Xuất khẩu gỗ có cơ hội đạt 8 tỉ USD
Đó là nhận định lạc quan của các chuyên gia tại hội thảo “Xuất nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam năm 2017” do Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam phối hợp với Forest Trends tổ chức vào đầu tháng 10 tại Hà Nội.
Theo các số liệu thống kê, trong 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ 6 tháng đầu năm 2017 đạt 3,57 tỉ USD, tăng 13,6% so với con số 3,14 tỉ USD của cùng kỳ năm 2016. Trung bình 9 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu gỗ đạt khoảng 700 triệu USD/tháng. Trong khi đó, 3 tháng cuối năm luôn là cao điểm để xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, vì vậy, theo các chuyên gia, nếu nhịp điệu xuất khẩu được duy trì, thì ngành gỗ Việt Nam có thể vươn tới con số 8 tỉ USD.
NHỮNG TÁC ĐỘNG TÍCH CỰC
Giải thích cho tốc độ tăng trưởng đáng ngạc nhiên trên, ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam cho biết, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ván nhân tạo, ván dăm, MDF và gỗ viên nén tăng rất mạnh trong năm 2017, trong khi những năm trước tỉ lệ xuất khẩu mặt hàng này ở mức thấp. Bên cạnh đó, ngành gỗ Việt Nam còn khai thác được thêm nhiều thị trường mới và đây sẽ là tiền đề để kim ngạch xuất khẩu gỗ tăng trưởng trong những năm tới.
Cũng có nhận xét tương tự, ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia phân tích Tổ chức Forest Trends nhận định, nếu duy trì được đà tăng trưởng như hiện nay, kim ngạch xuất khẩu trong năm 2017 có thể đạt con số 8 tỉ USD. Hầu hết tăng trưởng thể hiện mạnh mẽ tại những thị trường tiêu thụ truyền thống, là những thị trường xuất khẩu chủ đạo của Việt Nam như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc.
Ông Nguyễn Văn Hà – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) nhận định, con số dự báo 8 tỉ USD xuất khẩu là khả quan đạt được và vượt chỉ tiêu đã đề ra. Đặc biệt, có sự đa dạng mặt hàng xuất khẩu cũng như mở rộng thêm nhiều thị trường mới. Ông cũng đánh giá rằng, hiện tại nhiều nước trên thế giới đều đi theo xu hướng sử dụng gỗ hợp pháp như Mỹ, Nhật, Canada… Đây là xu hướng chung, và hiện nay Việt Nam đang cố gắng để xây dựng hệ thống kiểm soát gỗ phục vụ VPa/FLEGT nên một điều đáng mừng khi các doanh nghiệp đã nhận thấy gỗ hợp pháp là quan trọng.
Nhìn chung, tại các thị trường chính của ngành gỗ Việt Nam, như thị trường Hoa Kỳ vẫn chủ yếu nhập khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam, và một phần gỗ xẻ. Còn thị trường Trung Quốc nhập khẩu gỗ nguyên liệu của Việt Nam nhiều hơn là các sản phẩm gỗ hoàn chỉnh. Trong khi xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản chủ yếu là dăm, ván các loại và ghế gỗ, các loại nguyên liệu khác như gỗ tròn hay gỗ xẻ tỉ lệ rất thấp.
Với thị trường mới như Hàn Quốc, Việt Nam đang khai thác mảng xuất khẩu như viên nén gỗ, ván các loại, dăm gỗ và đồ gỗ... Và cuối cùng là thị trường EU, cũng là một trong những thị trường xuất khẩu gỗ lớn của Việt Nam, cao gấp 4 lần so với kim ngạch nhập khẩu theo chiều ngược lại.
