Xuất khẩu gỗ 2018: Cơ hội đan xen thách thức
Xuất khẩu đồ gỗ đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng trong năm 2017, không chỉ tăng về số lượng mà còn có sự cải thiện về chất lượng. Sang năm 2018, kim ngạch xuất khẩu gỗ dự báo sẽ tăng cao, có thể đạt 9 tỉ USD, nhưng ngành gỗ sẽ phải giải quyết được cái bài toán đặt ra về thị trường xuất khẩu.
Tại hội thảo: “Bức tranh xuất nhập khẩu ngành gỗ năm 2017: Thực trạng và xu hướng hội nhập bền vững” diễn ra ngày 27- 3 tại Hà Nội, ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia phân tích chính sách tại tổ chức Forest Trends, cho hay kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm năm 2017 đạt gần 7,7 tỉ USD, đạt mức tăng trưởng 12,6% so với kim ngạch năm 2016. Và đó là một thành tích rất ấn tượng, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang đối mặt với một số biến động, với xu thế đi ngược lại với toàn cầu hóa, hạn chế sự hội nhập, bảo hộ sản xuất trong nước tại một số thị trường nhập khẩu chính”, ông Phúc nói.
Không chỉ tăng về lượng, xuất khẩu gỗ còn đang tăng trưởng ấn tượng về chất. Năm 2017, tỉ trọng kim ngạch xuất khẩu của các mặt hàng trong nhóm sản phẩm gỗ (HS 94), là nhóm có giá trị gia tăng cao chiếm khoảng 70% trong tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng từ con số 63,5% của năm 2015 và 2016.
Các nhóm mặt hàng gỗ xuất khẩu gồm ghế ngồi (HS 9401), đồ nội thất (HS 9403) và một số mặt hàng thuộc nhóm gỗ dán (HS 4412). Xuất khẩu các mặt hàng thuộc nhóm gỗ nguyên liệu (gỗ tròn, xẻ) giảm.
Năm 2017 chứng kiến sự tăng trưởng ngoạn mục của thị trường xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt tại bốn thị trường lớn là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Nguồn thu từ bốn thị trường này trong năm 2017 chiếm 76% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam từ tất cả các thị trường. Riêng kim ngạch từ thị trường Mỹ chiếm 40,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành. Tăng trưởng từ thị trường này đạt 13,6%, góp phần quan trọng nhất trong việc đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu của ngành năm 2017.
Đồng tình với đánh giá của ông Tô Xuân Phúc về mức tăng trưởng của ngành gỗ, ông Nguyễn Quốc Khanh - Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh (HAWA) nói thêm, “đây là một thành tích rất ấn tượng, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang đối mặt với một số biến động, với xu thế đi ngược lại với toàn cầu hóa, hạn chế hội nhập, bảo hộ sản xuất trong nước tại một số thị trường nhập khẩu chính. Mở rộng xuất khẩu theo hướng tăng cả lượng và chất là tín hiệu quan trọng phản ánh sự dịch theo hướng phát triển bền vững trong tương lai.
Có một số lý do dẫn đến sự tăng trưởng ấn tượng về kim ngạch xuất khẩu, trong đó bao gồm tụt giảm tính cạnh tranh của ngành gỗ Trung Quốc do ngành này bị Hoa Kỳ kiện bán phá giá và do chính sách áp dụng thuế xuất khẩu đồ gỗ của Chính phủ Trung Quốc. Suy thoái kinh tế năm 2008-2009 tại Châu Âu làm giảm sức sản xuất tại châu lục này, từ đó tạo cơ hội cho ngành gỗ Việt Nam. Bên cạnh đó, thiếu hụt lao động và giá lao động cao tại Trung Quốc, Malaysia và Indonesia – các quốc gia cạnh canh về chế biến gỗ xuất khẩu với Việt Nam cũng tạo cơ hội cho ngành gỗ chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam phát triển.
ĐỐI MẶT VỚI THÁCH THỨC
Các đại biểu trong hội thảo đều cho rằng, mặc dù ngành chế biến xuất khẩu gỗ Việt Nam vẫn đang trong đà tăng trưởng theo hướng cả lượng và chất, ngành này vẫn có thể sẽ phải đối mặt với một số khó khăn do các thay đổi về chính sách tại các thị trường xuất khẩu, đặc biệt là bốn thị trường quan trọng nhất của Việt Nam kể trên.
