Gỗ cứng Mỹ tại Việt Nam: Mục tiêu dẫn đầu nguồn cung gỗ

31/07/2019 06:42
Gỗ cứng Mỹ tại Việt Nam: Mục tiêu dẫn đầu nguồn cung gỗ

Năm 2018 58,2% tổng lượng gỗ nguyên liệu nhập khẩu của Việt Nam đến từ Mỹ, và đó là lý do khiến các nhà cung cấp gỗ của Mỹ muốn trở thành nước dẫn đầu về cung cấp nguyên liệu phục vụ cho ngành chế biến gỗ đang phát triển vượt bậc của Việt Nam. 4 tháng đầu năm nay khối lượng nhập khẩu gỗ cứng từ Mỹ vẫn đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 13% so với cùng kỳ năm trước, lại càng chứng minh các nhà nhập khẩu trong nước yêu thích nguồn cung từ Mỹ như thế nào. Và thêm một con số thuyết phục khác, Mỹ với sản lượng khai thác gỗ không dưới 300 triệu m3 gỗ/năm luôn tạo ra sự yên tâm cho ngành công nghiệp gỗ Việt Nam.

 

Ông Michael Snow, Giám đốc Điều hành, Hội đồng xuất khẩu gỗ cứng Hoa Kỳ (AHEC)

và ông Nguyễn Tôn Quyền, phó chủ tịch VIFORES

Cùng lúc đó, Mỹ cũng là thị trường nhập khẩu số một về gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam, chiếm 45% tổng giá trị xuất khẩu của ngành. Năm 2018, xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam vào Mỹ đạt trên 3,6 tỉ USD, riêng 5 tháng đầu năm đạt gần 1,9 tỉ USD, tăng 34,98% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy thương mại mặt hàng gỗ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đều tăng cả hai chiều, nhưng Việt Nam đang xuất siêu gỗ và sản phẩm gỗ sang Hoa Kỳ, và dư địa trong tương lai vẫn còn rất lớn. Theo đánh giá của các chuyên gia, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang Mỹ vẫn còn thấp hơn so với kì vọng và tiềm năng của thị trường này.

“Chúng tôi ghi nhận rằng, Luật Lâm nghiệp của Việt Nam và Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản giữa Việt Nam và châu Âu có hiệu lực trong năm 2019 đã đảm bảo tính hợp pháp và bền vững của các sản phẩm gỗ”, ông Robert Hanson, Tham tán nông nghiệp, Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội cho biết, “Việt Nam là điểm đến số một đối với xuất khẩu gỗ cứng nguyên liệu của Mỹ ở khu vực Đông Nam Á”. Còn theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn, Việt Nam đang ngày càng chủ động nguồn nguyên liệu trong nước. Trong 3 năm qua, Chính phủ Việt Nam đã chấm dứt khai thác gỗ rừng tự nhiên và phát triển mạnh mẽ rừng trồng. Việt Nam hiện có hơn 4,1 triệu ha rừng trồng. Công nghiệp chế biến gỗ phải trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam, với mục tiêu phục vụ trong nước và xuất khẩu khoảng 20 tỉ USD vào năm 2025. Nhưng cùng lúc đó, ngành gỗ cũng tìm kiếm những nguồn cung gỗ tin cậy khác trên thế giới, và nguồn cung gỗ cứng từ Mỹ được quan tâm nhất và phát triển nhanh nhất trong vài năm qua. Tiềm năng thị trường, nhất là thị trường gỗ cứng Hoa Kỳ xuất khẩu vào Việt Nam mới chiếm khoảng 1/8 nhu cầu, và dư địa này còn phát triển hơn nữa, khi ngành công nghiệp gỗ đang đòi hỏi ngày càng nhiều nguyên liệu nhập khẩu minh bạch, bền vững và ổn định.

Ông Michael Snow trình bày tại Hội thảo Gỗ cứng Hoa Kỳ tại Hà Nội

Ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam nhận định, gỗ Mỹ đang được sử dụng ngày càng nhiều ở Việt Nam do giá cả cạnh tranh, nguồn cung ứng dồi dào, gỗ có nguồn gốc đáng tin cậy. Năm 2018, Việt Nam nhập khẩu 541.000 m3 gỗ xẻ, 198.000 m3 gỗ tròn từ Mỹ, chiếm 58,2% tổng lượng gỗ xẻ nhập khẩu của cả nước. Với nguồn tài nguyên rừng dồi dào, Mỹ đang mong muốn trở thành cung cấp hàng đầu gỗ nguyên liệu có chất lượng và bền vững cho Việt Nam. Còn ông Michael Snow, Giám đốc Điều hành, Hội đồng xuất khẩu gỗ cứng Hoa Kỳ có đánh giá rất lạc quan rằng, Việt Nam là thị trường nhập khẩu gỗ cứng có mức tăng trưởng cao nhất của Mỹ. Năm 2018, xuất khẩu gỗ cứng dạng gỗ xẻ của Mỹ sang Việt Nam đã đạt 223 triệu USD. Vì vậy, thời gian này chính là cơ hội để tiếp tục tạo mối quan hệ gắn kết, hợp tác bền vững hơn giữa ngành sản xuất và chế biến gỗ giữa hai nước.

TRẦN TOẢN - GV113