Xúc tiến thương mại ngành gỗ: Yếu tố nền tảng của thành công

31/07/2018 12:13

Xúc tiến thương mại có vai trò cực kỳ quan trong, bởi điều này góp phần mở rộng thị trường. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất của việc xúc tiến thương mại là làm thế nào góp phần tăng năng suất cho ngành. Tăng năng suất cho ngành có thể thực hiện thông qua các công việc như cơ quan xúc tiến thương mại nắm bắt được nhu cầu, thị hiếu của thị trường xuất khẩu, và từ đó chuyển tải các thị hiếu này vào các sản phẩm trong nước, nâng cao giá trị gia tăng trong sản phẩm, trực tiếp góp phần tăng năng suất.

 

Một trong những yếu tố đặc biệt quan trọng làm gia tăng lợi thế cạnh tranh của một quốc gia hoặc một ngành công nghiệp là hiểu được thị trường tiêu thụ sản phẩm. Hiểu được thị trường tức là hiểu về các cơ chế, chính sách, quy định của thị trường tiêu thụ, hiểu được nhu cầu, thị hiếu, văn hóa của người tiêu dùng, hiểu được xu hướng thay đổi thị trường.

Để hiểu được những điều này đòi hỏi ngành gỗ phải có nỗ lực rất lớn, không phải chỉ là riêng bản thân doanh nghiệp mà phải có vai trò quan trọng của các cơ quan quản lý nhà nước. Cơ quan quản lý, thông qua các hình thức như cơ quan xúc tiến thương mại, văn phòng thương mại đặt ở các quốc gia xuất khẩu, tiến hành các hoạt động nghiên cứu, thu thập thông tin từ các thị trường này, về các yếu tố nhu cầu, thị hiếu, các quy định, các tiêu chuẩn của sản phẩm, xu hướng tiêu dùng và thay đổi.

Các thông tin thu thập này cần được chuyển tải lại cho các doanh nghiệp trong nước, để các doanh nghiệp có thể có những phản hồi sát với thực tế thị trường, nhằm đáp ứng được tốt hơn, sát hơn với thị trường.Hiện nay, các cơ quan quản lý của Việt Nam đang dần khẳng định vai trò quản lý, xúc tiến thị trường, và định hướng thị trường, nên trong thời gian qua, ngành gỗ đã mở rộng được khá nhiều thị trường mới, cũng như góp phần cho ngành gỗ phát triển mạnh.

Mặt khác, để chiếm lĩnh được thị trường mới và cả các thị trường truyền thống, ngành gỗ phải tăng sức cạnh tranh trên các thị trường này.

Thực tế cho thấy so với ngành chế biến gỗ của một số quốc gia đang cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam như Malaysia, Thái Lan thì năng suất của ngành gỗ Việt Nam chưa bằng năng suất ngành gỗ của các quốc gia này. Điều này cho thấy ngành gỗ Việt Nam cần khắc phục một số điểm yếu trong lợi thế cạnh tranh, để có thể tăng sức cạnh tranh ở các thị trường mới.

Đến nay, phát triển của ngành gỗ Việt Nam chủ yếu dựa trên những yếu tố cơ bản mà vấn được coi là ‘lợi thế’ đó là chi phí thấp, chủ yếu do nguồn lao động và nguồn nguyên liệu đầu vào sẵn có, chi phí thấp. Hàm lượng các yếu tố đầu vào như lao động tay nghề cao, sản phẩm mẫu mã thiết kế đặc biệt, công nghệ phức hợp còn hạn chế. Như đề cập ở trên, các yếu tố cơ bản như lao động giá rẻ, nguồn cung nguyên liệu sẵn… không phải là một lợi thế dài hạn. Các yếu tố này sẽ mất đi trong tương lai. Sự tồn tại của các yếu tố này về lâu dài thậm chí làm hạn chế khả năng đổi mới của doanh nghiệp, từ đó hạn chế năng lực cạnh tranh.

