Xuất nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2017: Đón cơ hội từ Hiệp định FLEGT/VPA
Chính phủ Việt Nam và EU đã chính thức kí tắt Hiệp định Đối tác tự nguyện (gọi tắt là FLEGT/VPA). Thực thi Hiệp định này tại Việt Nam trong tương lai sẽ đảm bảo rằng toàn bộ các sản phẩm gỗ nằm trong danh mục đã được thống nhất giữa chính phủ Việt Nam và EU bao gồm các sản phẩm xuất khẩu và các sản phẩm tiêu thụ tại thị trường nội địa, là các sản phẩm hợp pháp.
Ký kết FLEGT/VPA là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có thể tạo ra những thay đổi căn bản trong ngành chế biến gỗ của Việt Nam. Việt Nam kí kết FLEGT/VPA không chỉ có tác động tới các thị trường tiêu thụ các sản phẩm gỗ của Việt Nam mà còn tác động trực tiếp tới các quốc gia cung gỗ nguyên liệu cho Việt Nam.
TÁC ĐỘNG TỪ FLEGT/VPA
Cam kết này diễn ra trong bối cảnh ngành chế biến gỗ của Việt Nam tiếp tục phát triển. Năm 2016 tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt gần 7 tỷ USD. Trong 10 tháng đầu 2017, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 6,2 tỷ USD. Trong 6 tháng đầu 2017, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 3,7 tỉ USD. Nếu duy trì được đà tăng trưởng như hiện nay, kim ngạch xuất khẩu trong năm 2017 có thể đạt con số 8 tỉ USD. Hầu hết tăng trưởng thể hiện mạnh mẽ tại những thị trường tiêu thụ truyền thống, là những thị trường xuất khẩu chủ đạo của Việt Nam, như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam từ 5 thị trường này chiếm trên 80% tổng kim ngạch hàng năm của Việt Nam từ tất cả các thị trường.
Sản phẩm gỗ là nhóm mặt hàng xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam. Bình quân, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng trong nhóm này chiếm 70% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm của các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ.
Hiện đang có những tín hiệu cho thấy sẽ có những thay đổi tại các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Nguyên nhận là bởi Chính phủ tại các quốc gia này sẽ thực hiện các chính sách mới, nhằm quản lý chặt chẽ hơn các mặt hàng gỗ nhập khẩu. Tín hiệu rõ ràng nhất có thể thấy ở thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản, là hai trong số năm thị trường tiêu thụ các mặt hàng gỗ lớn nhất của Việt Nam. Nếu theo đúng lộ trình của chính phủ Hàn Quốc, cuối 2017 các nhà nhập khẩu Hàn Quốc bắt đầu phải thực hiện trách nhiệm giải trình. Tiến trình tương tự sẽ được diễn ra tại Nhật Bản, tuy nhiên với thời gian muộn hơn (2018). Thực hiện các quy định này sẽ tác động trực tiếp đến tình hình xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này.
Gỗ nguyên liệu nhập khẩu có vai trò quan trọng, trực tiếp góp phần giúp ngành chế biến gỗ Việt Nam tăng trưởng. Hàng năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 4-5 triệu m3 gỗ nguyên liệu quy tròn, với kim ngạch nhập khẩu đạt trên 1 tỉ USD. Trong 10 tháng đầu 2017 tổng kim ngạch nhập khẩu gỗ tròn và xẻ của Việt Nam lên tới trên 1,2 tỷ USD.
Nguồn cung gỗ nguyên liệu được chia làm 2 nhóm chính. Nhóm thứ nhất bao gồm các loài gỗ tự nhiên có nguồn gốc từ các quốc gia nhiệt đới như từ các nước khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông và châu Phi. Lượng cung gỗ từ nguồn này chiếm gần 50% tổng lượng cung gỗ nguyên liệu hàng năm cho Việt Nam. Cung gỗ từ nguồn này thường là các loài gỗ quý, được coi là có độ rủi ro cao về tính pháp lý. Đây cũng là nguồn cung không ổn định, nguyên nhân chính là do thay đổi chính sách về khai thác và thương mại gỗ nguyên liệu tại các quốc gia này. Nhóm thứ hai bao gồm các loài gỗ có nguồn gốc từ các quốc gia như Hoa Kỳ, một số quốc gia khu vực châu Mỹ La Tinh và Châu Âu. Cung gỗ từ nguồn này chủ yếu là các loài gỗ có độ rủi ro về tính pháp lý thấp. Lượng cung đạt mức ổn định rất cao.
