Thành viên của Tập Đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) triển khai thí Điểm quản lý rừng bền vững theo Hệ thống chứng chỉ rừng Việt Nam (VFCS)

05/08/2019 04:14
Thành viên của Tập Đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) triển khai thí Điểm quản lý rừng bền vững theo Hệ thống chứng chỉ rừng Việt Nam (VFCS)

Để đạt được mục tiêu khoảng 20.000 ha rừng được cấp chứng chỉ theo hệ thống chứng chỉ rừng Việt Nam (VFCS) vào cuối năm 2019, Văn phòng Chứng chỉ Rừng Việt Nam (VFCO) đang nỗ lực phối hợp với các bên liên quan nhằm hỗ trợ các chủ rừng nhỏ, công ty và doanh nghiệp chuẩn bị đáp ứng các yêu cầu tiêu chuẩn về Quản lý rừng bền vững và chuỗi hành trình sản phẩm (CoC) của VFCS.

Điển hình là Quy chế phối hợp giữa Tổng cục Lâm nghiệp (TCLN) và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đã được ký kết vào giữa tháng 6 vừa qua, với mục tiêu cấp thí điểm Chứng chỉ Quản lý rừng bền vững và CoC theo tiêu chuẩn VFCS cho diện tích 12.000 ha rừng cao su và sản phẩm mủ. Ngay sau đó, với sự hỗ trợ tư vấn của Viện nghiên cứu Lâm sinh, Công ty TNHH MTV Cao su Bình Long và Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng đã tiến hành các lớp tập huấn cho các cán bộ công ty, nông trường và các xí nghiệp chế biến mủ cao su, trực thuộc hai Công ty. Dự kiến 7.500 ha cao su thuộc hai Công ty này sẽ được cấp chứng chỉ VFCS vào tháng 12 năm 2019; tiến tới đạt Chứng chỉ rừng Quốc tế PEFC vào năm 2020, sau khi VFCS được công nhận bởi PEFC Quốc tế. Nội dung tập huấn tập trung chủ yếu vào (i) nâng cao năng lực, nhận thức về Quản lý rừng bền vững (QLRBV) và chứng chỉ rừng; (ii) xây dựng phương án QLRBV cho toàn bộ diện tích rừng quản lý bởi hai Công ty; (iii) chuẩn bị hồ sơ cấp chứng chỉ cho khoảng 7.500 ha và chuỗi hành trình sản phẩm CoC đa địa điểm cho sản phẩm mủ cao su. 

Tập huấn tại Công ty TNHH MTV Cao su Bình Long Ảnh 1: Hà Thị Nga (PEFC Quốc tế)

Ông Lê Văn Vui, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Bình Long nhận định rằng “Phát triển bền vững bao gồm nhiều yếu tố trong chuỗi sản xuất sản phẩm cao su, ví dụ như nguồn đất, nước cho sự phát triển của rừng cao su; yếu tố con người; hệ thống quản lý và thị trường sản phẩm đầu ra. Do vậy, thực hiện Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng là công cụ để đảm bảo bền vững của các yếu tố nêu trên, và là một yêu cầu cấp thiết, sống còn của Công ty, đặc biệt trong xu thế hội nhập và yêu cầu ngày càng cao của thị trường quốc tế về hài hòa lợi ích môi trường, xã hội và kinh tế.” Song song với việc hỗ trợ các công ty cao su, VFCS cũng đang nỗ lực thực hiện các dự án thí điểm đối với các chủ rừng quy mô nhỏ, như hộ gia đình tại các tỉnh miền Trung, bao gồm Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi và Phú Yên. Dự kiến khoảng 8.000 ha rừng keo lai sẽ đạt chứng chỉ VFCS vào cuối năm 2019. Việc triển khai các hoạt động thí điểm này thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong việc hoàn thiện Hệ thống chứng chỉ rừng Việt Nam và hỗ trợ các chủ rừng nhỏ, công ty và doanh nghiệp đạt chứng chỉ VFCS, tiến tới đạt chứng chỉ rừng Quốc tế PEFC. 

Rừng cao su tại Công ty Bình Long Nguồn: Trần Lâm Đồng (Viện nghiên cứu lâm sinh)

Ghi chú: PEFC Quốc tế là hệ thống chứng chỉ rừng lớn nhất hiện nay trên thế giới với 60% tổng diện tích rừng có chứng chỉ (hơn 311 triệu ha). PEFC Quốc tế cũng là hệ thống chứng chỉ rừng duy nhất công nhận hệ thống chứng chỉ rừng của các quốc gia thành viên và theo tiêu chuẩn của ISO. Hiện nay, PEFC Quốc tế có 51 thành viên. VFCS là Hệ thống chứng chỉ rừng Việt Nam, được thành lập theo đề án Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng vào tháng 10/2018. VFCS trở thành thành viên chính thức thứ 50 của PEFC Quốc tế vào tháng 6/2019. Hiện tại, VFCS đang hoàn thiện các tiêu chuẩn, làm việc với các cơ quan đánh giá cấp chứng chỉ để đưa hệ thống vào hoạt động. Đồng thời chuẩn bị các tài liệu cho quá trình thẩm định công nhận của PEFC Quốc tế dự kiến vào đầu năm 2020. Sau khi VFCS được PEFC Quốc tế công nhận, các diện tích rừng được cấp chứng chỉ bởi VFCS sẽ được công nhận đạt chứng chỉ rừng quốc tế PEFC. 

Tổ chức Chứng chỉ Rừng PEFC