Xu hướng của ngành gỗ

02/02/2018 03:53
Xu hướng của ngành gỗ

Năm 2018 Hiệp định thương mại VN-EU có hiệu lực sẽ mở đường cho sản phẩm gỗ thâm nhập sâu rộng thị trường EU. Thị trường xuất khẩu gỗ thế giới cũng vì thế sẽ biến động, ngành gỗ Bình Dương không nằm ngoài qui luật này

 

CHUYỂN DỊCH MẠNH Ở THỊ TRƯỜNG SẢN XUẤT
Hiệp hội chế biến gỗ (Bifa) cho biết, hiện ưu thế về lao động rẻ của Việt Nam sẽ mất dần so với nhiều nước khu vực như Philippines, Indonesia, Myanmar… Trong khi đó thiết bị và công nghệ chế biến gỗ của Việt Nam phần lớn vẫn còn cũ so với các nước châu Âu, Trung Quốc, khiến công suất chế biến chưa cao và trình độ quản trị thực sự chưa hiệu quả. Trong thời buổi hội nhập này tính cạnh tranh rất cao, không thể kỳ vọng phát triển bằng nhân công giá rẻ mà phải bằng chất xám để tạo những giá trị gia tăng. 
Ông Lưu Phước Lộc-Cty gỗ MTrade cho biết, mặc dù có rất nhiều DN gỗ Bình Dương chịu đầu tư máy móc, tiêu tốn hàng chục tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị từ EU, Nhật, Đài Loan… để tăng mức độ tự động hoá dây chuyền sản xuất. Nhưng đây chỉ là số lượng ít ỏi DN có tiềm lực tài chính, chịu đầu tư, đa phần các DN gỗ còn lại vẫn là dạng nhỏ lẻ, công nghệ sản xuất còn nhiều hạn chế.
Theo ông Lộc xu thế chung của các DN sản xuất gỗ  lẻ hiện nay là tăng dần giá trị gia tăng của sản phẩm. Đã có một số DN chịu đầu từ vào khâu thiết kế, để làm được điều này DN gỗ Bình Dương không tiếc tốn kém thời gian, tiền bạc để tìm hiểu thị hiếu của thị trường xuất khẩu. Vịêc chủ động gia công thay cho bị động gia công (đến từ các đơn đặt hàng) về lâu dài sẽ giúp ngành gỗ Bình Dương hiểu rõ thị trường xuất khẩu truyền thống của mình nhiều hơn. Từ đó đề ra các chiến lược sản xuất-xuất khẩu bền vững lâu dài, hạn chế khâu trung gian, tạm nhậo rồi xuất sang nước thứ ba.
Một vấn đề lớn mà ngành gỗ Việt Nam sắp phải đối mặt đó là sự dịch chuyển của nhiều nhà máy chế biến gỗ từ những nước chưa có Hiệp định thương mại tự do với EU sang Việt Nam, để hưởng những lợi thế của các hiệp định này mang lại.
Số liệu từ Sở Kế hoạch Đầu tư Bình Dương cho thấy, số lượng doanh nghiệp gỗ từ nước ngoài tràn sang đang ở mức tăng đột biến. Cụ thể, trong năm 2016-2017, có đến gần 50 trên 100 dự án sản xuất gỗ đầu tư mới nhà máy tại Bình Dương thuộc các doanh nghiệp Trung Quốc, Đài Loan 
Ông Lương Ngọc Kim-Cty Gỗ Kim Thành A-Thuận An cho biết, dòng vốn đầu tư đang rót mạnh vào “thủ phủ gỗ” của cả nước là Bình Dương. Xu thế mua bán, sát nhập sẽ diễn ra nhanh chóng trong thời gian sắp tới. Các DN nhỏ ít năng lực cạnh tranh sẽ phải đứng ngoài cuộc chơi. Và một số DN FDI đầu tư vào ngành gỗ sẽ ưu tiên mua lại nhà xưởng của các DN năng lực cạnh tranh kém, dựa trên nền tảng sẵn có của DN rao bán để đi vào hoạt động sản xuất tức thời.
Trong bối cảnh đó, các DN nhỏ buộc phải thay đổi chiến lược phân phối sản xuất ra thị trường. Rất có thể , thị trường nội địa sẽ là cứu cánh cho các DN.
QUAN TÂM HƠN ĐẾN THỊ TRƯỜNG NỘI ĐỊA
Theo Cục Chế biến nông lâm, thủy sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), ước tính thị trường nội địa chiếm khoảng 40% tổng giá trị thương mại của đồ gỗ Việt Nam, cơ cấu sản phẩm gỗ tham gia thị trường nội địa là 40% cho xây dựng, 30% cho tiêu dùng nông thôn và 30% phục vụ cho nhu cầu của cư dân thành thị. Rõ ràng đây là một thị trường không nhỏ để các DN trong nước có thể tận dụng để gia tăng doanh thu và thị phần. Tuy nhiên, vì mải mê chạy theo xuất khẩu, mà các doanh nghiệp gỗ trong nước đang bỏ quên chính sân nhà của mình. 
Ông Huỳnh Quang Thanh - chủ tịch Bifa cho biết, bình quân mỗi hộ gia đình ở Việt Nam cần mua sắm đồ gỗ với khoảng 6 triệu đồng/hộ/năm. Nhu cầu đồ gỗ cho các khách sạn, văn phòng cho thuê và các khu đô thị mới cũng có xu hướng tăng nhanh… cho thấy tiềm năng to lớn của thị trường gỗ nội địa. Điều nghịch lý chí là sản phẩm gỗ được đánh giá rất cao tại thị trường xuất khẩu nhưng lại bị người tiêu dùng trong nước quay lưng. Thị phần gỗ nội địa hiện nay đang vào tay các DN Thái Lan, Malaixia, Indonesia, Nhật. Thị trường đồ gỗ nội địa hầu như phó mặc cho làng nghề, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tập trung vào phân khúc đồ gỗ nội thất, mỹ nghệ và xây dựng. Nhưng chất lượng lại không đồng đều, mẫu mã hạn chế khiến đồ gỗ nội khó thu hút được người tiêu dùng. 
Ông Thanh lý giải, sản phẩm gỗ xuất khẩu phải theo qui chuẩn chất lượng, kỹ thuật của bên yêu cầu nhập khẩu nên chất lượng sản phẩm rất cao. Còn ở thị trường nội địa vẫn còn quen với cung cách sản xuất cũ, ít cập nhật xu thế tiêu dùng, sử dụng sản phẩm mới nên tụt hậu so với thị trường xuất khẩu. Hiện nay một số DN của Bifa bắt đầu quan tâm nhiều hơn thị trường trong nước, với việc mở các showroom quảng bá, giới thiệu sản phẩm gỗ đến tay người tiêu dùng. Ngành gỗ Bình Dương đang rất nỗ lực để tiếp cận thị trường trong nước. Nếu khai thác tốt thị trường này, doanh nghiệp sẽ có cơ hội rất lớn để gia tăng doanh thu. Bởi, hiện nay, nhu cầu đồ gỗ trong nước đang có sự gia tăng nhanh chóng, ước tính doanh thu từ thị trường nội địa của ngành gỗ đạt khoảng 3 tỷ USD/năm. 
GỖ VIỆT số 97
PHÙNG HIẾU