Làng nghề gỗ và thách thức từ VPA/FLEGT

28/08/2017 09:40
Làng nghề gỗ và thách thức từ VPA/FLEGT

Hiệp định Đối tác tự nguyện VPA/ FLEGT giữa Việt Nam và Liên Minh châu Âu được đánh giá là cánh cửa để gỗ Việt Nam vươn xa hơn ở thị trường châu Âu, giúp doanh nghiệp xuất khẩu gỗ Việt quảng bá hình ảnh, thương hiệu “Việt Nam là nhà máy sản xuất gỗ cho thế giới bằng nguồn gỗ hợp pháp”. Nhưng với những làng nghề gỗ truyền thống, Hiệp định này đang trở thành một bài toán vừa mới lạ, vừa tạo ra nhiều thách thức cho những hộ sản xuất gia đình, và cả những công ty ở các làng nghề này. 

La Xuyên, làng nghề gỗ truyền thống nổi tiếng ở huyện Ý Yên, Nam Định, là làng nghề có truyền thống từ hàng nghìn năm và gần như giữ nguyên được những nét đẹp trong nghề với những sản phẩm chạm khắc tinh xảo. Nhưng với 40 doanh nghiệp chế biến gỗ lớn tại làng nghề, có những câu hỏi đầy lạ lẫm về VPA/FLEGT, và họ vẫn giữ phần nào đó thói quen làm nghề từ nghìn xưa.
GIẢI ĐÁP NHỮNG KHÚC MẮC
Dù nguồn nguyên liệu gỗ ở đây đều có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, nhưng đặc thù kinh doanh ở đây, phần lớn đều sản xuất gỗ phục vụ thị trường nội địa, đã khiến cho các doanh nghiệp không thật sự quan tâm đến Hiệp định mà Chính phủ Việt Nam phải rất nỗ lực mới kí kết thành công với EU. 
Trong khoảng 5 năm trở lại đây, khi người tiêu dùng có xu hướng sử dụng những sản phẩm gỗ có nguồn gốc tự nhiên, các hộ gia đình, cơ sở chế biến và các doanh nghiệp của làng nghề bắt đầu tìm kiếm những nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Campuchia, Lào hay Nam Phi với những loại gỗ gụ, hương, lim, cẩm, giổi, mít... phù hợp với truyền thống của làng nghề và đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Trong số này, gỗ nhập khẩu từ Nam Phi chiếm đến 70% khối lượng nhập khẩu của làng nghề, gỗ nhập khẩu từ Lào và Campuchia chiếm 30%. Đó là sự dịch chuyển lớn trong quá trình sản xuất, chế biến gỗ của các doanh nghiệp, cũng như các hộ gia đình ở đây. Nhưng sự thay đổi này phần nhiều là do yêu cầu của thị trường trong nước, hơn là việc các doanh nghiệp hướng đến việc đáp ứng các yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ trong sản phẩm. 
Theo ông Nguyễn Văn Đức, Phó chủ tịch Hội làng nghề La Xuyên, thì có khoảng 10 doanh nghiệp chuyên về nhập khẩu gỗ nguyên liệu, nhập khoảng 40 đến 43 nghìn m3/năm, và lượng gỗ nhập khẩu từ các hộ gia đình cũng khoảng gần 20.000 m3/năm. Nếu những con số này là chính xác, thì đó là vấn đề đáng lưu ý với những người làm công tác quản lý và hoạch địch phát triển, vì với gần 60.000 m3 được nhập khẩu mỗi năm, thì việc kiểm soát nguồn gốc của nó cần hết sức thận trọng.
Mặt khác, đó là sự lãng phí lớn, khi các sản phẩm gỗ của La Xuyên chủ yếu phân phối ở thị trường trong nước, và những sản phẩm xuất khẩu thì chỉ là đồ mỹ nghệ đơn giản như đục tượng, hoặc khắc con dấu. Trong khi Hiệp định VPA/FLEGT lại là sự mở đường để những làng nghề như La Xuyên phát triển theo hướng hiện đại, toàn cầu và đa dạng trong thương mại. 
Theo anh Trần Đình Văn, công ty Tân Vĩnh Cửu, khó khăn của sản phẩm gỗ La Xuyên là xử lý độ ẩm của sản phẩm để đáp ứng với tiêu chuẩn trên thế giới, và những yêu cầu kĩ thuật khác rất cao (chẳng hạn các đối tác nước ngoài yêu cầu chỉ tiết của các sản phẩm phải khớp với nhau, chi tiết của sản phẩm này phải lắp được cho sản phẩm khác). 
Anh Văn cho biết thêm, các doanh nghiệp ở La Xuyên có khả năng làm hàng xuất khẩu, nhưng không có khả năng đáp ứng được các tiêu chuẩn về mặt kỹ thuật, việc xử lý gỗ tự nhiên khi làm sản phẩm khó khăn, đòi hỏi độ chính xác cao. Và vì công nghệ chế biến gỗ không thật hiện đại, vì phần lớn đều nhập khẩu máy móc từ Trung Quốc. 
LÀM SAO ĐỂ PHÁT TRIỂN?
Theo ông Nguyễn Văn Đức, do La Xuyên chú trọng tới thị trường trong nước, nên bỏ ngỏ thị trường xuất khẩu, nếu làm hàng xuất khẩu thì chủ yếu sang Trung Quốc, vì thị trường này có những điểm tương đồng về thẩm mỹ và mẫu mã sản phẩm. 
Dù mỗi năm, các doanh nghiệp và hộ gia đình ở La Xuyên đều nhập khẩu một khối lượng lớn gỗ nguyên liệu, nhưng lại chưa khai thác được hết giá trị thật sự của nguồn nguyên liệu này, cũng như tìm ra một hướng đi đột phá trong một thời gian dài. 
Mặt khác, qui trình sản xuất của các doanh nghiệp ở đây cũng khá khác biệt, chưa tập trung và chuyên môn hóa sản phẩm của mình. Trong 30 doanh nghiệp chế biến gỗ, thì mỗi doanh nghiệp chỉ có khoảng 20 – 30 lao động hữu cơ, còn lại thuê các hộ gia đình vệ tinh để gia công/tinh chế sản phẩm của mình. 
Chính cách thức sản xuất này đã khu biệt sản phẩm gỗ của La Xuyên, và khiến họ không đáp ứng được hết các yêu cầu kĩ thuật của sản phẩm gỗ xuất khẩu tới thị trường châu Âu, dù cho nếu cơ cấu lại công ty và thay đổi phương thức chế biến gỗ, các doanh nghiệp ở La Xuyên có thể từng bước tìm được thị trường thích hợp với mình. 
Theo ông Đức, điều quan trọng nhất vào lúc này, chính là phải có một doanh nghiệp tiên phong sản xuất hàng xuất khẩu đi châu Âu, sẽ kéo theo được sự thay đổi về nhận thức cơ hội phát triển của các doanh nghiệp còn lại, cũng như đưa làng nghề La Xuyên trở thành một mô hình mới về chế biến gỗ. 
                                                                                                                    BBT Gỗ Việt
GỖ VIỆT số 92