Thiếu nguyên liệu: Căng thẳng mới của ngành gỗ Việt Nam
Đến nay, doanh nghiệp chế biến vẫn có thể khỏa lấp một phần thiếu hụt gỗ nguyên liệu, nhưng dài hạn có thể nghiêm trọng hơn.
Hai tháng đầu năm nay, xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt kết quả khả quan với 2,6 tỉ USD, nhưng tình trạng thiếu gỗ nguyên liệu vẫn dai dẳng. “Giá gỗ đang tăng lên mỗi ngày”, ông Nguyễn Phương, Giám đốc Công ty gỗ Minh Thành cho biết. Công ty Minh Thành đang sử dụng 95% gỗ thông nguyên liệu nhập khẩu, chủ yếu từ Chile và New Zealand. Hiện, giá gỗ thông tròn New Zealand đã lên đến 175-180 USD/m3, giá cách đây hai tháng là 140-148 USD. Gỗ thông tròn Chile hiện ở mức 190 USD/m3, trước đây là 155 USD.
Khi chuỗi cung ứng vẫn còn căng thẳng vì Covid-19, chiến sự ở Ukraine là đòn giáng mới lên giá nguyên liệu, nhiên liệu leo thang. Thời điểm này, Minh Thành công ty sử dụng gỗ nguyên liệu nhập khẩu của còn chịu tác động gián tiếp từ “những thay đổi của thị trường Mỹ”, ông Phương cho biết. Giá gỗ xây dựng tại Mỹ đã tăng 4 lần kể từ đầu năm 2020 đến cuối năm 2021, sang đầu năm 2022 lại tiếp tục tăng cao. Các nhà cung gỗ xẻ của Mỹ chuyển sang xẻ gỗ thông, thay vì xẻ gỗ sồi, đáp ứng nhu cầu gỗ xây dựng tăng rất cao. Các nước khác cũng đổ xô bán gỗ thông vào Mỹ, bao gồm New Zealand và Chile, đẩy giá bán loại gỗ này tăng lên mức cao hơn trên thị trường toàn cầu.
Ngành gỗ đang chứng kiến nguyên lý chung: càng phát triển thì rủi ro càng cao. Hiện, Việt Nam đã đứng thứ 2 châu Á về xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, với mức tăng trưởng nhanh, khoảng 17% mỗi năm. Bây giờ, nguồn cung gỗ nguyên liệu gỗ toàn cầu đang chịu sức ép từ xung đột Nga và Ukraina. Ông Võ Quang Hà, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tân Vĩnh Cửu (TAVICO), nhận xét, với tình hình căng thẳng hiện nay, việc nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ EU sẽ bị ảnh hưởng, do EU phải giữ lại một phần lượng gỗ nguyên liệu để bù đắp phần cung thiếu hụt từ Nga. Ông lo ngại việc đấu giá gỗ nguyên liệu sẽ phải “cạnh tranh rất cao”, trong khi giá cước vận chuyển chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Gỗ thông nhập khẩu. Ảnh Gỗ Việt
Năm 2021, giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu tăng 20%-30% so với năm 2020. Sang năm nay giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu tiếp tục tăng lên cộng hưởng với giá xăng dầu tăng đột biến, kéo lợi nhuận của doanh nghiệp xuống mức thấp. Ông Nguyễn Văn Sinh, Giám đốc Công ty CP Sản xuất thương mại Minh Trí, chuyên chế biến gỗ nội thất, cho biết, lợi nhuận của doanh nghiệp tiếp tục bị ảnh hưởng do phụ thuộc quá lớn vào nguyên liệu nhập khẩu. Ông nói, doanh nghiệp đang cần nguồn nguyên liệu bền vững hơn, chỉ khi đó lợi nhuận của doanh nghiệp mới được đảm bảo.
Đáp ứng được khoảng 75% nhu cầu, hiện gỗ nguyên liệu trong nước đang được các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu quan tâm. Tuy nhiên, vấn đề mà các doanh nghiệp gặp phải là chất lượng cũng như lượng gỗ có chứng chỉ còn nhỏ. Do đó, chưa tận dụng tối đa giá trị gia tăng từ nguồn nguyên liệu trong nước.
Các chuỗi cung thay đổi, Việt Nam đã và đang xúc tiến đầu tư vùng nguyên liệu với sự hỗ trợ của quốc tế. Tuy nhiên, việc thiếu quy hoạch phát triển nguồn nguyên liệu ổn định cho chế biến gỗ, cũng như tăng cường trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn, chưa thể đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho ngành chế biến và xuất khẩu gỗ đang tăng trưởng ở mức cao.
