Định vị công nghiệp sản xuất và xuất khẩu viên nén gỗ: Đón Đầu cơ hội phát triển
Năm 2016, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt gần 7 tỉ USD, trong đó viên nén gỗ đóng góp gần 130 triệu USD. Trong khi xuất khẩu các sản phẩm gỗ truyền thống có dấu hiệu chững lại, thì viên nén gỗ, một loại sản phẩm mới tham gia thị trường xuất khẩu từ sau năm 2000, được kỳ vọng là sẽ góp phần gia tăng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm chế biến từ gỗ.
Trước năm 2014, khi giá xuất khẩu viên nén gỗ ở mức 140 – 150 USD/tấn, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư xây dựng nhà máy để xuất khẩu sản phẩm này. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, chỉ một số nhà máy có khả năng thu gom phế thải gỗ có thể sản xuất cầm chừng và chờ đợi sự ấm lên của thị trường.
NHỮNG TÍN HIỆU TỪ THỊ TRƯỜNG
Từ cuối năm 2014, sản xuất và tiêu thụ viên gỗ nén trì trệ chủ yếu do hai lý do, cam kết chính trị của các quốc gia chưa đủ mạnh để chuyển sang sử dụng loại năng lượng sạch này và giá dầu giảm (theo tính toán, viên gỗ nén dùng trong sưởi ấm chỉ có thể phát triển bình thường khi giá dầu đạt mức trên 60 USD/thùng).
Tuy nhiên, đã có những tín hiệu khả quan khi Hàn Quốc và Nhật Bản, hai thị trường chính tiêu thụ viên gỗ nén từ Việt Nam, đều cam kết chuyển dần sang sử dụng viên nén gỗ thay thế các nhà máy điện hạn nhân và các nhà máy phát điện dựa vào nhiên liệu hóa thạch. Hàn Quốc, hiện tiêu thụ trên 1,7 triệu tấn viên nén gỗ, với trên 1 triệu tấn nhập khẩu từ Việt Nam (giá 98 USD/ tấn trong quý I/2017) và gần 0,7 triệu tấn nhập khẩu từ Canada (giá trên 170 USD/tấn), dự báo sẽ tiêu thụ khoảng 3 triệu tấn vào năm 2020 và cũng chỉ chủ yếu trông cậy vào nguồn cung từ Việt Nam và Canada. Còn Nhật Bản, quốc gia thận trong hơn trong phát triển năng lượng sinh khối, cũng dự báo sẽ tiêu thụ khoảng 20 triệu tấn viên nén gỗ để sản xuất khoảng 5 triệu kw điện trong thập kỷ tới.
Đó là những tín hiệu lạc quan đối với ngành chế biến và xuất khẩu viên nén gỗ của Việt Nam trong thời gian tới. Cần nhớ rằng viên nén gỗ được sử dụng chủ yếu cho phát điện và sưởi ấm. Nhằm thay thế dần năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch và năng lượng hạt nhân để giảm phát thải carbon và đảm bảo an toàn môi trường sống, trong những năm gần đây, nhiều quốc gia đã cam kết chuyển mạnh sang sử dụng loại năng lượng sinh khối này.
Năm 2016, trên phạm vi toàn cầu, đã tiêu thụ 28 triệu tấn (EU28: 14,3 triệu tấn, Hàn Quốc: 1,7 triệu tấn, Nhật Bản: 232 ngàn tấn). Theo dự báo của Hội đồng năng lượng nhiệt sinh khối (Biomass Thermal Energy Council), thị trường viên nén gỗ của thế giới có thể đạt mức 35 triệu tấn vào năm 2025, và nếu Mỹ tham gia một cách nghiêm túc, thì có thể lên tới 43 triệu tấn. Nếu biết cách tận dụng được tối đa cơ hội từ thị trường rộng lớn này, viên nén gỗ Việt Nam sẽ có bước đột phá trong năm nay.
