Nhà thiết kế John Kelly - Chuyên thiết kế nội thất từ gỗ cứng Hoa Kỳ: Thay đổi ý niệm nội thất từ gỗ sồi đỏ Hoa Kỳ
Nhà thiết kế John Kelly đã làm việc với các loài gỗ cứng Hoa Kỳ trong suốt cuộc đời mình và đã đồng hành cùng AHEC ngay từ khi ông tham gia Hội nghị ra mắt tổ chức này tại Luân Đôn hơn hai thập kỷ trước. Chúng tôi nêu một số câu hỏi với ông John.
Thưa ông John, ông đã lớn lên cùng với những khu rừng ở miền Tây Virginia. Điều này ảnh hưởng thế nào đến cách tiếp cận của ông khi thiết kế đồ nội thất bằng gỗ?
Nhiều hơn điều bạn có thể tưởng tượng! Gia đình tôi làm trong ngành công nghiệp than, khí đốt, dầu khí và gỗ, còn tôi suốt cả mùa hè thời trung học thường đi tìm kiếm gỗ và chặt cây ở vùng nông thôn Tây Virginia. Điều này có tác động rất lớn khi tôi bắt đầu tìm hiểu về gỗ cứng Hoa Kỳ, cụ thể là các loài gỗ sồi đỏ, sồi trắng, anh đào, óc chó, bạch dương, sung dâu và tần bì. Là một kiến trúc sư và nhà thiết kế đồ nội thất trong tương lai, trải nghiệm này đã được chứng minh là vô giá, bởi vì nó giúp tôi có thể hiểu được mỗi loài thực sự phát triển như thế nào trong rừng, sự đa dạng của rừng và cả những chất lượng nổi trội, cũng như mật độ quần thụ và đặc điểm vốn có của mỗi loài gỗ. Tôi đã học hỏi được từ khi còn nhỏ rằng gỗ là một vật liệu đáng kinh ngạc: nó tái sinh, bền vững và có giá trị thương mại rất to lớn. Hơn thế nữa, với tư cách là vật liệu chính trong kiến trúc, gỗ thậm chí còn có giá trị nhân văn lớn lao hơn nhiều! Không phải ngẫu nhiên mà con người trên khắp thế giới này thường chọn gỗ để làm những chi tiết đập vào mắt nhìn nhiều nhất trong các ngôi nhà của mình, bao gồm cầu thang, cửa ra vào, sàn và trần nhà; và cũng với đồ đạc của họ; rồi các đồ nội thất khác như giường ngủ, các loại hộp gỗ, bàn ghế… Vì vậy, bằng một cách thức rất tự nhiên, khi trở thành một kiến trúc sư và nhà thiết kế nội thất, tôi bắt đầu công việc thiết kế với các loại gỗ cứng Hoa Kỳ.
Ông đã được kết nối, theo nhiều cách khác nhau, với ngành công nghiệp gỗ cứng Hoa Kỳ trong nhiều năm. Kinh nghiệm ông rút ra là gì?
Vâng, tôi tham gia các hoạt động của AHEC và ngành gỗ cứng của Hoa Kỳ đã hơn hai mươi năm, về cơ bản là kể từ khi Michael Buckley phát hiện ra tôi tại triển lãm đồ nội thất ở Birmingham. Trong thời gian đó, tôi đã rất may mắn được tham gia các chương trình và hội thảo của ngành cùng với AHEC tại Pháp, Vương quốc Anh, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Việt Nam, Indonesia, Thái Lan và Ấn Độ. Tôi rất biết ơn về tất cả những cơ hội đó và tôi hy vọng rằng hoạt động của tôi đã góp phần thúc đẩy sử dụng gỗ cứng Hoa Kỳ trên khắp thế giới; không những chỉ với những ý tưởng thiết kế của tôi, mà còn thông qua việc hiện thực hóa và giới thiệu loại gỗ này trên thị trường đồ gỗ quốc tế. Một lần nữa, tôi muốn ngược dòng thời gian để quay trở lại với những mùa hè đi tìm kiếm gỗ phía Tây Virginia. Khi bắt đầu thiết kế đồ nội thất, tôi bắt đầu bằng việc sử dụng các tài nguyên địa phương và các vật liệu mà tôi am hiểu. Tôi đã rất may mắn khi AHEC tìm đến tôi và cho phép tôi kể câu chuyện của riêng mình. Điều đó rất dễ dàng, bởi vì nó thực sự là một phần trong tôi.
