EU và quá trình thúc đẩy ngành gỗ Việt Nam phát triển

03/10/2018 09:33

E U là một trong bốn thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, sau Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản, với kim ngạch xuất khẩu đạt 700 triệu USD trong năm 2017.

 

Đây là một thị trường lớn của Việt Nam, đặc biệt là đối với các mặt hàng xuất khẩu có giá trị gia tăng như đồ nội thất. Năm 2016, kim ngạch nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của EU là 26 tỷ USD và Việt Nam là thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn thứ hai cho EU. Con số này có thể sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) giữa hai bên mà Hiệp định này dự kiến sẽ loại bỏ hoàn toàn thuế quan đối với gỗ và sản phẩm gỗ trong EU sau giai đoạn tối đa là 7 năm. Đó là những nhận định của bà Axelle Nicaise, Đại biện lâm thời Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, tại Hội nghị định hướng, giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu vào tháng trước. Giải quyết vấn đề khai thác và buôn bán gỗ bất hợp pháp là chìa khóa đảm bảo rằng ngành chế biến gỗ Việt Nam có thể tiếp tục phát triển bền vững. Việc này được thực hiện thông qua đảm bảo quản lý bền vững các khu rừng mà có thể đảm bảo nguồn cung trong dài hạn và giải quyết được mối quan ngại của người tiêu cùng về tác động tiêu cực của thương mại gỗ thiếu trách nhiệm. Bà nhấn mạnh rằng người tiêu dùng thế giới ngày nay đã quan tâm nhiều hơn đến vấn đề chặt phá rừng và suy thoái rừng đã gây ra những tác động to lớn đến biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học, và cuối cùng là mất sinh kế. EU và Việt Nam đã hợp tác cùng nhau chống khai thác gỗ bất hợp pháp từ đầu những năm 2000 thông qua các dự án tài trợ và thúc đẩy thương mại gỗ hợp pháp từ Việt Nam từ năm 2011, và hai bên đã đạt được những tiến bộ đáng kể.

Hai bên đã đi một chặng đường dài kể từ khi bắt đầu đàm phán Hiệp định đối tác tự nguyện (VPA) về FLEGT vào năm 2011 nhằm mục đích đảm bảo gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu từ Việt Nam sang EU được sản xuất hợp pháp. Đây là một quá trình lâu dài và khó khăn và cần rất nhiều nỗ lực từ tất cả các bên, không chỉ từ phía Chính phủ mà còn từ phía xã hội dân sự và các ngành công nghiệp rừng của cả hai bên. Thông qua sự cố gắng, nỗ lực cũng như sự tham gia cởi mở và mang tính xây dựng của cả hai bên, mối quan hệ đối tác giữa hai bên trong việc giải quyết tình trạng khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp sẽ tiếp tục phát triển. “Tôi rất vui mừng rằng cột mốc quan trọng đầu tiên trong cuộc chiến này sẽ sớm đạt được khi EU và Việt Nam phê chuẩn Hiệp định VPA, hy vọng là trong năm nay. Tôi hoan nghênh Chính phủ Việt Nam, đặc biệt là Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn, đã cam kết và nỗ lực không ngừng trong việc kết thúc đàm phán thành công”, bà Axelle Nicaise nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kí kết Hiệp định VPA. Theo bà, Việt Nam là quốc gia thứ hai ở Đông Nam Á chuẩn bị ký kết VPA. Bằng cách này, Việt Nam gửi thông điệp mạnh mẽ tới các đối tác quốc tế rằng Việt Nam cam kết phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Và cũng cho thấy rằng phát triển kinh tế và sự bền vững của môi trường có thể đi đôi với nhau. Về mặt kinh tế, Hiệp định VPA sẽ góp phần tăng cường và tạo điều kiện tiếp cận thị trường EU và đồng thời mang lại cho Việt Nam lợi thế cạnh tranh so với các quốc gia khác không có một hiệp định tương tự. Về mặt xã hội, Hiệp định VPA sẽ đảm bảo việc làm cho người dân địa phương có sinh kế phụ thuộc vào rừng. Tuy nhiên, chúng ta không đánh mất thực tế rằng việc phê chuẩn Hiệp định VPA chỉ là bước đầu tiên của tiến trình này. Việc thực thi Hiệp định VPA là bước quan trọng thứ hai. Và không có chỗ cho sự thỏa mãn; khởi động quá trình thực hiện là một cột mốc quan trọng hơn của mối quan hệ hợp tác chặt chẽ của chúng ta. Chúng ta cần tiếp tục nỗ lực để đảm bảo sự thiết lập và vận hành của Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam (TLAS), bao gồm việc thực hiện giám sát và không ngừng tăng cường và củng cố hệ thống trong dài hạn, bà nhấn mạnh Một nội dung quan trọng của TLAS là việc kiểm soát gỗ nhập khẩu, được đưa ra nhằm mục đích đảm bảo rằng tất cả gỗ nhập khẩu được khai thác hợp pháp. Lưu ý rằng ngành chế biến gỗ Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào gỗ nhập khẩu và không thể bỏ qua việc kiểm soát gỗ nhập khẩu để đảm bảo tính hợp pháp của gỗ tại quốc gia khai thác. Với việc thực thi Hiệp định VPA và việc bắt đầu cấp phép FLEGT, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có quyền tiếp cận trực tiếp vào thị trường EU, thị trường chỉ mở cho gỗ hợp pháp. Các doanh nghiệp sẽ không phải trải qua một quá trình kiểm tra tính hợp pháp rườm rà. Và đây sẽ là lợi thế cạnh tranh của Việt Nam so với các quốc gia khác không có một Hiệp định VPA đầy đủ. Do vậy, chúng ta tự tin rằng việc thực thi Hiệp định VPA sẽ thúc đẩy thương mại gỗ vào EU. Hãy nhìn vào Indonesia. Indonesia là quốc gia đầu tiên và duy nhất trên thế giới đạt được bước cấp giấy phép FLEGT vào tháng 11/2016. Kể từ đó, trên 40.000 lô hàng gỗ có giấy phép FLEGT với giá trị trên 1,2 tỷ USD đã được xuất khẩu sang EU nói riêng. Chúng ta đã thấy sự hỗ trợ mạnh mẽ của khu vực tư nhân của EU đối với gỗ được cấp phép FLEGT, không chỉ là cách để tạo thuận lợi cho việc tuân thủ EUTR mà còn là đóng góp hiệu quả cho quản lý rừng bền vững. Mặc dù rõ ràng là xác minh tính hợp pháp không thay thế các yếu tố thị trường quan trọng như chất lượng, thiết kế hay giá cả (tất cả những yếu tố mà Việt Nam vượt trội) nhưng chúng ta thấy rằng hàng hóa xuất khẩu từ Indonesia sang EU đã tăng lên và rằng các nhà xuất khẩu Indonesia có thể sử dụng giấy phép FLEGT như một điểm đầu vào vào các thị trường mới của EU.

NAM ANH _ GV 104