VIỆT NAM VÀ EU KÝ TẮT VPA/FLEGT: Thúc đẩy sự phát triển ngành gỗ

28/08/2017 09:46
VIỆT NAM VÀ EU KÝ TẮT VPA/FLEGT: Thúc đẩy sự phát triển ngành gỗ

Việt Nam và EU vừa ký tắt văn bản hiệp định đối tác tự nguyện và thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT). Việc thực hiện Hiệp định sẽ diễn ra trong vài năm tới, ngoài những lợi ích mở rộng thị trường xuất khẩu và tạo thông thoáng cho doanh nghiệp Việt Nam khi đưa hàng vào EU, thì VPA/FLEGT cũng sẽ tạo ra những khó khăn nhất định đối với các bên liên quan cũng như các thành phần kinh tế khi tuân thủ Hiệp định này.

MDF, ván ghép thanh, gỗ rừng trồng có chứng chỉ, sử dụng gỗ rừng trồng có chứng chỉ hiện đang là xu hướng trên thế giới để bảo vệ môi trường. Hiện nay chính sách thúc đẩy trồng rừng có chứng chỉ, theo Chiến lược phát triển ngành Lâm nghiệp thì tới năm 2020 cả nước sẽ có khoảng  500.000 ha gỗ rừng trồng có chứng chỉ tương ưng với 12% diện tích rừng trồng, nhưng đến nay cả nước mới có được 220.000 ha có chứng chỉ FSC trên toàn quốc, chưa được đạt 50% mục tiêu rừng có chứng chỉ đặt ra vào năm 2020.  Và phần lớn trong số này nằm ở các chủ hộ rừng, những người sẽ có tác động trực tiếp tới sự thành công của ngành gỗ Việt Nam trong thời gian tới. 
KHÓ KHĂN CHO CHỦ RỪNG
Những hộ trồng rừng là đối tượng đầu tiên bị ảnh hưởng từ Hiệp định này, khi họ chưa biết thế nào là gỗ hợp pháp, bán gỗ ra như thế nào là hợp pháp, cần các loại giấy tờ gì khi bán gỗ , họ chỉ biết trồng rừng và đến khi khai thác thì họ bán, hoặc khi cần tiền thì họ bán. Trong khi đó, chưa có cơ quan quản lý nào hướng dẫn cho hộ trồng rừng trồng trồng thế nào là hợp pháp, bán như thế nào và bán cho ai, cũng như thủ tục và giấy tờ gì, việc lưu giữ hồ sơ để chứng minh gỗ họ bán? Hoặc thế nào là gỗ hợp pháp?
Sự thiếu hiểu biết về những qui định, những kiến thức pháp luật chung của thế giới đang trở thành trở ngại lớn cho các chủ hộ rừng trong quá trình làm quen với VPA/FLEGT. Và ngay cả đối với các hộ gia đình trồng rừng tham gia vào trồng rừng có chứng chỉ FSC thì gỗ của họ có phải là gỗ hợp pháp không cũng là một câu hỏi lớn. 
Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, thì đây chỉ là một tiêu chí chứng minh gỗ đó là hợp pháp, VPA/FLEGT chỉ coi FSC, PEFC và các chứng chỉ quốc gia là một chỉ số, một điểm cộng để đánh giá gỗ hợp pháp. Ngoài ra gỗ hợp pháp còn phục thuộc vào đất trồng rừng, đất đó có sổ đỏ không, có chứng nhận hoặc quyết định của chính quyền về thửa đất đó.. 
Gỗ trồng rừng về mặt thực tế là hợp pháp, cây trồng phải 6-7 năm mới chặt được, họ trồng trên đất không có trách chấp thì gỗ đó mới tồn tại được. Nhưng bản thân để có giấy tờ thì mới chứng minh đất trồng rừng (có sổ đỏ, có quyết định giao đất,…) thì cây gỗ đó mới là gỗ hợp pháp, nhưng giấy tờ để  chứng mình đất đó là hợp pháp thì rất khó thực hiện. Việc để người dân tiếp cận được thông tin, cần phải giấy tờ gì, và chứng minh ra sao mới là vấn đề khó khăn, còn bản thân gỗ rừng trồng đã là hợp pháp, nhưng giấy tờ chứng mình gỗ đó là hợp pháp thì  rất khó,  ông Quyền đánh giá. 
Mặt khác, hiện nay rất nhiều các hộ chế biến nhỏ không có giấy phép đăng ký kinh doanh, vậy sẽ quản lý họ như thế nào, trong khi từ trước tới nay họ đã tham gia vào chế biến. Đó cũng là một câu hỏi cần được tháo gỡ, trước khi nghĩ đến việc thúc đẩy họ tác động tới sự phát triển của ngành gỗ. 