KHÓ KHĂN VÀ THÁCH THỨC
Mở rộng và phát triển của ngành gỗ hiện nay đang phải đối mặt với một số khó khăn, trong đó đặc biệt phải kể đến cạnh tranh về nguồn gỗ nguyên liệu. Cạnh tranh thể hiện cả về nguồn cung nguyên liệu nhập khẩu và nguồn cung từ trong nước. Chính sách cấm khai thác gỗ rừng tự nhiên của chính phủ Trung Quốc cộng với chính sách siết chặt việc khai thác, thương mại và xuất khẩu gỗ nguyên liệu tại một số quốc gia cung gỗ rừng tự nhiên từ rừng nhiệt đới làm gia tăng cạnh tranh về cung toàn cầu, trong đó bao gồm một số công ty nhập khẩu của Việt Nam. Cạnh tranh về nguồn cung nguyên liệu trong nước đặc biệt gay gắt đối với gỗ rừng trồng và gỗ cao su, giữa các công ty ty chế biến đồ gỗ với công ty chế biến dăm gỗ, và giữa công ty trong nước với công ty nước ngoài, điển hình là Trung Quốc.
Mặc dù ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam vẫn đang trên đà tăng trưởng, từ góc độ của nguồn nguyên liệu, ngành vẫn luôn phải đối mặt với một số rủi ro và thách thức như thay đổi về thị trường xuất khẩu chủ lực, thay đổi về nguồn cung gỗ quý, rủi ro cao, Nguồn cung gỗ nguyên liệu từ Lào mặc dù có tác động tiêu cực, ít nhất trong ngắn hạn tới các làng nghề, các công ty trực tiếp tham gia nhập khẩu và công ty xuất khẩu sản phẩm được làm từ nguồn gỗ này qua Trung Quốc, giảm cung từ nguồn này giúp nâng cao hình ảnh ngành chế biến gỗ của Việt Nam trong việc loại bỏ nguồn gỗ có rủi ro cao. Tuy nhiên, gia tăng đột biến về lượng nhập khẩu từ Campuchia lại có tác động ngược lại, làm mất đi các hình ảnh của ngành gỗ Việt Nam. Bên cạnh đó là cạnh tranh về nguồn nguyên liệu, tình trạng cạnh tranh về nguồn nguyên liệu đang diễn ra và có tín hiệu cho thấy ngày càng trở nên khốc liệt hơn. Cạnh tranh xảy ra giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau và giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc bắt đầu thực hiện lệnh đóng cửa rừng từ đầu 2017, làm mất đi nguồn cung khoảng gần 50 triệu m3 gỗ nguyên liệu mỗi năm.
Tăng cường cơ hội, giảm thiểu rủi ro là chiến lược phát triển lâu dài cho mỗi doanh nghiệp và cả ngành chế biến gỗ trong tương lai. Loại bỏ nguồn gỗ nguyên liệu rủi ro cao có nguồn gốc từ nhập khẩu, thay thế bởi các nguồn gỗ nguyên liệu ‘sạch’ là nhu cầu cấp bách. Điều này không những nhằm đáp ứng với các yêu cầu từ các thị trường xuất khẩu quan trọng truyền thống của Việt Nam mà còn góp phần chuẩn bị sẵn sàng để đáp ứng với các yêu cầu mới tại các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc trong tương lai. Để làm điều điều này cần có sự cam kết mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp và cơ chế kiểm soát chặt chẽ của cơ quan quản lý.
GỖ VIỆT số 95
TÔ XUÂN PHÚC
( Chuyên gia phân tích chính sách Tổ chức Forest Trends )
- Cơ hội đạt giá trị xuất khẩu 8 tỉ USD: Lạc quan nhưng cần thận trọng
- Xuất khẩu gỗ có cơ hội đạt 8 tỉ USD
- Sự khác biệt của những làng nghề: Những bài học từ Bình Dương
- Doanh nghiệp gỗ: Giải bài toán tăng năng suất
- VIỆT NAM VÀ EU KÝ TẮT VPA/FLEGT: Thúc đẩy sự phát triển ngành gỗ
- Làng nghề gỗ và thách thức từ VPA/FLEGT
- Định vị công nghiệp sản xuất và xuất khẩu viên nén gỗ: Đón Đầu cơ hội phát triển
- Hiệp định lâm nghiệp Châu âu: Mở đường cho các công ty gỗ Việt Nam tiến bước
- Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 6 tháng đầu năm:Lạc quan với mục tiêu tăng trưởng
- Làng nghề với gỗ hợp pháp Cam kết cho sự phát triển bền vững
-
CIFF Quảng Châu – Diện mạo mới cho Gian hàng quốc tế - "IF" biến sự không chắc chắn thành chắc chắn
-
Xúc tiến thương mại và các kiến nghị từ VIFOREST
-
Liên kết quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng: Nhóm các chủ rừng quy mô nhỏ sẽ tăng mạnh
-
Phantom Hands và Adam Markowitz ra mắt bộ sưu tập 'REFRACTIONS' như một phần của BLR Hubba
-
VTV1 - Ngành gỗ thay đổi đáp ứng thị trường xuất khẩu