Làm gì để tránh rủi ro cho doanh nghiệp nhỏ?

27/09/2016 16:36

 Vụ tranh chấp thương mại giữa các doanh nghiệp gỗ trong nước với một đối tác nước ngoài có trụ sở ở Việt Nam vào tháng trước được quan tâm hơn bao giờ hết, khi đối tác này bị coi là chây ì nợ nần với nhiều khoản nợ khác nhau, và cố ý thoái thác trách nhiệm thương mại. Nhưng vấn đề là khi các doanh nghiệp gỗ không có biện pháp tự phòng vệ, thì rất khó để họ có thể đòi được quyền lợi chính đáng của mình.

 Năm 2015, kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ Việt Nam đạt 6,9 tỉ USD và là nước dẫn đầu trong khu vực Đông Nam Á, đồng thời đứng thứ 4 trên thế giới, thành quả này có phần rất lớn chính nhờ niềm tin vào nhà mua hàng. Nếu nhà mua hàng dựa vào kẽ hở này để xù nợ chắc doanh nghiệp Việt Nam sẽ khó đạt được thành quả này” - ông Nguyễn Thanh Phong, Phó chủ tịch Hawa chia sẻ sau kiện gây ồn ào này. Vậy, các doanh nghiệp nhỏ và vừa phải làm gì để bảo vệ lợi ích của mình, cả trước, trong và sau quá trình kí kết thương mại với các đối tác nước ngoài?
RỦI RO CHO CÁC DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA
 
Từ câu chuyện của các doanh xuất khẩu gỗ đang bị thiệt hại và kêu cứu vì hợp tác với đối tác nước ngoài vừa qua, ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam đã buộc phải cảnh báo các doanh nghiệp xuất khẩu nhỏ và vừa hoặc những đơn vị kinh doanh, xuất khẩu gỗ trái phép, không có nguồn gốc rõ ràng. 
 Theo ông, những rủi ro trong xuất khẩu rất ít diễn ra với các công ty có quy mô lớn, có hiểu biết đầy đủ về luật pháp và có kinh nghiệm làm ăn với đối tác nước ngoài. Tuy nhiên, với những doanh nghiệp nhỏ và vừa thì rủi ro khi làm ăn với đối tác nước ngoài luôn thường trực xảy ra. 
 Nhìn lại thi thấy, phần lớn các điều khoản trong hợp đồng là tự thỏa thuận và phần bất lợi thường rơi vào doanh nghiệp gỗ Việt Nam, trong đó đáng chú ý là điều khoản áp dụng khi giải quyết có tranh chấp sẽ diễn ra ở nước ngoài. Vì thế, các công ty đã giao dịch với đối tác không có khả năng đeo đuổi vụ kiện, có thể phải chấp nhận thua cuộc. Để rồi, chỉ vì sự cả tin vào uy tín của một người nổi tiếng, vì sự thiếu hiểu biết hoặc chủ quan trong điều khoản hợp đồng, họ phải chịu chấp nhận mất trắng số tiền vốn không ít ỏi với doanh nghiệp. 
ĐỪNG DỰA VÀO LÒNG TIN
 
Một chuyên gia cho biết, còn rất nhiều rủi ro khác đến từ nhà kinh doanh, nhập khẩu và hợp đồng thương mại mà doanh nghiêọ kinh doanh, xuất khẩu gỗ hiện nay cũng đang mắc phải. 
 Đặc điểm của doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam là vốn ít, thiếu kinh nghiệm trong làm ăn nên việc tìm kiếm được hợp đồng xuất khẩu là rất khó khăn. Do đó, nhiều doanh nghiệp chỉ vì dựa vào quen biết và quan hệ, hoặc vì sự uy tín viển vông với một ai đó nên thiếu sự cẩn trọng trong thỏa thuận hợp đồng. Điều này đi kèm với những điều khoản bất lợi mà họ không lường trước và phải chấp nhận chịu thua thiệt. 
 Như các doanh nghiệp gỗ ở Đồng Nai và Bình Dương là thua thiệt trong điều khoản giải quyết tranh chấp, nhưng trên thực tế, theo các chuyên gia, có nhiều trường hợp lại gặp rủi ro trong điều khoản thanh toán, như yêu cầu gửi hàng trước và thanh toán sau. Hoặc cũng có trường hợp doanh nghiệp được nhận thanh toán theo hình thức trả trước (TT), nhưng sau đó bị nhà nhập khẩu “bắt lỗi” đơn hàng và phải đền bù thiệt hại theo quy định hợp đồng. 
 Việc kinh doanh, xuất khẩu của các doanh nghiệp nhỏ và vừa thiếu bài bản, thiếu kinh nghiệm và thậm chí là cẩu thả trong rà soát hợp đồng, thì những trái đắng được đánh đổi bằng tiền lên tới triệu USD là hoàn toàn có thể xảy ra. “Doanh nghiệp Việt Nam phải biết lo cho thân mình”, là khuyến cáo không bao giờ thừa và cũng là phương châm đầu tiên khi kinh doanh.
GỖ VIỆT số 82
VŨ HUY