải pháp này chỉ để khách hàng biết tới mình. Còn để bán được sản phẩm ngay là không dễ, bởi sản phẩm này đặc thù, không phải là sản phẩm xách tay, nhỏ nhẹ, có thể thanh toán online được, mà sản phẩm này khách hàng cần phải tới nơi xem.
Đồng quan điểm về vấn đề này, ông Vũ Quốc Vương, Chủ tịch Hiệp hội gỗ ĐồngKỵ, cho biết, tại làng nghề Đồng Kỵ chỉ có 10% các đơn vị còn duy trì và bán được hàng đi còn lại 90% không bán được hàng. Thị trường ế ẩm, nhiều đơn vị chuyển sang bán hàng online qua kênh zalo, youtuber… vẫn duy trì nhưng chủ yếu để khách họ biết tới thương hiệu, nhưng không hiệu quả.“Bán hàng online đồ gỗ mỹ nghệ rất khó bởi khách hàng vẫn muốn “mắt thấy, tay sờ” do giá đồ mỹ nghệ đắt. Tỷ lệ chốt đơn hàng thấp, khách hàng chỉ sử dụng kênh online để tham khảo giá”, ông Vũ Quốc Vương chia sẻ.
Sản xuất tại các làng nghề gỗ gặp khó khăn bởi dịch Covid-19 (Ảnh Gỗ Việt: Sản xuất đồ mộc tại làng nghề Thiết Úng, Đông Anh)
Quay trở lại sản xuất vẫn muôn vàn khó khăn
Hiện, nhiều địa phương đã nới lỏng giãn cách xã hội, quay trở lại sản xuất, các làng nghề gặp muôn vàn khó khăn. Ông Nguyễn Văn Trường- Chi hội trưởng Chi hội làng nghề gỗ Thụy Lân-cho biết, chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao “chóng mặt”, giá sơn, keo tăng gấp đôi, trong khi giá gỗ nguyên liệu đầu vào tăng 10%. Làm gì đề bù được phần tăng chi phí đầu vào này trong khi giá đầu ra không thay đổi? Nhiều cơ sở sản xuất cho biết, họ chỉ biết cố duy trì, tạo việc làm để giữ chân thợ, thậm chí chấp nhận làm không lợi nhuận. Dù vậy, việc sản xuất cũng chỉ được thực hiện cầm chừng, công suất chỉ bằng 1/3 so với thời điểm trước giãn cách.
Ngoài đối diện với giá nguyên vật liệu tăng, Ông Điệp chia sẻ, việc tái sản xuất của các hộ cũng không hề dễ dàng khi lao động trước đã về quê chưa thể quay lại xưởng do những yêu cầu như giấy đi đường, quy định phòng chống dịch hay xét nghiệm Covid-19. Hơn nữa, thị trường đầu ra của hộ giảm mạnh, nhất là đối với các chủ xưởng có thị trường tiêu thụ chính là miền Nam, công suất sản xuất giảm tới 90%.
Chính sách hỗ trợ bỏ rơi hộ làng nghề
Việt Nam hiện có khoảng trên 300 làng nghề gỗ với hàng nghìn hộ gia đình và hàng trăm nghìn lao động đang tham gia các hoạt động sản xuất kinh doanh tại đây. Nhưng vai trò và tầm quan trọng của các làng nghề hiện chưa được đánh giá một cách đầy đủ và công bằng. Các địa phương nơi có các làng nghề hiện đều đang áp dụng các cơ chế chính sách nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do các hoạt động giãn cách. Tuy nhiên đến nay toàn bộ các hộ và các doanh nghiệp tại các làng nghề chưa được tiếp cận với các nguồn hỗ trợ này.
Nguyên nhân chính là bởi các hộ không đáp ứng được với các tiêu chí hỗ trợ mà địa phương đưa ra. Đại diện một hộ gia đình tại Vạn Điểm chia sẻ để nhận được hỗ trợ các hộ phải có giấy phép kinh doanh và mã số thuế. Hình thức phổ biến tại các làng nghề là hộ kinh doanh nhỏ lẻ, không đăng ký mã số thuế mà chỉ đóng lệ phí môn bài. Do không có mã số thuế, nhiều hộ không có chứng nhận đăng ký kinh doanh, vì vậy hộ không đủ tiêu chuẩn tiếp cận với các nguồn hỗ trợ này.
Theo báo cáo mới đây của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, trên 70% số hộ vay vốn để sản xuất kinh doanh. Hoạt động sản xuất đình trệ, nguồn thu bị mất hoặc sụt giảm tạo ra sức ép về các khoản vay rất lớn cho các hộ. Trước sức ép trả lãi suất ngân hàng và để tránh rơi vào danh sách hộ nợ xấu, một số hộ phải đi vay vốn với lãi suất cao từ 3,5-4,5%/tháng để trả các khoản vay đến kỳ đáo hạn. Điều này tiềm ẩn rủi ro rất lớn đối với hộ.
Kinh tế của nhiều gia đình trong các làng nghề nói chung và làng nghề gỗ nói riêng đang phụ thuộc rất nhiều từ việc sản xuất. Nếu dịch Covid-19 không được kiểm soát tốt, thì các cơ sở sản xuất sẽ không chống đỡ nổi. Do đó, các hộ sản xuất tại các làng nghề kiến nghị nhà nước, các Bộ, ngành, địa phương có chính sách giảm, miễn tiền thuê đất, giảm lãi suất ngân hàng và hỗ trợ cho vay mới. Việc này sẽ hỗ trợ rất lớn cho họ trong bối cảnh đang hết sức khó khăn như hiện nay.
Hà Anh(Gỗ Việt số 137, tháng 9 năm 2021)
- Trung Quốc gia hạn miễn thuế đối với gỗ cứng nhập khẩu từ Mỹ đến tháng 4/2022
- Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới Nhật Bản sẽ khả quan hơn trong những tháng cuối năm 2021
- Xuất khẩu đồ gỗ nội thất của Trung Quốc sang thị trường EU tăng mạnh
- Triển vọng xuất khẩu gỗ tới thị trường Canada vẫn rất khả quan
- Xuất khẩu đồ nội thất văn phòng chậm lại trong tháng 8/2021
- Tháng 8/2021, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới Mỹ giảm
- Indonesia kỳ vọng trở thành quốc gia dẫn đầu ngành công nghiệp đồ nội thất và hàng thủ công mỹ nghệ ở ASEAN
- Trung Quốc tăng mạnh nhập khẩu gỗ tròn mềm trong nửa đầu năm 2021
- Hoa Kỳ gia hạn thời gian ban hành kết luận điều tra chống lẩn tránh thuế sản phẩm gỗ dán cứng từ Việt Nam
- Hành trình học hỏi của Jerry Low
-
CIFF Quảng Châu – Diện mạo mới cho Gian hàng quốc tế - "IF" biến sự không chắc chắn thành chắc chắn
-
Xúc tiến thương mại và các kiến nghị từ VIFOREST
-
Liên kết quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng: Nhóm các chủ rừng quy mô nhỏ sẽ tăng mạnh
-
Phantom Hands và Adam Markowitz ra mắt bộ sưu tập 'REFRACTIONS' như một phần của BLR Hubba
-
VTV1 - Ngành gỗ thay đổi đáp ứng thị trường xuất khẩu