Gần đây, ông đã được ủy quyền để tạo ra một bộ sưu tập đồ nội thất bằng gỗ sồi đỏ Hoa Kỳ. Ông thấy sao về công việc đó?
Đối với tôi, dự án thiết kế gỗ sồi đỏ Hoa Kỳ có hai mục đích. Rõ ràng, tôi đã cố gắng tạo ra một bộ sưu tập đồ nội thất thông minh và hấp dẫn, có trách nhiệm và có thể kinh doanh. Tuy nhiên, với bộ sưu tập này, tôi cũng đang cố gắng thay đổi định kiến của mọi người và các khái niệm đã được hình thành từ trước về việc sử dụng gỗ sồi đỏ trong thiết kế nội thất. Đó là một thách thức thú vị và tôi hy vọng nó sẽ mang lại nhiều phát hiện và nhiều khả năng sử dụng loài gỗ cứng Hoa Kỳ phong phú đến đáng kinh ngạc này. Hy vọng của tôi là bằng cách tạo ra bộ sưu tập đồ nội thất bằng gỗ sồi đỏ này và đưa nó ra thị trường, có thể khuyến khích và tác động đến các nhà thiết kế nội thất khác xem xét lại các ứng dụng tiềm năng của gỗ sồi đỏ Hoa Kỳ.
Là một nhà thiết kế có nhiều kinh nghiệm làm việc trong ngành công nghiệp gỗ Châu Á, ông có lời khuyên nào cho các nhà thiết kế trẻ Châu Á không?
Là một người thầy trong gần ba mươi năm, lời khuyên của tôi cho các nhà thiết kế trẻ luôn giống nhau. Hãy ngừng nhìn chăm chú vào điện thoại và hãy bắt đầu nhìn vào bên trong chính mình. Tất cả các câu trả lời đã có sẵn trong mỗi người và không cần phải đánh cắp chúng từ internet. Tôi giải thích với các sinh viên của mình rằng tất cả các thiết kế bắt đầu bằng một ý tưởng. Khi bạn hiểu rõ ý tưởng, tất cả các quyết định mà bạn sẽ thông qua trong quá trình phát triển thiết kế sẽ dần hình thành thông qua các phản hồi và các quyết định đó sẽ luôn liên quan đến ý tưởng ban đầu của bạn. Các quyết định này sẽ củng cố ý tưởng thiết kế về mặt thẩm mỹ, một cách chính thức, có cấu trúc và bao hàm tất các các khía cạnh của xây dựng. Tôi tin rằng thiết kế chính là những câu hỏi mang tính hiện sinh cơ bản như, “Bạn nghĩ bạn có thể làm gì để biến thế giới thành một nơi tốt đẹp hơn? Mối quan hệ của con người với thế giới tự nhiên và nhân tạo là gì? Điều gì vẫn còn có ý nghĩa với mọi người trong thế giới ngày nay?”. Điều tuyệt vời về thiết kế là không có câu trả lời đúng hay sai; chỉ khác nhau về quan điểm. Toàn bộ vấn đề của việc trở thành một nhà thiết kế là phải bày tỏ được sự diễn giải của riêng mình về thế giới, vì vậy lao động thiết kế không quan tâm đến những gì mọi người khác đang làm. Toàn bộ vấn đề của thiết kế là phải hình thành xu hướng, chứ không phải là ăn theo xu hướng; và bạn chỉ có thể thực hiện điều này khi bạn hoàn toàn tập trung vào cách nhìn nhận của chính mình về cuộc sống.
Tại các hội chợ gần đây ở Hoa Kỳ mà ông đã đến thăm, ông đã nhìn thấy những gì trong các xu hướng mới nhất của đồ gỗ?