SỰ TÁC ĐỘNG CỦA CHÍNH SÁCH
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo ông Tô Xuân Phúc, một số thay đổi tại các thị trường cung gỗ nguyên liệu cho Việt Nam và các thị trường tiêu thụ đồ gỗ của Việt Nam đang và có thể sẽ tiếp tục có những tác động lớn đến ngành chế biến gỗ. Cung gỗ nguyên liệu từ các nước trong Tiểu vùng sông Mê Kông có nhiều biến động, với nguồn cung từ Lào gần như mất hẳn, trong khi nguồn cung từ Campuchia gia tăng đột biến. Nguồn cung gỗ nguyên liệu từ Lào mặc dù có tác động tiêu cực, ít nhất trong ngắn hạn tới các làng nghề, các công ty trực tiếp tham gia nhập khẩu và công ty xuất khẩu sản phẩm được làm từ nguồn gỗ này qua Trung Quốc, giảm cung từ nguồn này giúp nâng cao hình ảnh ngành chế biến gỗ của Việt Nam trong việc loại bỏ nguồn gỗ có rủi ro cao. Tuy nhiên, gia tăng đột biến về lượng nhập khẩu từ Campuchia lại có tác động ngược lại, làm mất đi các hình ảnh của ngành gỗ Việt Nam.
Tại các thị trường xuất khẩu, có những tín hiệu cho thấy sẽ có những thay đổi trong chính sách của chính phủ nhằm quản lý chặt chẽ hơn các mặt hàng gỗ nhập khẩu. Tín hiệu rõ ràng nhất có thể thấy ở thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản, là 2 trong số 5 thị trường tiêu thụ các mặt hàng gỗ lớn nhất của Việt Nam. Nếu theo đúng lộ trình của Chính phủ Hàn Quốc, cuối 2017 các nhà nhập khẩu Hàn Quốc bắt đầu phải thực hiện trách nhiệm giải trình. Tiến trình tương tự sẽ được diễn ra tại Nhật Bản, tuy nhiên với thời gian muộn hơn (2018). Thực hiện các quy định này sẽ tác động trực tiếp đến tình hình xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này.
Theo ông Nguyễn Văn Hà – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT), gần đây Bộ đã có Quyết định 38 để khuyến khích trồng rừng gỗ lớn để gia tăng sản xuất, chế biến sản phẩm gỗ và hạn chế xuất khẩu gỗ nguyên liệu, nâng cao giá trị trên 1 ha đất rừng. Đó là một trong những chính sách lớn hi vọng góp phần thúc đẩy giá trị xuất khẩu ngành gỗ trong thời gian tới. Trong khi ông Võ Đình Tuyên, Phó vụ trưởng Vụ kinh tế ngành - Văn phòng Chính phủ cho biết, Chính phủ đang có chính sách gắn nhà máy chế biến với nguồn nguyên liệu, và các Hiệp hội cùng Forest Trends cần thảo luận và nghiên cứu về vấn đề này, như vậy mới hỗ trợ việc phát triển bền vững. Đồng thời Chính phủ cũng xem xét về các vấn đề khai thác rừng, phát triển bền vững, sử dụng đất đai hiệu quả, bền vững, tranh chấp. Hệ thống chế biến nằm trong rừng tự nhiên cần phải xem xét lại vì có khả năng những cơ sở này sẽ ảnh hưởng xấu đến rừng tự nhiên.
GỖ VIỆT số 94
NAM ANH
- Sự khác biệt của những làng nghề: Những bài học từ Bình Dương
- Doanh nghiệp gỗ: Giải bài toán tăng năng suất
- VIỆT NAM VÀ EU KÝ TẮT VPA/FLEGT: Thúc đẩy sự phát triển ngành gỗ
- Làng nghề gỗ và thách thức từ VPA/FLEGT
- Định vị công nghiệp sản xuất và xuất khẩu viên nén gỗ: Đón Đầu cơ hội phát triển
- Hiệp định lâm nghiệp Châu âu: Mở đường cho các công ty gỗ Việt Nam tiến bước
- Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 6 tháng đầu năm:Lạc quan với mục tiêu tăng trưởng
- Làng nghề với gỗ hợp pháp Cam kết cho sự phát triển bền vững
- Thương hiệu mạnh bắt nguồn từ gỗ sạch
- Ý kiến chuyên gia: Lòng tin tạo ra hiệu quả
-
CIFF Quảng Châu – Diện mạo mới cho Gian hàng quốc tế - "IF" biến sự không chắc chắn thành chắc chắn
-
Xúc tiến thương mại và các kiến nghị từ VIFOREST
-
Liên kết quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng: Nhóm các chủ rừng quy mô nhỏ sẽ tăng mạnh
-
Phantom Hands và Adam Markowitz ra mắt bộ sưu tập 'REFRACTIONS' như một phần của BLR Hubba
-
VTV1 - Ngành gỗ thay đổi đáp ứng thị trường xuất khẩu