Lao động chất lượng cao, lao động có thể tạo ra những sản phẩm có chất lượng, có kiểu dáng mẫu mã đẹp, hợp thị hiếu người mua hàng còn rất thiếu trong ngành gỗ hiện nay. Nguyên nhân cơ bản là các cơ sở đào tạo chưa gắn kết được với doanh nghiệp. Đầu tư dài hạn vào các cơ sở đào tạo, nhằm kết nối nhu cầu của doanh nghiệp với cung từ nguồn đào tạo là vấn đề hết sức cấp bách. Các chương trình đào tạo cũng cần phải nắm bắt và lồng ghép các yêu cầu sản phẩm của thị trường tiêu thụ. Đào tạo cũng cần được thực hiện theo tăng hàm lượng đào tạo tại chỗ, thông qua việc nâng cao tay nghề, giảm tỉ trọng đào tạo về lý thuyết như hiện nay. Nhà nước cần đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đầu tư dài hạn vào đào tại. Tuy nhiên, nhà nước không nên can thiệp trực tiếp vào các mô hình đào tạo.

Chúng ta cũng cần phải biết một thực tế là cạnh tranh của ngành không phải chỉ xảy ra giữa các quốc gia với nhau, mà còn là cạnh tranh giữa các ngành khác nhau trong cùng một quốc gia. Ví dụ, tại Thái Lan hiện nay, ngành chế biến gỗ đang phải cạnh tranh gay gắt về lao động với một số ngành khác như ngành bán lẻ, điện tử… Do các ngành này có năng suất lao động cao hơn, lương nhân công cao hơn, các lao động của ngành gỗ, là ngành có năng suất thấp hơn, đã dịch chuyển sang các ngành này.

Thứ hai, hiểu biết của các doanh nghiệp về thị trường tiêu thụ sản phẩm vẫn chưa thật sự đảm bảo cho yếu tố phát triển mạnh mẽ. Nhiều doanh nghiệp hiện nay không có kết nối trực tiếp với thị trường, mà thông thường qua các công ty mua hàng. Thiếu thông tin thị trường làm cho doanh nghiệp bị động trong sản xuất kinh doanh, và điều này ẩn chứa nhiều rủi ro.

Tìm hiểu thị trường là điều tối quan trọng. Việt Nam có thể học hỏi mô hình từ các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản. Các quốc gia này có cơ quan thương mại có nhiệm vụ hỗ trợ các nhà xuất khẩu. Các cơ quan này có văn phòng và con người đặt tại các thị trường lớn, với vai trò thu thập thông tin về thị trường sản phẩm. Thông tin có thể thu thập thông qua việc đặt hàng các công ty nghiên cứu thị trường. Các thông tin này sau đó cần phải được chuyển tải rộng rãi tới các doanh nghiệp sản xuất trong nước.

Thứ ba, Việt Nam hiện tại gần như là chưa có các ngành công nghiệp phụ trợ và các ngành công nghiệp có liên quan cho ngành gỗ. Để tạo được động lực cho ngành phát triển Việt Nam cần có các ngành công nghiệp phụ trợ và công nghiệp có liên quan mạnh, từ đó tạo đà cho việc liên doanh liên kết, giảm các chi phí giao dịch…. Điều này đang thiếu ở Việt Nam.

Chính sách của nhà nước có thể thúc đẩy việc hình thành việc các ngành công nghiệp phụ trợ và cụm công nghiệp. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng nhà nước không nên can thiệp trực tiếp vào việc hình thành. Nhà nước chỉ nên hỗ trợ các mô hình đã bắt đầu hình thành, thông qua các hỗ trợ như xây dựng cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin, trung tâm dữ liệu, hỗ trợ cơ sở đào tạo… Các canh thiệp mang chính sách gián tiếp này sẽ có hiệu quả hơn can thiệp trực tiếp.

Thứ tư, các doanh nghiệp chế biến của Việt Nam hầu hết có quy mô nhỏ, nguồn lực yếu. Để khắc phụ điều này, ngành cần có chính sách riêng nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Luật hỗ trợ Doanh nghiệp vừa và nhỏ bắt đầu đi vào hoạt động. Cần phải khai thác hiệu quả các khía cạnh của Luật này, đảm bảo các doanh nghiệp có thể tiếp cận với các nguồn lực một cách bền vững.

Điều quan trọng nhất là trợ giúp các doanh nghiệp nâng cao chất lượng lao động và đổi mới công nghệ, vì mục tiêu tăng năng suất. hỗ trợ đào tạo, thông qua gắn kết giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo, hỗ trợ nghiên cứu, dựa trên các đặt hàng trực tiếp của các doanh nghiệp, nâng cao vai trò của các hiệp hội là những điều vô cùng cần thiết để hỗ trợ nâng cao năng suất của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Tô Xuân Phúc

 Tổ chức Forest Trends & Đại học Quốc gia Úc

 pto@forest-trends.org