Ông Lê Khắc Côi, Phó chủ tịch Hội chủ rừng Việt Nam tỏ ra lo lắng về tác động của VPA/FLEGT, khi EU không công nhận các hệ thống chứng chỉ rừng khác như PEFC, FSC, trong khi hai hệ thống chứng chỉ này đã cấp chứng chỉ rừng cho gần 1/3 diện tích rừng trên thế giới, và nếu không giải quyết được vấn đề này thì rõ ràng đó là thiệt thòi lớn cho ngành chế biến gỗ Việt Nam và các chủ hộ trồng rừng có FSC. 
Và đối với các doanh nghiệp, khi VPA/FLEGT được đưa vào vận hành thì cần đảm bảo tất cả các lô hàng xuất khẩu sang EU đều phải có giấy phép FLEGT. Điều này có nghĩa rằng mặc dù doanh nghiệp có các loại chứng chỉ khác như FSC, DN vẫn bắt buộc phải xin giấy phép FLEGT khi xuất khẩu vào EU.
KHÓ KHĂN VỚI DOANH NGHIỆP
Theo ông Tô Xuân Phúc vấn đề lớn nhất đối với các doanh nghiệp khi VPA/FLEGT được thực hiện trong thời gian tới đó là phân loại doanh nghiệp thành hai nhóm là tuân thủ và không tuân thủ. Đây là nội dung khá phức tạp, dựa trên 4 tiêu chí, thể hiện qua các bằng chứng động, về các yêu cầu của chuỗi cung, để đảm bảo rằng chỉ có gỗ hợp pháp được sử dụng trong chuỗi cung; Đáp ứng các yêu cầu về khai báo và báo cáo về kiểm soát chuỗi cung; Đáp ứng các yêu cầu về các bằng chứng động; Dữ liệu về vi phạm. Đối với các tổ chức không đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí, quá trình kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng có liên quan sẽ chặt chẽ hơn. Ví dụ đối với doanh nghiệp xuất khẩu thuộc nhóm 2, các yêu cầu cũng nhưng kiểm tra trực tiếp các lô hàng xuất khẩu sẽ chặt chẽ hơn rất nhiều so với các doanh nghiệp xuất khẩu thuộc nhóm 1. 
Còn ông Lê Khắc Côi lại chỉ ra một vấn đề khác, đây là một trong những vấn đề rắc rối, việc phân loại DN rất khó khăn. Nếu loại 1 thì sẽ dễ dàng hơn, được cấp phép nhanh hơn. Nhưng nếu vì một lỗi nhỏ như chậm nộp bảo hiểm xã hội hay bất kì lỗi nào khác sẽ bị xếp vào nhớm hai và phải tới một năm sau mới được xem xét đánh giá lại, và điều này sẽ làm khó cho doanh nghiệp. 
Nhưng quan trọng hơn cả là sự nhạy cảm của việc xếp loại doanh nghiệp, theo quy định hiện tại, như Hệ thống đảm báo tính hợp pháp của gỗ (gọi tắt là VNTLAS), cơ quan kiểm lâm ủy thác sẽ làm nhiệm vụ này. Việc phân loại doanh nghiệp cần có cơ chế giám sát và kiểm tra quá trình phân loại doanh nghiệp một cách chặt chẽ để tránh rủi ro cho doanh nghiệp. 
Ông Lê Khắc côi còn cho rằng, trong quá trình giao thương quốc tế, thì hầu hết đều là chế độ hậu kiểm, doanh nghiệp khai báo và tự chịu rủi ro, còn VPA/FLEGT lại là tiền kiểm, do vậy khi thực hiện doanh nghiệp khó khăn, việc đợi chờ cấp phép sẽ ảnh hưởng tới đơn hàng, chậm tiến độ giao hàng , chậm giao hàng và sẽ  ảnh hưởng tới các đơn hàng cho năm sau. Mặt khác, đối với các DN lớn, VPA/FLEGT là một chứng từ trong bộ hồ sơ để thông quan, nếu ko có giấy tờ đó thì hàng xuất khẩu sẽ ko thông quan được. Trong khi đó hàng được  xếp hàng lên container mới biết hàng đó  số lượng là bao nhiêu, khi đó doanh nghiệp mới làm hồ sơ để cấp phép VPA/FEGT và phải đợi cập giấy phép (3 ngày), có giấy phép FLEGT hàng mới lên được tàu.Thực tế, tàu không phải ngày nào cũng có chuyến, mà còn phụ thuộc và hãng tầu, đến khi lấy được giấy phép thì có khi tàu đã chạy rồi. Và làm sao để giải quyết được vấn đề này cũng là một thách thức không nhỏ cho các cơ quan quản lý. 
Theo các chuyên gia, trước mắt, cần công bố thông tin Hiệp định VPA/ FLEGT  lời văn và 9 phụ lục để các Hiệp hội quán triệt, nghiên cứu kỹ. Sau đó mời các DN phổ biến nội dung VPA và phải làm gì? Tiếp theo là thí điểm thực hiện hệ thống này đối với một số doanh nghiệp điển hình, cuối cùng là đánh giá những tác động và ảnh hưởng của Hiệp định đối với các đối tượng bị ảnh hưởng. 
GỖ VIỆT số 92
NAM ANH