SỰ PHÁT TRIỂN CỦA NGHÀNH GỖ: Đa dạng lợi thế phát triển
Sự phát triển bền vững của ngành gỗ đang trở thành đề tài được tranh luận rất nhiều trong thời gian qua, có rất nhiều ý kiến đóng góp từ các cơ quan quản lý, từ các doanh nghiệp đã giúp chúng ta hình dung ra những vấn đề cần khắc phục để giúp ngành đạt được bước phát triển vững mạnh hơn. Và trong hai kì báo tháng 6 và tháng 7, Tạp chí Gỗ Việt xin giới thiệu loạt bài phân tích của ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia Tổ chức Forest Trend về các vấn đề lớn của ngành gỗ như Đa dạng lợi thế phát triển; Chất lượng lao động ngành gỗ; và Xúc tiến thương mại trong ngành gỗ, mời quí độc giả chú ý đón xem.
Phát triển của ngành chế biến gỗ trong một thập kỷ trở lại đây đánh dấu một bước thành công rất lớn của ngành. Để có kết quả này, đầu tiên là kết phải kể đến nỗ lực tuyệt vời của các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm và hội nhập thị trường, không ngừng vươn lên, nhằm đáp ứng với các yêu cầu của thị trường.
Phát triển của ngành đã có một vai trò hết sức quan trọng về mặt kinh tế và xã hội, với kim ngạch xuất khẩu lớn trực tiếp góp phần vào phát triển kinh tế của đất nước. Ngành phát triển, tạo điều kiện công ăn việc làm và thu nhập cho hàng trăm ngàn lao động.
Ngoài ra, kết quả của ngành còn do một số cơ chế, chính sách thông thoáng về xuất nhập khẩu gỗ nguyên liệu và sản phẩm, và các yếu tố thuận lợi về thị tường. Sự phát triển của ngành góp phần thúc đẩy phát triển gỗ nguyên liệu rừng trồng, trực tiếp làm nâng cao tỉ lệ che phủ của rừng trong những năm gần đây. Nhiều nghiên cứu ở trên thế giới đã chỉ ra rằng các lợi thế về nguyên liệu đầu vào giá rẻ, lao động giá rẻ… là một lợi thế lớn cho các doanh nghiệp ở giai đoạn đầu của chu trình phát triển.
Tuy nhiên trong tương lai, các yếu tố này sẽ không còn là một lợi thế, bởi trong một ‘thế giới phẳng’, với các rào cản về thương mại bị loại bỏ, thương mại tự do, công nghệ phát triển, chi phí vận tải đặc biệt bằng đường biển giảm, dịch chuyển về nguyên liệu giữa quốc gia này với các quốc gia khác là điều dễ dàng, và không làm phát sinh quá nhiều chi phí. Bên cạnh đó, xu hướng phát triển đẩy giá nhân công tăng theo thời gian. Để tránh các sức ép về chi phí gia tăng, các nhà sản xuất/đầu tư có thể dịch chuyển sản xuất của mình từ một quốc gia khác với chi phí nhân công rẻ hơn, và điều này làm cho nguồn nguyên liệu và nhân công giá rẻ không còn là một lợi thế cạnh tranh của ngành.
Đúng là tại thời điểm hiện tại, nguồn gỗ rừng trồng đang là một lợi thế của Việt Nam. Trong bối cảnh ngành chế biến gỗ xuất khẩu đang tiếp tục được mở rộng về quy mô, đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào bền vững đóng vai trọng rất quan trọng đối với sự phát triển của ngành. Hiện chính phủ đang thực hiện lệnh đóng cửa rừng tự nhiên. Nguồn gỗ rừng trồng trong nước, chủ yếu từ gỗ keo tràm và gỗ cao su, có vai trò cực kỳ quan trọng, không phải chỉ là một nguồn cung quan trọng gỗ ‘sạch’ cho ngành, mà còn giúp giảm rủi ro trong việc nhập khẩu nguồn gỗ có độ rủi ro cao.
Tuy nhiên, nếu vẫn sử dụng nguồn gỗ rừng trồng theo cách hiện tại thì có thể yếu tố này sẽ không còn là một lợi thế trong tương lai. Để duy trì và chuyển hóa lợi thế này thành bền vững, điều quan trọng là phải tạo ra năng suất cao hơn trên một đơn vị nguyên liệu đầu vào sử dụng. Để đạt được điều này cần tạo ra chuỗi liên kết chặt chẽ, từ khâu trồng rừng tới khâu xuất khẩu. Bên cạnh đó, cần có những biện pháp can thiệp, thông qua các cơ chế như cải tạo giống, nâng cao kỹ thuật canh tác, nhằm tăng năng suất và chất lượng gỗ trên một đơn vị diện tích.
