Nửa đầu năm 2022, gỗ và sản phẩm gỗ được xuất khẩu nhiều nhất tới thị trường châu Mỹ
Trong nửa đầu năm 2022, gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu nhiều nhất tới thị trường châu Mỹ, với trị giá chiếm 60,8% tổng trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong quý II/2022 đạt 4,4 tỷ USD, giảm 0,4% so với quý II/2021. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ trong quý 2/2022 đạt 3,06 tỷ USD, giảm 11,5% so với quý 2/2021.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 8,4 tỷ USD, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 6,06 tỷ USD, giảm 5,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong tháng đầu tiên của quý III/2022, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng trưởng khả quan hơn. Ước tính, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 7/2022 đạt 1,35 tỷ USD, tăng 0,2% so với tháng 7/2021. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ trong tháng 7/2022 ước đạt 1,05 tỷ USD, tăng 0,5% so với tháng 7/2021.
Tính chung 7 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 9,7 tỷ USD, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 7,1 tỷ USD, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm 2021.
Về thị trường, trong nửa đầu năm 2022, gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu nhiều nhất tới thị trường châu Mỹ, với trị giá chiếm 60,8% tổng trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. Tỷ trọng xuất khẩu sang khu vực này giảm 3,9 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2021, do trị giá xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ giảm. Nền kinh tế Hoa Kỳ đang đối mặt với tình trạng lạm phát cao, khiến nhu cầu nhập khẩu hàng hóa đang có xu hướng giảm, tác động trực tiếp tới hoạt động xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tới thị trường này.
Đáng chú ý, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới khu vực châu Á chiếm tỷ trọng lớn thứ 2 trong cơ cấu các châu lục, và tỷ trọng xuất khẩu sang khu vực này đang có xu hướng tăng khả quan. Tiếp theo là các khu vực khác như châu Âu, châu Đại Dương và châu Phi.
Về mặt hàng, đồ nội thất là nhóm hàng xuất khẩu chính trong cơ cấu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch đạt 5,5 tỷ USD, giảm 5,8% so với cùng kỳ năm 2021. Nhóm mặt hàng này xuất khẩu chủ yếu tới khu vực châu Mỹ, với tỷ trọng chiếm 80,6% tổng trị giá xuất khẩu mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ, đạt 4,4 tỷ USD, giảm 5,7%. Tiếp theo là khu vực châu Á đạt 530,9 triệu USD, giảm 11,7%. Đáng chú ý, trị giá xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ sang các khu vực như châu Đại Dương và châu Phi chỉ chiếm tỷ trọng thấp, nhưng lại tăng trưởng khả quan trong nửa đầu năm 2022. Trong đó, xuất khẩu sang châu Đại Dương tăng 6,6% và châu Phi tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2021.
Tiếp theo là mặt hàng dăm gỗ xuất khẩu có tốc độ tăng trưởng cao trong nửa đầu năm 2022, kim ngạch đạt 1,17 tỷ USD, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm 2021. Trị giá xuất khẩu mặt hàng dăm gỗ tới khu vực châu Á chiếm 99,6% tổng trị giá xuất khẩu dăm gỗ trong nửa đầu năm 2022.
Mặt hàng gỗ, ván và ván sàn là mặt hàng xuất khẩu lớn thứ 3 trong nửa đầu năm 2022, đạt 1,09 tỷ USD, tăng 20,4% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, trị giá xuất khẩu gỗ, ván và ván sàn tới khu vực châu Á và châu Mỹ chiếm 93,9% tổng trị giá xuất khẩu mặt hàng gỗ, ván và ván sàn.
Theo thông lệ, nửa cuối năm xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ thường cao hơn so với đầu năm do nhu cầu hoàn thiện, sửa sang, trang trí lại nội thất tăng cao vào cuối năm tại nhiều thị trường xuất khẩu chính.
Tuy nhiên, đối mặt với tình trạng lạm phát đang gia tăng mạnh tại các thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chính của Việt Nam là Hoa Kỳ và các nước EU, khiến cho người dân ở các quốc gia này có xu hướng thắt chặt hơn chi tiêu, đặc biệt là đối với các mặt hàng không thiết yếu, dẫn tới nhu cầu nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ giảm.
Cùng với đó, xung đột quân sự giữa Nga và Ukraina chưa có dấu hiệu chấm dứt, đẩy giá xăng dầu tăng cao trong nửa đầu năm và chưa có dấu hiệu dừng lại. Do đó, chi phí của doanh nghiệp có thể sẽ tiếp tục tăng lên, ảnh hưởng đến giá bán và sức cạnh tranh của sản phẩm.
Dự báo xuất khẩu của ngành gỗ trong nửa cuối năm vẫn còn nhiều thách thức và khó hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 16,5 tỷ USD trong năm 2022.
Gỗ Việt
- Doanh nghiệp ngành gỗ sụt giảm mạnh doanh thu và đơn hàng tại nhiều thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Anh…
- Xuất khẩu gỗ và lâm sản dự kiến năm 2022 đạt khoảng 16,3 tỷ USD
- Vì sao xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ giảm tốc?
- DOC tiếp tục gia hạn thời gian nộp bản bình luận và cung cấp thông tin phản biện tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam
- DOC gia hạn thời gian nộp bản bình luận và cung cấp thông tin phản biện tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam
- Cần làm gì khi Bộ Thương mại Hoa Kỳ khởi xướng điều tra tủ gỗ từ Việt Nam?
- Trung Quốc là một trong những thị trường quan trọng của gỗ Việt Nam
- Dự báo nhập khẩu gỗ nguyên liệu sẽ tăng từ 5 - 10% trong nửa cuối năm 2022
- Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 5 tháng đầu năm tăng nhẹ
- Hoa Kỳ khởi xướng điều tra xem xét phạm vi sản phẩm đối với tủ gỗ Việt Nam
-
VTV1 - Ngành gỗ thay đổi đáp ứng thị trường xuất khẩu
-
MIFF (Hội chợ đồ nội thất quốc tế Malaysia) khởi động cho mùa mua hàng Châu Á 2025
-
Ngành gỗ Việt Nam trước thay đổi của thị trường xuất khẩu
-
TavicoHome và điểm nhấn Lễ hội mua sắm “New Year New Home”
-
Tọa đàm Ngành gỗ Việt Nam trước thay đổi của thị trường xuất khẩu