Dòng vốn FDI ngành gỗ 5 tháng đầu năm: Đón cơ hội đầu tư lớn với sự thận trọng

27/06/2019 09:25
Dòng vốn FDI ngành gỗ 5 tháng đầu năm: Đón cơ hội đầu tư lớn với sự thận trọng

Việt Nam là nước hưởng lợi lớn nhất từ việc chuyển hướng đầu tư do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc khi các công ty đang tìm cách thay đổi chiến lược chuỗi cung ứng và chuyển bớt cơ sở sản xuất của họ từ Trung Quốc.

Nhiều công ty đa quốc gia đang lên kế hoạch đầu tư mới có thể sẽ áp dụng chiến lược "Trung Quốc +1" để đa dạng hóa và giảm mức độ dễ bị tổn thương trước bất kỳ căng thẳng thương mại nào trong tương lai. Và Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến "+1" được yêu thích.

Một số dữ liệu vĩ mô gần đây cho thấy Việt Nam đang hưởng lợi từ sự thay đổi lớn này. Cụ thể, FDI trong 4 tháng đầu năm 2019 tại Việt Nam thiết lập kỷ lục mới là một ví dụ rõ ràng nhất. Tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và điều chỉnh vốn đạt tới 7,45 tỉ USD, tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái.

Một số liệu khác cũng phản ánh sự dịch chuyển vốn đầu tư vào Việt Nam là góp vốn, mua cổ phần trong 4 tháng đầu năm đạt 7,1 tỉ, tăng hơn 3 lần so với 4 tháng đầu năm 2018, khi chính quyền của tổng thống Donald Trump tiếp tục gói áp thuế bổ sung từ 10% lên 25%  trên 2.400 mặt hàng Trung Quốc xuất khẩu vào thị trường Mỹ, trong đó có trên 228 mã hàng (HS code 8) thuộc nhóm gỗ (HS 44) và sản phẩm gỗ (HS 94) nằm trong danh mục áp thuế bổ sung tăng lên 25%.

Chúng ta biết rằng, năm 2018, Mỹ nhập khẩu trên trên 30,314 tỉ USD gỗ và sản phẩm gỗ từ Trung Quốc, trong đó  228 mặt hàng áp thuế bổ sung 25% giá trị xuất khẩu vào Mỹ năm 2018 đạt 28,46 tỉ USD. Ngoài chịu mức thuế 25%, trong 228 mặt hàng này có tới 64 mặt hàng chịu thêm thuế nhập khẩu vào Mỹ nằm trong khoảng 1,5% tới 8%/mặt hàng và có nhiều mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ đang phải chịu mức thuế nhập khẩu và thuế chống bán phá giá.

Ví dụ như mặt hàng gỗ dán làm từ gỗ mềm, mức thuế hiện tại mặt hàng này xuất khẩu vào Mỹ lên tới 33%  gồm 8% thuế nhập khẩu và  25% thuế bổ sung; mặt hàng ván sàn tổng mức thuế phải chịu hiện là 33%  (4,9% thuế nhập khẩu và 25% thuế bổ sung); hoặc gỗ dán làm từ gỗ cứng đang chịu mức thuế chống bán phá giá lên tới 183,4% và nhiều mặt hàng gỗ nữa đã phải chịu thuế cộng gộp.

Ngay khi Mỹ áp thuế bổ sung 200 tỉ USD, ngay lập tức, Trung Quốc cũng có câu trả lời tương xứng khi áp gói 60 tỉ USD lên các mặt hàng Mỹ xuất khẩu vào trung Quốc trong đó có 143 mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ  (code 8) chịu các mức thuế xuất, và chia ra làm 3 nhóm khác nhau: Có 137 mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ (code 8) chịu mức thuế 25%; 37 mặt hàng chịu mức thuế xuất 20% , 5 mặt hàng thuế xuất là 10%; 17 mặt hàng chịu thuế xuất 5%.

Năm 2018, Mỹ xuất khẩu 3,07 tỉ USD gỗ và sản phẩm gỗ và Trung Quốc, tổng giá trị 143 mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ năm 2018 Mỹ xuất vào Trung Quốc bị áp thuế chỉ chiếm 44%  đạt 1,35 tỉ USD/3,07 tỉ USD.  Với mức thuế 25%, năm 2018 giá trị xuất của 137 mặt hàng khoảng 852,87 triệu USD, mức thuế 20% áp lên 37 mặt hàng giá trị xuất năm 2018 là 355,96 triệu USD, 17 mặt hàng chịu thuế 5% giá trị xuất là 141,30 triệu USD, đối với mức thuế 10%, không có mặt hàng nào xuất khẩu vào Trung Quốc.

Khi cuộc chiến thương mại giữa Mỹ-Trung Quốc tăng nhiệt, ngành gỗ Việt Nam bắt đầu đón nhận luồng đầu tư từ vốn nước ngoài ngày càng tăng lên trong thời gian gần đây.

Theo số liệu của Cục đầu tư nước ngoài, 5 tháng đầu năm 2019 ngành gỗ tiếp nhận 49 dự án đầu tư nước ngoài với trên 317,42 triệu USD, tăng 70% về lượng  và 128% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018, trong khi 5 tháng 2018 ngành gỗ tiếp nhận 27 dự án với số với đầu tư trên 134,03 triệu USD. Các dự án đầu tư tập trung vào các loại hình như chế biến gỗ 32 dự án, 8 dự án đầu tư sản xuất ván nhân tạo; 2 dự án làm viên nén nguyên liệu, 2 dự án làm pallet gỗ, còn lại các dự án khác. Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản , Hàn Quốc  là nước đứng đầu trong các nước đầu tư vào ngành gỗ Việt Nam. Đặc biệt là Trung Quốc, nước chịu ảnh hưởng trực tiếp và lớn nhất khi góp áp thuế 200 tỉ USD được Mỹ áp dụng.

Trong 5 tháng đầu năm 2019, Trung Quốc đầu tư 21 dự án với tổng số vốn  50,075,966  USD. Các  dự án đầu tư của Trung Quốc tập trung vào loại hình chế biến gỗ là chủ yếu với 16/21 dự án đầu tư và lĩnh vực này, hai dự án sản xuất ván sàn, hai dự án sản xuất gỗ dán và một dự án là phụ trợ ngành gỗ. Hồng Kông là nước đứng thứ hai trong 5 tháng năm 2019 với 5 dự án, trong đó 4 dự án về chế biến gỗ, một dự án sản xuất ván ván lạng. Đứng thứ 3 là Hàn Quốc, Đài Loan với 4 dự án.

Cuộc chiến Mỹ - Trung Quốc sẽ tiếp tục leo thang trong thời gian tới, và Việt Nam được hưởng lợi từ cuộc chiến này bởi dòng vốn từ thu hút đầu tư nước ngoài, nhưng cũng có tác động không nhỏ vì đây cũng là cuộc cạnh tranh gay gắt về nguồn nhân lực, về nguồn nguyên  liệu,…  đặc biệt trong bối cảnh ngành gỗ Việt Nam hiện tại vẫn phải cạnh tranh với các đối tác nước ngoài bằng nguồn nhân công giá rẻ. Sự chuyến địch đầu tư được xem là một yếu tố thúc đẩy cuộc cạnh tranh về thu hút lao động, nhiều doanh nghiệp nước ngoài sẵn sàng trả mức lương cao hơn so với các doanh nghiệp trong nước.

Bảng số liệu các nước đầu tư vào ngành gỗ sẽ thể hiện chi tiết thông tin về số lượng và vốn đăng ký đầu tư: 

Gỗ Việt, số 112 - tháng 6 năm 2019