Dự báo, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong nửa đầu năm 2022 tăng từ 5% đến 8%

27/04/2022 08:53
Dự báo, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong nửa đầu năm 2022 tăng từ 5% đến 8%

4 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 5,48 tỷ USD, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2021. Dự báo, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong nửa đầu năm 2022 tăng từ 5% đến 8%.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 4/2022 ước tính đạt 1,5 tỷ USD, tăng 7,3% so với tháng 4/2021. Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 5,48 tỷ USD, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong cơ cấu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ trong tháng 4/2022 ước đạt 1,13 tỷ USD, tăng 6,4% so với tháng 4/2021. Trong 4 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 4,14 tỷ USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2021.

Hiện, xu hướng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đang tập trung vào mặt hàng có giá trị gia tăng cao như ghế khung gỗ, đồ nội thất phòng khách và phòng ăn, đồ nội thất phòng ngủ...đây đều là các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh.

Trong tình hình hiện tại, mặc dù doanh nghiệp ngành gỗ còn đối mặt với nhiều khó khăn, như tình hình dịch Covid-19 kéo dài gây thiếu hụt lao động, xung đột giữa Nga và Ukraina đã đẩy giá xăng dầu lên cao, tác động đến chi phí sản xuất tăng. Đặc biệt, giá nguyên liệu gỗ tiếp tục tăng, nhưng doanh nghiệp vẫn tiếp tục phải sản xuất do đơn đặt hàng đã được đặt trước đó.

Tuy nhiên, với những nỗ lực không ngừng, doanh nghiệp ngành gỗ đã vượt khó, đưa kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng trưởng khả quan trong những tháng đầu năm 2022.

Hiện tại, ngành gỗ tiếp tục nhận đơn hàng đến hết quý III/2022 và thậm chí đến hết năm 2022. Với kết quả tích cực đạt được trong những tháng đầu năm 2022, dự báo xuất khẩu khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong nửa đầu năm 2022 sẽ tăng từ 5 - 8% so với cùng kỳ năm 2021.

Những yếu tố chính thúc đẩy ngành gỗ tiếp tục tăng trưởng khả quan trong thời gian tới như: Doanh nghiệp gỗ của Việt Nam có nhiều lợi thế so các nước xuất khẩu đồ gỗ, bởi Trung Quốc không khuyến khích phát triển đồ gỗ và chi phí tăng cao. Trong khi Italia, Đức và các nước phát triển khác đang giảm sản xuất do ảnh hưởng suy thoái và chi phí tăng cao, do nguồn cung gỗ bị hạn chế bởi cuộc xung đột vũ trang giữa Nga và Ucraina.

Việt Nam cũng đang phát triển trồng rừng, tạo nguồn cung nguyên liệu chủ động, xây dựng mô hình sản xuất và chuỗi cung ứng nguyên liệu bền vững… Bên cạnh đó, việc duy trì, mở rộng thị phần xuất khẩu, chủ động xúc tiến thương mại gỗ và sản phẩm gỗ tại các thị trường chính như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Trung Quốc và mở rộng thị trường mới có nhiều tiềm năng, thực hiện hiệu quả các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam với các quốc gia trên thế giới.

Gỗ Việt