Tôi nghĩ có lẽ xu hướng phổ biến nhất trong thiết kế đồ gỗ hiện nay là tạo ra đồ gỗ đa dụng hơn từ các vật liệu hỗn hợp. Xu hướng này đang nổi lên khi những con người như chúng ta bắt đầu tận dụng không gian sống trong những ngôi nhà hiện đại của mình một cách khác biệt và chúng ta bắt đầu coi ngôi nhà của mình là nơi giao thoa giữa thế giới tự nhiên và thế giới nhân tạo. Không chỉ có sự khác biệt giữa đồ gỗ trong nhà và ngoài trời ngày càng mờ nhạt đi, mà cả không gian sống và sinh hoạt trong các ngôi nhà truyền thống đang trở nên lộn xộn hơn, và sau đó, khi bạn quẳng các yêu cầu của không gian văn phòng tại nhà vào một phức hợp thì kết quả là bạn có một khái niệm hoàn toàn khác về ngôi nhà, so với thế hệ cha mẹ mình. Chính vì vậy chúng ta bắt đầu mua săm đồ gỗ theo một cách khác để bao quát được các sở thích mới và thái độ mới hướng tới lối sống hiện đại của chúng ta. Cũng giống như quan niệm của chúng ta về sự khác biệt giữa đồ gỗ nội thất và ngoại thất, sự khác biệt không gian sống và văn phòng tại nhà ngày càng mờ nhạt; thiết kế đồ gỗ cũng trở nên nhạt nhòa; và điều đó có nghĩa là phải trung hòa hơn! Như một hệ quả và biểu hiện của tính hai mặt này, một sự phối màu ngày càng tinh vi và đa dạng với các vật liệu hỗn hợp cũng đang xuất hiện trong thiết kế đồ gỗ. Tôi đã nhìn thấy các vật liệu mới tại hầu hết các triển lãm tôi ghé thăm gần đây, cả với đồ gỗ trong nhà và đồ gỗ ngoài trời.
Ông có thấy những xu hướng này được phản ánh trong các hội chợ triển lãm ở vùng Đông Nam Á không, chẳng hạn như tại VIFA Sài Gòn?
Có, chúng ta bắt đầu nhín thấy những xu hướng này tại VIFA, TP HCM. Hội chợ VIFA đã được cải thiện đáng kể trong hai năm gần đây và cho thấy sự đúng đắn của của một câu thần chú từ xa xưa “hội chợ thương mại đi sau sản xuất”. Theo đó, tôi tin rằng khi Việt Nam trở thành một quốc gia sản xuất đồ gỗ tầm cỡ hơn, VIFA sẽ tiếp tục phát triển và trở thành một hội chợ đồ gỗ danh tiếng hơn. Các nhà sản xuất Việt Nam tại địa phương đã thực sự tiến hóa để thích ứng với cuộc di tản công nghiệp đồ gỗ từ Trung Quốc đang tiếp diễn. Ngoài ra, nhiều nhà sản xuất nước ngoài hiện đã định cư tại Việt Nam, trên cơ sở khách hàng châu Âu và Hoa Kỳ, để tránh thuế, hoặc chỉ là để tăng biên độ sản xuất, nói chung. Kết quả cuối cùng chính là chất lượng và giá trị cảm nhận của đồ gỗ hiện đang được sản xuất tại Việt Nam, cái mà bạn không thể hình dung được chỉ cách đây vài năm thôi. Khúc quanh của quá trình học hỏi ngắn và dốc và chuỗi cung ứng tại Việt Nam đang cải thiện từng ngày. Tại VIFA 2019, ngoài các vật liệu thông thường liên quan đến sản xuất đồ gỗ như gỗ, kim loại, vật liệu bọc, thủy tinh và đá, tôi đã tìm thấy các nguồn cung ứng và và các nhà sản xuất các vật liệu bê tông, mây, rơm, sơn mài và nhựa.
Xin cảm ơn ông!
GV - AHEC
- Việt Nam: Sẵn sàng cho ngành gỗ sạch
- Phát triển Lâm nghiệp: Động lực từ ngành gỗ
- Gỗ rừng trồng: Nền tảng phát triển bền vững
- Mục tiêu 12 tỉ USD cho ngành gỗ: Giải bài toán nguyên liệu trong mục tiêu ngắn hạn
- Ngành gỗ Việt Nam: Hướng tới lối sống xanh
- Thụy Sĩ giúp Doanh nghiệp gỗ Bình Dương phát triển bền vững
- Đề án Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng: Niềm tin của Thủ tướng Chính phủ.
- Doanh nghiệp ngành gỗ cao su: Những thách thức từ nguồn nguyên liệu
- Phát triển từ nguyên liệu gỗ rừng trồng
- Gỗ sồi biến tính nhiệt (TMT) mang tới những cơ hội mới
-
CIFF Quảng Châu – Diện mạo mới cho Gian hàng quốc tế - "IF" biến sự không chắc chắn thành chắc chắn
-
Xúc tiến thương mại và các kiến nghị từ VIFOREST
-
Liên kết quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng: Nhóm các chủ rừng quy mô nhỏ sẽ tăng mạnh
-
Phantom Hands và Adam Markowitz ra mắt bộ sưu tập 'REFRACTIONS' như một phần của BLR Hubba
-
VTV1 - Ngành gỗ thay đổi đáp ứng thị trường xuất khẩu