Hoa Kỳ là thị trường tiêu thụ khoảng 20% tổng lượng hàng hóa xuất khẩu của cả Việt Nam. Riêng đối với các mặt hàng đồ gỗ, thặng dư thương mại của Việt Nam từ Hoa Kỳ đạt trên 2 tỉ USD. Mức thặng dư này, cộng với luồng đầu tư từ Trung Quốc vào ngành chế biến gỗ của Việt Nam sẽ có thể tạo ra những mối quan tâm đặc biệt từ các cơ quan quản lý Hoa Kỳ. Điều này đòi hỏi ngành gỗ và các cơ quan quản lý của Việt Nam cần có những bước chuẩn bị thích hợp, nhằm giảm thiểu những thay đổi trong xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ.
Theo ông Tô Xuân Phúc, những ngày vừa qua, thương mại toàn cầu đã phải chứng kiến những biến động lớn khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ đánh thuế tới 60 tỉ đô la Mỹ vào các mặt hàng có nguồn gốc từ thị trường Trung Quốc. Gia tăng đầu tư Trung Quốc vào ngành chế biến gỗ của Việt Nam cũng có thể là phản ứng của các doanh nghiệp Trung Quốc với chính sách môi trường ngày càng nghiêm ngặt của Chính phủ Trung Quốc đối với các ngành sản xuất nội địa.
“Điều này đòi hỏi ngành gỗ và các cơ quan quản lý của Việt Nam cần có những bước chuẩn bị thích hợp, nhằm giảm thiểu những thay đổi trong xuất khẩu vào thị trường Mỹ”, ông Phúc nói.
Các thị trường lớn khác là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng đang có những động thái nhằm thắt chặt kiểm soát nhập khẩu các mặt hàng gỗ vào thị trường này. Điều này sẽ tác động đến các hoạt động xuất khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam vào các thị trường này trong thời gian tới.
Đến nay, Trung Quốc là thị trường mang tính mở đối với các mặt hàng gỗ của Việt Nam. Thặng dư thương mại các mặt hàng gỗ của Việt Nam từ thị trường này khoảng trên 600 triệu đô la Mỹ mỗi năm. Trung Quốc đang cân nhắc áp dụng chính sách từng bước (step-wise) trong việc kiểm soát tính hợp pháp của nguồn gỗ sử dụng tại Quốc gia này. Hiện Chính phủ đã áp dụng quy định chỉ có gỗ hợp pháp được sử dụng trong các cơ quan công quyền.
Còn Nhật Bản đã ban hành Đạo luật Gỗ sạch (Clean Wood Act), có hiệu lực từ tháng 5-2017. Hiện Chính phủ đang ban hành các văn bản hướng dẫn việc áp dụng đạo luật này.
Hàn Quốc thì đã ban hành Đạo luật Sử dụng gỗ bền vững (Act on the Sustainable Use of Wood) và chính thức có hiệu lực vào tháng 3-2018.
Việc thực thi các đạo luật kể trên có thể đồng nghĩa với việc áp dụng các biện pháp nhằm thắt chặt kiểm soát nhập khẩu các mặt hàng gỗ vào thị trường. Điều này sẽ tác động đến các hoạt động xuất khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam vào các thị trường nói trên trong thời gian tới.
GỖ VIỆT số 99
NAM ANH
- Làng nghề gỗ: Giảm rủi ro, hướng tới bền vững
- Xu hướng gỗ cứng 2018: Nhiều dư địa cho khả năng tăng trưởng
- Xu hướng của ngành gỗ
- BÌNH PHƯỚC: Hộ trồng rừng trong cơn bão giá gỗ cao su
- Ý kiến doanh nghiệp: Bắt nguồn từ cạnh tranh nguyên liệu
- Giá gỗ cao su tăng cao: Cần quản lý chặt chẽ để tránh rủi ro
- Thị trường dăm gỗ Việt Nam: Liên kết để thúc đẩy phát triển
- Xuất nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2017: Đón cơ hội từ Hiệp định FLEGT/VPA
- Cơ hội đạt giá trị xuất khẩu 8 tỉ USD: Lạc quan nhưng cần thận trọng
- Xuất khẩu gỗ có cơ hội đạt 8 tỉ USD
-
CIFF Quảng Châu – Diện mạo mới cho Gian hàng quốc tế - "IF" biến sự không chắc chắn thành chắc chắn
-
Xúc tiến thương mại và các kiến nghị từ VIFOREST
-
Liên kết quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng: Nhóm các chủ rừng quy mô nhỏ sẽ tăng mạnh
-
Phantom Hands và Adam Markowitz ra mắt bộ sưu tập 'REFRACTIONS' như một phần của BLR Hubba
-
VTV1 - Ngành gỗ thay đổi đáp ứng thị trường xuất khẩu