THÁCH THỨC CẦN VƯỢT QUA
Phát triển công nghiệp viên gỗ nén đang đối mặt với 3 thách thức chính: Giá quá thấp (98 USD/tấn FOB Việt Nam), sự trì hoãn hình thành và phát triển thị trường tín chỉ carbon và yêu cầu gỗ hợp pháp. Hai thách thức đầu tùy thuộc vào cam kết và quyết tâm của các quốc gia trong việc giảm phát thải và nằm ngoài ý chí của chúng ta. Tuy nhiên, thách thức thứ ba lại hoàn toàn tùy thuộc vào nỗ lực của Việt Nam trong việc đẩy nhanh chứng chỉ rừng (FSC/PEFC) tạo dựng lòng tin đối với người tiêu thụ điện và sử dụng viên nén gỗ để sưởi ấm ở các nước nhập khẩu. Với việc ký kết FLEGT/VPA trong tháng 5 năm 2017, Việt Nam cũng đã chuyển tải một thông điệp rất mạnh mẽ trong việc “nói không” với gỗ bất hợp pháp. Như vậy, chúng ta có thể cam kết xuất khẩu viên nén gỗ từ nguyên liệu “sạch” cho những khách hàng “kỹ tính” nhất.
Và với phổ cung cấp nguyên liệu rất rộng và dồi dào (gỗ nhỏ, cành nhánh, ngọn cây từ rừng trồng keo, tận thu phế thải sau khai thác gỗ cao su, mùn cưa, phế liệu gỗ từ các xưởng xẻ và nhà máy chế biến gỗ và cả phế thải nông sản…) và với cự ly vận tải biển tới các quốc gia Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc ngắn, Việt Nam có lợi thế so sánh rất đáng kể cho phát triển công nghiệp sản xuất xuất và xuất khẩu viên nén gỗ.
Chỉ riêng với nguồn nguyên liệu từ thanh lý rừng trồng cao su, nếu mỗi năm Việt Nam khai thác 2 – 3 triệu m3 gỗ cho sản xuất đồ mộc, ván ghép thanh, gỗ dán.., thì cũng có thể tận thu 2 – 3 triệu tấn nguyên liệu gỗ để sản xuất 1 – 2 triệu tấn viên nén gỗ. Nếu giá cả viên nén gỗ xuất khẩu đủ hấp dẫn khi các nước gia tăng sử dụng năng lượng sạch, Việt Nam hoàn toàn có thể xuất khẩu 3 – 4 triệu tấn viên nén gỗ mỗi năm trong khi vẫn duy trì và gia tăng xuất khẩu đồ mộc, dăm gỗ và các loại sản phẩm gỗ khác dựa vào nguồn nguyên liệu trong nước và nhập khẩu từ nước ngoài.
Nhìn chung, mặc dù còn không ít khó khăn và thách thức trên con đường phát triển công nghiệp viên nén gỗ, có thể kỳ vọng rằng Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia sản xuất và xuất khẩu viên nén gỗ hàng đầu của thế giới. Và xuất khẩu viên nén gỗ sẽ góp phần cải thiện thu nhập, sinh kế cho hàng triệu nông dân trồng rừng, cũng như góp phần gia tăng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ từ Việt Nam.
GỖ VIỆT số 91
NGÔ SỸ HOÀI
- Hiệp định lâm nghiệp Châu âu: Mở đường cho các công ty gỗ Việt Nam tiến bước
- Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 6 tháng đầu năm:Lạc quan với mục tiêu tăng trưởng
- Làng nghề với gỗ hợp pháp Cam kết cho sự phát triển bền vững
- Thương hiệu mạnh bắt nguồn từ gỗ sạch
- Ý kiến chuyên gia: Lòng tin tạo ra hiệu quả
- Liên kết trong ngành gỗ: Tìm lời giải thích hợp cho từng doanh nghiệp
- Xóa mọi rào cản: Để kinh tế tư nhân phát triển
- Bình Dương: Chờ bước đột phá mới
- Liên kết là hướng phát triển tốt nhất
- Mô hình liên kết IKEA: Sáng tạo tạo bền vững
-
CIFF Quảng Châu – Diện mạo mới cho Gian hàng quốc tế - "IF" biến sự không chắc chắn thành chắc chắn
-
Xúc tiến thương mại và các kiến nghị từ VIFOREST
-
Liên kết quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng: Nhóm các chủ rừng quy mô nhỏ sẽ tăng mạnh
-
Phantom Hands và Adam Markowitz ra mắt bộ sưu tập 'REFRACTIONS' như một phần của BLR Hubba
-
VTV1 - Ngành gỗ thay đổi đáp ứng thị trường xuất khẩu