“Ngành gỗ đang cần có thêm vùng nguyên liệu và các trung tâm sơ chế quy mô lớn”, ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, cho biết. Theo ông, Việt Nam xuất khẩu nhiều gỗ và sản phẩm gỗ, nhưng trên cả nước chưa có các vùng nguyên liệu gỗ lớn, chưa có các trung tâm sơ chế quy mô lớn đủ sức đáp ứng các mục tiêu tăng trưởng mới.
Nhiều doanh nghiệp ngành gỗ đang phải tính toán lại chuỗi sản xuất để ứng phó với thực trạng giá nguyên liệu tăng cao. Ông Võ Quang Hà, cho rằng, các doanh nghiệp có thể mua chung gỗ nguyên liệu, tạo thành những đơn hàng lớn, giá ổn định hơn và tối ưu được chi phí vận chuyển.
Ông Hà dự đoán “giá có thể bị đẩy cao hơn nữa” do nhu cầu gỗ nguyên liệu rất lớn. Dự cảm của ông Hà tương đồng với góc nhìn của nhiều doanh nghiệp khác. Giá nguyên liệu đầu vào chế biến gỗ có thể tăng lên mức cao hơn khi giao thương hàng hóa toàn cầu vẫn đình trệ bởi dịch bệnh. Nhu cầu gỗ nguyên liệu ở Trung Quốc đang tăng mạnh nhằm đáp ứng sự phục hồi xuất khẩu và nền kinh tế nói chung sau hai năm đình trệ bởi Covid-19. Họ sẵn sàng chi nhiều tiền hơn để đáp ứng nhu cầu gỗ nguyên liệu cho chế biến gỗ trong nước, cũng như kéo các hãng tàu đưa các container rỗng trở lại Trung Quốc.
Ông Oliver Richard, Giám đốc RNBS - Công ty chuyên xuất khẩu gỗ từ châu Âu sang Việt Nam và Đông Nam Á, tại hội thảo trực tuyến về nguyên liệu gỗ hồi tháng 9 năm ngoái, đã nhận thấy, nhu cầu về gỗ sẽ ngày càng lớn, nguồn cung nguyên liệu gỗ sẽ tiếp tục là thách thức trong thời gian tới. Ông khuyến cáo các doanh nghiệp chế biến gỗ cần gia tăng hiệu quả sử dụng để tiết kiệm nguyên liệu gỗ, đồng thời nắm bắt các xu hướng thị trường, tiếp cận các nguồn nguyên liệu khác để bảo đảm có giá thành tốt nhất.
Nguyễn Hoàng (Gỗ Việt, số 142 tháng 3 năm 2022)
- Dự báo kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ nửa đầu năm 2022 tăng từ 8% đến 10%
- Triển vọng đồ nội thất thế giới thuận lợi trong năm 2022 và 2023
- Xung đột Nga - Ukraina: Bộ Công Thương khuyến cáo rủi ro trong hoạt động xuất nhập khẩu
- Giá bán lẻ đồ nội thất ở Anh đã tăng 14,1% trong tháng 01/2022
- Thị phần đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Trung Quốc giảm
- Điều gì giúp ngành gỗ thêm tự chủ nguồn cung nguyên liệu trong nước?
- Đề xuất đàm phán về Hiệp định thương mại gỗ với Vương quốc Anh
- Trung Quốc đặt mục tiêu thiết lập một hệ thống công nghiệp rừng hiện đại vào năm 2025
- Xây dựng Danh mục hàng hoá xuất nhập khẩu Việt Nam theo Danh mục Biểu thuế Hài hòa ASEAN 2022
- Tháng 1/2022, xuất khẩu gỗ đạt gần 1,6 tỷ USD
-
CIFF Quảng Châu – Diện mạo mới cho Gian hàng quốc tế - "IF" biến sự không chắc chắn thành chắc chắn
-
Xúc tiến thương mại và các kiến nghị từ VIFOREST
-
Liên kết quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng: Nhóm các chủ rừng quy mô nhỏ sẽ tăng mạnh
-
Phantom Hands và Adam Markowitz ra mắt bộ sưu tập 'REFRACTIONS' như một phần của BLR Hubba
-
VTV1 - Ngành gỗ thay đổi đáp ứng thị trường xuất khẩu