Gỗ sạch cho năm 2020: Vì một ngành gỗ bền vững

21/01/2020 10:24
Gỗ sạch cho năm 2020: Vì một ngành gỗ bền vững

Để duy trì đà tăng trưởng đã đạt được trong năm 2019, ngành gỗ có rất nhiều việc phải làm, trong đó, một trong những điều quan trọng là chúng ta cần phải nhận diện rõ vấn đề có tác động trực tiếp nhất tới sự phát triển của ngành, tới những mục tiêu mà chúng ta đã đặt ra trong năm qua, đó là đạt mức xuất khẩu 20 tỉ USD trong năm 2025, đó là phát triển rừng trồng, đó là nguồn cung gỗ chính và bảo đảm hợp pháp cho ngành gỗ Việt Nam.

Vì vậy, định hướng cũng như yêu cầu phát triển ngành công nghiệp gỗ Việt Nam trong những thập niên tới nhất thiết phải phát triển theo chiều sâu, theo định hướng sau. Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, đến nay Việt Nam đã trồng được gần 4,5 triệu ha rừng trồng trong đó có 3,7 triệu ha rừng sản xuất.

Trong đó, trồng rừng mới và chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn để đáp ứng được khối lượng cung gỗ ngày càng nhiều cho công nghiệp chế biến gỗ. Chúng ta cần thay đổi tư duy trồng rừng, trước đây trồng rừng để phủ xanh đất trồng đối núi trọc. Nay trồng rừng để tạo ra nguồn nguyên liệu gỗ hàng hóa lớn cho năng xuất rừng trồng cao và chất lượng gỗ tốt. Trồng rừng vừa phải đáp ứng được các yêu cầu về kinh tế, bảo vệ môi trường và mang tính pháp lý cao theo yêu cầu của thị trường quốc tế và tiêu thụ nội địa. Đề đảm bảo được 3 định hướng nêu trên thì muốn có “gỗ sạch” phải có những khu “rừng trồng sạch” và muốn “trồng rừng sạch” phải có “Đất sạch”.

Trong năm 2019, Thủ tướng chính phủ vừa ký ban hành Nghị định số 91/2019-NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, trong đó có đề cập đến đất lâm nghiệp. Vì vậy, ngành công nghiệp chế biến gỗ cần quan tâm sát sao tới vấn đề này, vì như đã nói ở trên, đất có sạch mới có gỗ sạch, gỗ sạch sẽ mang tới giá trị kinh tế, thương mại, hình ảnh và thương hiệu cho ngành gỗ nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung.

Như chúng ta đã biết, đất để trồng rừng ngày càng hiếm, trong khi đó yêu cầu về nguồn cung gỗ rừng trồng càng cao. Vì vậy cần tận dụng tối đa sử dụng đất trồng rừng hiện có để phát triển rừng trồng. Gỗ rừng trồng là cây dài hạn, một chu kỳ phải kéo dài từ 7-10 năm. Cần có các biện pháp cải tạo đất, chống xói mòn và làm giàu đất. Không chỉ sử dụng đất có hiệu quả, chăm sóc cải tạo đất ngày càng tốt hơn mà còn phải quan tâm tới tính pháp lý của khu đất và luôn đảm bảo đất rừng trồng là “đất sạch”.

Diện tích đất trồng rừng ngày càng cạn, vì vậy cần thay đổi tư duy trồng rừng, trồng rừng năng suất cao, tạo ra cây gỗ có chất lượng riêng. Đầu tư trồng rừng là đầu tư phát triển kinh tế. Đầu tư trồng rừng là đầu tư giầu rừng, đầu tư làm giàu đất và đầu tư làm giàu cho chính mình, gia đình mình và cho xã hội.

Chúng ta cần luôn nhớ rằng, trồng rừng để tạo ra nguồn cung gỗ sạch. Muốn có gỗ sạch phải trồng rừng sạch. Trồng rừng trên đất được quy hoạch cho trồng rừng. Trồng rừng để có nhiều khu rừng có chứng chỉ FSC, PEFC, chứng chỉ quốc gia,.. và nhất thiết phải trồng rừng trên “đất sạch” có rừng trồng sạch sẽ có gỗ sạch. Gỗ sạch cần đảm bảo các tiêu chí như thông tin đầy đủ, minh bạch, hồ sơ được lưu trữ để dễ dàng thuận lợi trong việc truy suất nguồn gốc gỗ.

Gỗ sạch phải đảm bảo sạch trong toàn bộ chuỗi sản xuất từ đất sạch – trồng rừng sạch – khai thác sạch – vận chuyển sạch – chế biến sạch – tiêu thụ sạch.

Chủ trương, định hướng, phát triển,..  của Đảng và nhà nước đã chỉ ra rõ ràng. Ngành công nghiệp gỗ Việt Nam đang trên đà phát triển. Doanh nhân và những người hoạt động trong lĩnh vực lâm nghiệp năng động và sáng tạo đó là nguồn năng lượng để tạo ra động lực cho ngành công nghiệp gỗ Việt Nam phát triển mạnh và bền vững.

Nguyễn Tôn Quyền  - Trưởng ban Cố vấn Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam

Gỗ Việt – Số 119, tháng 1+2/2020