Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 6 tháng đầu năm:Lạc quan với mục tiêu tăng trưởng
6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 3,6 tỉ USD, tăng đến 13,9% so với cùng kì năm trước là một trong những tín hiệu lạc quan với ngành gỗ, khi tất cả các chuyên gia từng dự báo về mức tăng trưởng chậm lại từ đầu năm vì nhiều lí do khách quan. Để có cái nhìn sâu hơn về mức tăng trưởng này, Tạp chí Gỗ Việt đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam.
Thưa ông Nguyễn Tôn Quyền, 6 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt trên 3,6 tỷ USD, tăng so với năm 2016, theo đánh giá của ông xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam năm 2017 có đạt được chỉ tiêu đã được đề ra hay không?
Trong sáu tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt trên 3,65 tỷ USD tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng cao hiếm có so với 6 tháng đầu năm của các năm trước đó. Các yếu tố làm tăng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2017 gồm kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 2,97 tỉ USD tăng 14,8% so với năm 2016 và chiếm tới 73,23% so với tổng kim ngạch xuất khẩu trong 6 tháng. Các thị trường trọng điểm nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tiếp tục là các thị trường lớn như Mỹ đạt trên 1,5 tỉ USD tăng tới 18,7% chiếm 41% thị phần.
Tiếp đến là thị trường Trung Quốc đạt 555 triệu USD chiếm 15% thị phần, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản tăng 5%, Hàn Quốc tăng 8,7% và Canada tăng 21,8%. Các thị trường nhập khẩu mới như Malaysia, Tây ban Nha, Thủy Điển, UAE và Đan Mạch tăng rất mạnh so với năm 2016, riêng thị trường Đan Mạch tăng trên 60%.
Đặc biệt là lần đầu tiên các doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu gần ngang bằng với Doanh nghiệp FDI, các DN FDI xuất khẩu chiếm 46%, còn các doanh nghiệp Việt Nam chiếm 44%. Các phân tích nêu trên để khẳng định một điều là kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam năm 2017 chắc chắn sẽ đạt từ 7,6 tỉ USD – 7,7 tỉ USD. Ngoài các phân tích nêu trên đến thời điểm này, các doanh nghiệp gỗ Việt Nam đã nhận đủ các đơn hàng và mục tiêu 7,7 tỉ USD sẽ chinh phục được.
Theo ông, đâu là những điều kiện khiến cho kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm tăng cao như vậy?
Theo tôi chính sách của nhà nước là yếu tố đầu tiên tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam phát triển. Đặc biệt là Nghị quyết số 35 và Quyết định số 19 của Chính phủ đã mở ra các cơ chế thông thoáng cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Thứ hai là sự lớn mạnh của các DN chế biến gỗ Việt Nam sau nhiều thập nhiên hội nhập kinh tế quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp gỗ Việt Nam đã trưởng thành cả về năng lực quản trị kinh doanh và các hiểu biết về thực thi thương mại quốc tế nên đã và đang vận dụng vào điều hành sản xuất của doanh nghiệp mình có hiệu quả.
Và chúng ta cần nhớ rằng, thị trường gỗ thế giới luôn rộng mở với dung lượng tiêu dùng sản phẩm gỗ rất lớn với hơn 300 tỉ USD mỗi năm, do đó các DN gỗ Việt Nam vẫn còn nhiều không gian để mở rộng thị trường.
Nhưng trong sự lạc quan, chúng ta cũng không được quên rằng, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gỗ của Việt Nam còn có những vướng mắc cần giải quyết phải không thưa ông?
Chắc chắn là ngành gỗ Việt Nam còn dư địa để phát triển, tuy nhiên các doanh nghiệp gỗ Việt Nam hiểu rằng, không chỉ có có thuận lợi mà còn gặp phải nhiều thách thức, khó khăn về nguồn cung nguyên liệu gỗ, vì việc sử dụng gỗ phải đảm bảo nguồn gốc gỗ hợp pháp. Trong khi đó, nhu cầu tiêu dùng gỗ trong nước và xuất khẩu ngày càng tăng, năm 2016 Việt Nam đã tiêu dùng khoảng 31 triệu m3. Trong đó gỗ trong nước là 23 triệu m3, gỗ nhập khẩu 8 triệu m3. Nếu năm 2020 kim ngạch xuất khẩu đạt 10 tỉ USD thì nhu cầu tiêu dùng gỗ sẽ lên tới 40 triệu m3. Do đó nguồn cung gỗ sẽ gặp nhiều thách thức cả về khối lượng, giá cả và chất lượng.
Và tôi cũng cần phải nhấn mạnh rằng, trong hai hoặc ba năm tới Hiệp định VPA/FLEGT có hiệu lực, doanh nghiệp gỗ sẽ phải thay đổi phương thức quản trị doanh nghiệp, nâng cao nhận thức và trình độ quản lý của doanh nghiệp, từng bước chuyển hình thức quản lý doanh nghiệp một cách chuyển nghiệp,…. Vì vậy rất cần có lộ trình và thời gian để thích ứng với các quy định mới của thị trường trong nước và thế giới.
Bên cạnh đó, sức cạnh tranh của sản phẩm gỗ Việt Nam còn hạn chế.Vì vậy cần phải đổi mới công nghệ, đào tạo đội ngũ công nhân lành nghề và nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, điều đó cần có kinh phí đầu tư và thời gian thực hiện.
Vậy ông có thể đưa ra những khuyến nghị gì cho doanh nghiệp gỗ Việt Nam để giải quyết những vướng mắc này?
Chúng tôi tin rằng, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gỗ nên có kế hoạch dài hạn để chủ động nguồn cung nguyên liệu gỗ. Xây dựng chiến lược phát triển sản xuất kinh doanh để thích ứng với các quy định mới của quốc tế (VPA/FLEGT, FTA, Cộng đồng kinh tế ASEAN, REIEF,..) và quan trọng không kém là lựa chọn sản phẩm lợi thế, đầu tư chiều sâu, đào tạo nguồn nhân lực để tăng sức cạnh tranh của công ty và cạnh tranh sản phẩm.
Xin cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn vừa rồi!
GỖ VIỆT số 91
BBT GỖ VIỆT
- Làng nghề với gỗ hợp pháp Cam kết cho sự phát triển bền vững
- Thương hiệu mạnh bắt nguồn từ gỗ sạch
- Ý kiến chuyên gia: Lòng tin tạo ra hiệu quả
- Liên kết trong ngành gỗ: Tìm lời giải thích hợp cho từng doanh nghiệp
- Xóa mọi rào cản: Để kinh tế tư nhân phát triển
- Bình Dương: Chờ bước đột phá mới
- Liên kết là hướng phát triển tốt nhất
- Mô hình liên kết IKEA: Sáng tạo tạo bền vững
- Năm 2017: Tín hiệu đáng mừng cho sản phẩm gỗ
- Tấn công thị trường nội địa: Chiến lược phục vụ người tiêu dùng
-
CIFF Quảng Châu – Diện mạo mới cho Gian hàng quốc tế - "IF" biến sự không chắc chắn thành chắc chắn
-
Xúc tiến thương mại và các kiến nghị từ VIFOREST
-
Liên kết quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng: Nhóm các chủ rừng quy mô nhỏ sẽ tăng mạnh
-
Phantom Hands và Adam Markowitz ra mắt bộ sưu tập 'REFRACTIONS' như một phần của BLR Hubba
-
VTV1 - Ngành gỗ thay đổi đáp ứng thị trường xuất khẩu