Làng nghề gỗ: Giảm rủi ro, hướng tới bền vững

28/03/2018 03:58
Làng nghề gỗ: Giảm rủi ro, hướng tới bền vững

Việt Nam có khoảng trên 300 làng nghề gỗ đang hoạt động với hàng chục nghìn hộ gia đình và hàng trăm nghìn lao động, bao gồm các lao động trực tiếp từ các hộ và lao động thuê từ bên ngoài, đang làm việc tại đây. Với quy mô như vậy các làng nghề gỗ hiện nay có vai trò hết sức quan trọng đối với sinh kế của các hộ gia đình trong đó có nhiều nông hộ nghèo. Và các hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như những thay đổi về cơ chế chính sách, thị trường tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các làng nghề sẽ ảnh hưởng lớn sự phát triển của làng nghề. 

Các làng nghề gỗ này điển hình cho các làng có sử dụng nguồn nguyên liệu gỗ quý nhập khẩu, có rủi ro cao về tính pháp lý để sản xuất đồ gỗ có giá trị cao, phục vụ nhóm khách hàng khá giả tại thị trường nội địa (La Xuyên, Vạn Điểm, Đồng Kỵ) và xuất khẩu (Đồng Kỵ). Một số làng (Liên Hà, Hữu Bằng) sử dụng gỗ nguyên liệu đầu vào rủi ro thấp, thân thiện về môi trường, bao gồm gỗ nhập khẩu từ Mỹ, EU, gỗ rừng trồng trong nước và các loại ván công nghiệp để sản xuất các sản phẩm phục vụ nhóm khách hàng bình dân trong nước.
Trong những năm vừa qua đã có những tín hiệu rõ ràng thể hiện sự dịch chuyển trong việc sử dụng nguồn gỗ nguyên liệu trong các làng nghề gỗ theo hướng thân thiện về môi trường. Dịch chuyển thể hiện qua 2 khía cạnh – thành phần loài nhập khẩu và lượng gỗ nguyên liệu sử dụng. Sự dịch chuyển này là những tín hiệu tích cực, phản ánh thực trạng ngành gỗ của Việt Nam nói chung và các làng nghề gỗ nói riêng đang đi theo hướng bền vững hơn về nguồn nguyên liệu, thân thiện hơn về mặt môi trường.
Bên cạnh những dịch chuyển tích cực là những rủi ro và khó khăn to lớn mà các hộ trong làng nghề đang phải đối mặt. Đến nay, hoạt động của các hộ sản xuất kinh doanh tại các làng nghề còn mang đậm tính tự phát, chủ yếu chạy theo nhu cầu, thị hiếu của thị trường. Hiểu biết và mối quan tâm của hộ về tính pháp lý của nguồn gỗ nguyên liệu, các quy định về sử dụng lao động, vệ sinh an toàn lao động, các quy định về môi trường, phòng chống cháy nổ, các cơ chế chính sách mới, có hoặc sẽ liên quan trực tiếp đến các hoạt động của hộ hạn chế. Giao dịch giữa các hộ trong làng, bao gồm giao dịch giữa hộ kinh doanh gỗ nguyên liệu và hộ sản xuất chế biến đồ gỗ, giữa các hộ sản xuất và người mua đồ gỗ sau chế biến là các giao dịch miệng và hầu như không có bất cứ bằng chứng pháp lý nào minh chứng cho tính hợp pháp của gỗ và sản phẩm sau chế biến. 
Theo ông Ninh Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Yên Ninh, nơi có làng nghề truyền thống lâu đời, nhưng hiện tại chỉ có 18 doanh nghiệp chế biến và sản xuất gỗ, nhưng lại gặp khá nhiều khó khăn về nguồn nguyên liệu, khi giá gỗ tăng cao, tác động tới chi phí sản xuất của làng nghề. 
Còn bà Nguyễn Thị Bảy, Phó giám đốc Công ty Hoàng Phát cho biết, với sản phẩm chủ yếu là dân dụng phục vụ thị trường trong nước, doanh nghiệp đã bắt đầu chuyển hướng sang sử dụng gỗ nhập khẩu như sồi, tần bì từ châu Âu. Dù họ đã có thể chủ động về nguồn nguyên liệu, nhưng lại gặp khó khăn về tìm kiếm lao động có tay nghề. 
Một khó khăn khác với các làng nghề là mặt bằng sản xuất, ông Tô Xuân Phúc đánh giá, hiện tại không gian sản xuất của các hộ gia đình đang trộn lẫn trong không gian sống, trung bình khoảng 200 – 300 m3 cả nơi sản xuất và sinh hoạt, điều này cho thấy, các hộ gia đình chế biến gỗ khó có thể mở rộng mặt bằng để phát triển sản xuất, cũng như tạo ra các rủi ro về phòng cháy chữa cháy, và an toàn lao động. 
Hiện tại, các chuyên gia đang khuyến cáo các làng nghề tạo ra chuỗi liên kết, ở đó, công ty nhập khẩu gỗ nguyên liệu nguồn rủi ro thấp, kết hợp với các hộ gia đình trong làng nghề sản xuất, chế biến ra sản phẩm tiêu thụ trong thị trường nội địa. Đây là một mô hình mới đi theo Luật Lâm nghiệp mới. Khi kết nối với VPA, thì Việt Nam xác minh nguồn gốc gỗ khi xuất khẩu đi EU và cả thị trường nội địa, bao gồm cả các sản phẩm của các hộ gia đình trong làng nghề. Đối với các hộ gia đình, VPA cũng quy định phải tuân thủ quy định về vận chuyển và buôn bán, trong tất cả các giao dịch phải có bằng chứng giấy tờ chứng minh các giao dịch đó, nhưng với thực trạng tại làng nghề thì các giao dịch này hoàn toàn là các giao dịch thiếu các bằng chứng chứng minh tính pháp lý. Hoặc khi tuân thủ VPA thì phải tuân thủ quy định về phòng cháy chữa cháy, đối với việc này thì hầu hết các hộ gia đình đều không đáp ứng được khi không gian sản xuất và không gian sống trộn lẫn với nhau. 
Với bối cảnh thực tế như hiện tại, các chuyên gia khuyến cáo, nên có các lựa chọn chính sách hợp lý để áp dụng cho các làng nghề phát triển bền vững. Trong đó, hỗ trợ các hộ gia đình chuyển đổi từ phi chính thức sang chính thức để tạo ra lợi thế cho các làng nghề đang được cân nhắc để lựa chọn. 
GỖ VIỆT số 98
NAM ANH