Trong tương lai, cung gỗ rừng trồng của Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng. Sẽ đến một thời điểm nào đó trong tương lai, nhiều chuyên gia cho rằng, trong khoảng một thập kỷ nữa, nguồn gỗ nguyên liệu này sẽ không còn là một ‘lợi thế’ của Việt Nam, bởi một số lý do đã nêu ở trên. Ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam cần phải có những nhìn nhận và đánh giá những tác động tiềm năng của việc mất đi các ‘lợi thế’ này trong tương lai. Đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào ‘sạch’ và gia tăng trong tương lai chỉ là một yếu tố trong một số các yếu tố khác, có vai trò quyết định đến sự phát triển bền vững của ngành trong tương lai.
Nguồn nguyên liệu sạch và liên tục tăng đóng vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên đây chỉ là một yếu tố trong một loạt các yếu tố khác nhằm đảm bảo cho ngành chế biến gỗ xuất khẩu phát triển bền vững. Theo giáo sư Porter của Đại học Havard, phát triển bền vững của bất cứ một ngành công nghiệp nào phụ thuộc vào các yếu tố khác như (i) tính cạnh tranh của các doanh nghiệp các doanh nghiệp tham gia thị trương, (ii) sức mạnh và tính quyết định của người mua hàng, (iii) sức mạnh của những nhà cung cấp nguyên liệu đầu vào (iv) sự đe dọa từ các sản phẩm hoặc dịch vụ thay thế và (v) mối đe dọa từ các doanh nghiệp chuẩn bị tham gia thị trường. Ngoài ra, các cơ chế chính sách của nhà nước, bao gồm cả các quốc gia xuất khẩu dịch vụ và hàng hóa, và các quốc gia nhập khẩu có tác động trực tiếp và gián tiếp tới 5 mảng yếu tố này.
Hiện tại Việt Nam là một trong những quốc gia dẫn đầu trong châu Á và kim ngạch xuất khẩu. Kim ngạch của Việt Nam đã vượt xa các quốc gia đi trước Việt Nam về xuất khẩu và hiện đang cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam như Malaysia, Thái Lan, Indonesia. Nếu cứ theo động lực tăng trưởng như hiện nay và nếu thị trường xuất khẩu không có những thay đổi đột biến, các quốc gia này sẽ không có cơ hội đuổi kịp Việt Nam.
Tuy nhiên, các quốc gia như Thái Lan, Malaysia trong những năm gần đây có những hoạt động thay đổi chiến lược trong ngành chế biến gỗ của họ. Thay vì đặt ra mục tiêu đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu, họ tập trung vào việc tăng năng suất. Năng suất, được hiểu là lợi nhuận đạt được trên một đơn vị đầu tư về lao động, hoặc vốn là thước đo quan trọng nhất đánh giá sự thành công của bất cứ một ngành công nghiệp hoặc quốc gia nào. Lợi thế cạnh tranh của ngành này so với ngành kia, của quốc gia này so với quốc gia kia nên được so sánh dựa trên tiêu chí về năng suất. Nếu lấy thước đo này để so sánh, một câu hỏi lớn cần đặt ra ở đây là liệu năng suất của ngành gỗ Việt Nam khác như thế nào so với năng suất của ngành chế biến gỗ của các quốc gia hiện đang cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam. Hiện chúng ta chưa có câu trả lời thích đáng cho câu hỏi này.
GỖ VIỆT số 101
TÔ XUÂN PHÚC (Tổ chức Forest Trends & Đại học Quốc gia Úc, email: pto@forest-trends.org)
- Mở rộng thị trường xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam dựa vào sức mạnh nội lực mới
- Phát triển bền vững ngành gỗ: Gia tăng niềm tin từ chính sách
- Phát triển ngành gỗ : NHÌN TỪ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA WOODS LAND
- Phát triển ngành gỗ: Cần một kế hoạch tổng thể
- Giá gỗ nguyên liệu: Thấp thỏm chờ giá tăng
- Xuất khẩu gỗ 2018: Cơ hội đan xen thách thức
- Làng nghề gỗ: Giảm rủi ro, hướng tới bền vững
- Xu hướng gỗ cứng 2018: Nhiều dư địa cho khả năng tăng trưởng
- Xu hướng của ngành gỗ
- BÌNH PHƯỚC: Hộ trồng rừng trong cơn bão giá gỗ cao su
-
CIFF Quảng Châu – Diện mạo mới cho Gian hàng quốc tế - "IF" biến sự không chắc chắn thành chắc chắn
-
Xúc tiến thương mại và các kiến nghị từ VIFOREST
-
Liên kết quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng: Nhóm các chủ rừng quy mô nhỏ sẽ tăng mạnh
-
Phantom Hands và Adam Markowitz ra mắt bộ sưu tập 'REFRACTIONS' như một phần của BLR Hubba
-
VTV1 - Ngành gỗ thay đổi đáp ứng thị trường xuất khẩu