Những khác biệt cơ bản trong thương mại gỗ Việt Nam-Trung Quốc 2012 - 2014

22/09/2015 06:23
Những khác biệt cơ bản trong thương mại gỗ Việt Nam-Trung Quốc 2012 - 2014

Việt Nam và Trung Quốc có chung đường biên, kéo dài qua 7 tỉnh của Việt Nam, với 29 cửa khẩu lớn nhỏ khác nhau, đó là chưa kể đến các cửa khẩu phụ, đường mòn, lối mở.1 Với dân số trên 1 tỉ người, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm trên 7% và tầng lớp trung lưu ngày càng mở rộng, Trung Quốc hiện là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. 

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan của Việt Nam, năm 2014 Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc một số lượng hàng hóa tương đương với 14,9 tỉ USD về kim ngạch2, chủ yếu là các mặt hàng thuộc nhóm mặt hàng trung gian như nhiên liệu thô, khoáng sản, cao su, gỗ (chiếm 51,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu), các mặt hàng tiêu dùng (22,4%) và xăng dầu (17,9%).3 Số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam cũng cho thấy cũng trong năm này (2014) Việt Nam nhập khẩu một khối lượng hàng hóa từ Trung Quốc tương đương với 43,8 tỉ USD. Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc chủ yếu là các loại hàng hóa phụ trợ cho ngành dệt may, da giày, điện tử, may móc thiết bị, cây con giống, thức ăn gia súc. 4 Nguồn số liệu của Hải quan Việt Nam cho thấy thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc  là gần 29 tỉ USD, một con số đáng báo động và có tác động trực tiếp đến nền kinh tế của Việt Nam.

Tuy nhiên, số liệu của Tổng cục Hải quan của Trung Quốc đối với các sản phẩm hàng hóa được nhập khẩu từ Việt Nam cho thấy một hình ảnh khác biệt rất lớn, thậm chí đáng báo động hơn so với bức tranh được đưa ra từ nguồn số liệu của Hải quan Việt Nam. Cụ thể, theo Hải quan Trung Quốc, năm 2014 Trung Quốc nhập khẩu một khối lượng hàng hóa từ Việt Nam tương đương với 19,9 tỉ USD (cao hơn 5 tỉ USD so với con số công bố của Hải quan Việt Nam). Cũng theo số liệu Hải quan Trung Quốc, trong năm 2014 Trung Quốc xuất khẩu các loại sản phẩm hàng hóa sang Việt Nam tương đương với 63,7 tỉ USD, cao hơn 20,1 tỉ USD so với con số thống kê bởi cơ quan Hải quan Việt Nam.5 Nếu sử dụng nguồn số liệu của Hải quan Trung Quốc, năm 2014 thâm hụt thương mại của Việt Nam trong thương mại song phương với Trung Quốc là 43,8 tỉ USD, cao hơn 14,8 tỉ USD so với con số thâm hụt được công bố bởi Hải quan của Việt Nam.

Những khác biệt cơ bản về số liệu thống kê giữa Việt Nam và Trung Quốc gần đây đã được các cơ quan báo chí của Việt Nam mô tả là sự kiện ‘trấn động nghị trường’ tại Việt Nam.6 Nhiều câu hỏi đã được đặt ra cho các cơ quan quản lý của Việt Nam về các khác biệt này, cụ thể về con số gần 14,8 tỉ USD khác biệt về thâm hụt thương mại giữa số liệu thống kê giữa 2 nguồn số liệu. Nhiều cách giải thích đã được đưa ra bởi các cơ quan quản lý của Việt Nam, bao gồm phương pháp tính toán không đồng nhất giữa 2 quốc gia, khác biệt về quy mô thống kê, khác biệt về tỉ giá, gian lận thương mại và buôn lậu, hay còn gọi là kinh tế ngầm. Tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có những giải thích thuyết phục lý giải sự khác biệt. Điều này làm cho các thảo luận liên quan đến các khác biệt về nguồn số liệu vẫn đang còn rất nóng. 

Gỗ và sản phẩm gỗ là một trong những nhóm hàng hóa quan trọng nhất trong thương mại song phương giữa Việt Nam – Trung Quốc. Thực trạng, động lực và xu hướng của thương mại các mặt hàng gỗ giữa Việt Nam và Trung Quốc giai đoạn 2012-2014 dựa trên nguồn dữ liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam đã được mô tả trong Báo cáo Thương mại gỗ Việt Nam – Trung Quốc 2012-2014: Thực trạng và xu hướng do Tổ chức Forest Trends, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES), Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPA Bình Định) và Hội gỗ Mỹ nghệ Thành phố Hồ Chí Minh (HAWA) soạn thảo (Tô Xuân Phúc và cộng sự, 2015). Tuy nhiên, báo cáo này hoàn toàn dựa trên nguồn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam mà chưa có sự tham khảo nguồn số liệu thống kê từ Hải quan Trung Quốc.

Báo cáo "Những khác biệt cơ bản trong thương mại gỗ Việt Nam – Trung Quốc 2012-2014: So sánh số liệu hải quan Việt Nam và hải quan Trung Quốc" so sánh quy mô và xu hướng thương mại đối với các mặt hàng gỗ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Dựa trên nguồn dữ liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc giai đoạn 20122014, đối với cùng một số loại sản phẩm với mục đích so sánh. Báo cáo này chỉ ra một số khác biệt quan trọng trong thương mại các mặt hàng gỗ giữa 2 quốc gia. Các so sánh này cũng xoay quanh các khía cạnh như quy mô, động lực và xu hướng của thương mại song phương các mặt hàng gỗ. Ngoài ra, Báo cáo cũng tập trung vào một số sản phẩm quan trọng, với khác biệt rõ nét nhất.

Báo cáo được chia làm 4 phần chính với mỗi phần (trừ Phần 1, Giới thiệu) dựa trên nền so sánh số liệu đối với cùng loại sản phẩm gỗ từ 2 nguồn thống kê (ví dụ số liệu giá trị và lượng gỗ xẻ Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc được thống kê bởi Hải quan Việt Nam được so sánh với giá trị và lượng gỗ xẻ nhập khẩu vào Trung Quốc từ Việt Nam được thống kê bởi Hải quan Trung Quốc). Phần 2 mô tả những nét tổng quan chung trong thương mại các mặt hàng gỗ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Đi vào chi tiết một số mặt hàng chủ đạo, Phần 3 phân tích các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc (Trung Quốc nhập khẩu từ Việt Nam). Dựa trên Phần 3, Phần 4 thảo luận về các khác biệt và định hình các thảo luận này trong bối cảnh những thảo luận đang diễn ra tại Việt Nam về những khác biệt về dữ liệu thống kê giữa 2 quốc gia nói chung và thâm hụt thương mại của Việt Nam nói riêng. Trong phần Kết luận (Phần 5), Báo cáo tóm tắt các nội dung chính và đưa ra một số kiến nghị về chính sách nhằm góp phần làm rõ nét hơn về thực trạng, quy mô và động của thương mại các mặt hàng gỗ giữa 2 quốc gia. Đánh giá thương mại song phương các mặt hàng gỗ dựa trên so sánh 2 nguồn dữ liệu thống kê có ý nghĩa chính sách quan trọng, giúp giảm thiểu các khác biệt trong dữ liệu thống kê, bao gồm cả dữ liệu liên quan đến các mặt hàng, giữa 2 quốc gia trong tương lai.

Để biết thông tin chi tiết của báo cáo, vui lòng tải toàn văn báo cáo.

Vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ khi sử dụng thông tin trong báo cáo

 Tạp chí Gỗ Việt