Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Phải xây dựng được thương hiệu sản phẩm gỗ Việt Nam

29/08/2018 09:14

Để đạt được các mục tiêu đề ra, thì việc quan trọng là phải xây dựng được thương hiệu sản phẩm gỗ Việt Nam và thương hiệu doanh nghiệp gỗ Việt Nam. Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị “Định hướng, giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu” diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh

 

Cùng dự hội nghị có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo một số bộ, ngành, các vị khách quốc tế và hơn 300 doanh nghiệp đại diện cho 4.500 doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản cả nước. Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh vai trò quan trọng của ngành gỗ Việt Nam và cho biết Chính phủ đã rất kiên quyết chỉ đạo trồng rừng. Vì thế diện tích che phủ rừng tăng lên và năm nay ước khoảng 42%, cao hơn mức bình quân 29% của thế giới. Điều này mang lại lợi ích cho ngành chế biến gỗ cũng như góp phần thực hiện chủ trương đóng cửa 11 triệu ha rừng tự nhiên mà Thủ tướng đã chỉ đạo. Tuy vậy, Thủ tướng cũng nêu một số hạn chế về việc đảm bảo nguyên liệu gỗ hợp pháp; tỉ lệ gỗ khai thác rừng trồng để sản xuất sản phẩm thô, đặc biệt là dăm gỗ, còn cao. Sự liên kết giữa người trồng rừng và doanh nghiệp chế biến chưa hiệu quả, liên kết chuỗi còn hạn chế. Công nghệ trồng rừng, chế biến gỗ còn hạn chế nên năng suất thấp và giá trị gia tăng của sản phẩm chưa cao. Từ những thành quả và vấn đề đặt ra đối với ngành chế biến gỗ và lâm sản, Thủ tướng nêu quan điểm và mục tiêu phát triển thời gian tới là phát triển bền vững, hiệu quả, hiện đại, hội nhập sâu rộng vào thị trường quốc tế, khu vực. Đó là quan điểm sử dụng nguyên liệu hợp pháp, ứng dụng công nghệ và kỹ thuật tiên tiến, đào tạo nguồn nhân lực tốt; phát triển hệ thống công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ logistic tốt hơn nữa trong thời gian tới.

 

Theo Thủ tướng, để đạt được các mục tiêu đề ra, thì việc quan trọng là phải xây dựng được thương hiệu sản phẩm gỗ Việt Nam và doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam. Người đứng đầu Chính phủ trăn trở, nhiều sản phẩm chúng ta sản xuất được, bảo đảm chất lượng nhưng vẫn phải nhập khẩu do không có thương hiệu để cạnh tranh ở ngay thị trường trong nước. Thủ tướng nhấn mạnh thông điệp là kiểm soát nguồn nguyên liệu đầu vào, hạn chế và tiến tới không sử dụng gỗ rừng tự nhiên nhập khẩu. Cùng với đó là đảm bảo thị trường tiêu thụ lâu dài, bền vững của ngành gỗ Việt Nam, không chỉ 5-7 năm tới, mà 50 năm sau của điều kiện tự nhiên Việt Nam. Cũng như cần làm tốt công tác thị trường trong và ngoài nước, nghiên cứu sự phát triển của ngành bất động sản toàn cầu và hiệp định thương mại tự do, như hiệp định với liên minh châu Âu, hiệp định CPTPP, Hiệp định đối tác tự nguyện và thực thi pháp luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại với EU, rất nhiều hiệp định Việt Nam tham gia. Đây là một cơ hội tốt để ngành gỗ Việt Nam thâm nhập tốt hơn về quy mô, về hiệu quả để phát triển. “Người ta nói công nghiệp hóa đi liền với đô thị hóa, đô thị hóa bên trong nội thất không thể dùng bê tông mà phải dùng gỗ. Vậy thì thiết kế phù hợp, mẫu mã phù hợp, chất lượng tốt, đó là thị trường toàn cầu” – Thủ tướng nhắn nhủ. Ghi nhận các ý kiến của doanh nghiệp tại hội nghị, Thủ tướng cho biết, sẽ tiếp tục xây dựng thể chế, chính sách pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành gỗ phát triển nhanh, bền vững. Thủ tướng hoan nghênh Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã dự thảo một Chỉ thị của Thủ tướng để sau hội nghị này sẽ ban hành, tạo điều kiện cho ngành gỗ Việt Nam có điều kiện phát triển bền vững hơn.

GV - 103