Quy định mới của DOC về phòng vệ thương mại: Tác động dự kiến đến doanh nghiệp Việt Nam ra sao?
Ngày 24/4/2024, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) chính thức thông báo áp dụng quy định mới về phòng vệ thương mại (PVTM) đối với hàng hóa nhập khẩu vào thị trường này. Việc này đang dấy lên những lo ngại về khó khăn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu.
5 quy định mới đáng lưu ý
Theo Cục PVTM (Bộ Công Thương), DOC đưa ra 5 quy định mới đáng lưu ý về điều tra chống bán phá giá (CBPG), chống trợ cấp (CTC), chống lẩn tránh đối với hàng hóa nhập khẩu vào thị trường Hoa Kỳ.
Thứ nhất, cho phép điều tra và áp thuế trợ cấp xuyên quốc gia. Cụ thể, DOC bãi bỏ quy định hiện hành không cho phép Hoa Kỳ điều tra CTC xuyên quốc gia và bảo lưu quyền điều tra và áp thuế CTC đối với các khoản trợ cấp xuyên quốc gia trong tương lai.
Thứ hai, bổ sung cáo buộc chương trình trợ cấp mới. Theo đó, DOC bổ sung trường hợp Chính phủ nước bị điều tra CTC bỏ qua, không thu các khoản phí, tiền phạt, hình phạt phải nộp (ví dụ phí xử lý nước thải, tiền phạt vi phạm tiêu chuẩn an toàn lao động trong nhà máy,…) cũng được coi là 1 khoản trợ cấp, do Chính phủ đáng lẽ đã yêu cầu thanh toán, hoặc phải có hành động để thu các khoản đó. DOC cho rằng, đây được coi là một khoản trợ cấp có thể đối kháng vì Chính phủ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Ngoài ra, DOC cũng bổ sung quy định coi các khoản vay từ Chính phủ hoặc ngân hàng thuộc sở hữu của Chính phủ là một khoản tài trợ nếu không thanh toán gốc và lãi nào được thực hiện trong vòng 3 năm, trừ khi người nhận khoản vay có thể chứng minh được việc không thanh toán đó phù hợp với các điều khoản vay thương mại tương đương trên thị trường hoặc phù hợp với các điều khoản của hợp đồng vay.
Thứ ba, bổ sung quy định lựa chọn nước thay thế. Theo đó, DOC bổ sung quy định khi lựa chọn nước thay thế để tính toán biên độ CBPG cho các nền kinh tế phi thị trường – NME (trong đó có Việt Nam), thì sẽ loại trừ, không lựa chọn các quy gia trợ cấp xuất khẩu rộng rãi/có trợ cấp hoặc bị áp thuế CBPG liên quan đến giá trị thay thế/không thực thi và có cơ chế thực thi yếu, không hiệu quả các vấn đề liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, quyền con người, lao động, môi trường do giá trị thay thế, ngưỡng chuẩn hay chi phí sản xuất tại các quốc gia này có khả năng bị bóp méo hoặc không phù hợp với nguyên tắc thị trường.
Trong trường hợp không có đề xuất giá trị thay thế nào phù hợp từ một quốc gia có nền kinh tế thị trường có trình độ phát triển tương đương với Việt Nam thì DOC sẽ sử dụng dụng giá trị thay thế của một quốc gia có nền kinh tế thị trường có trình độ phát triển không tương đương. Các quốc gia thường được Hoa Kỳ lựa chọn làm nước thay thế cho Việt Nam trước đây (Ấn Độ, Indonesia,…) trong điều tra PVTM đều là các nước đang phát triển, cũng là một trong các nước bị áp dụng biện pháp CTC nhiều nhất trên thế giới. Vì vậy, đề xuất sửa đổi này của DOC có thể dẫn tới việc DOC chọn quốc gia thay thế là nước có trình độ phát triển cao hơn Việt Nam, làm gia tăng giá trị thay thế, dẫn đến đẩy biên độ phá giá lên cao hơn.
Ngoài ra, quy định mới cũng cho phép trong trường hợp không có đề xuất giá trị thay thế nào phù hợp từ một quốc gia là nhà sản xuất hàng hóa đáng kể có thể so sánh với hàng hóa bị điều tra, thị DOC có thể sử dụng giá trị thay thế của một quốc gia có nền kinh tế thị trường không phải là nhà sản xuất hàng hóa đáng kể có thể so sánh với hàng hóa bị điều tra.
Mặc dù trong quá trình điều tra của DOC, Việt Nam có quyền bình đẳng về việc lựa chọn nước thay thế nhưng quyền lựa chọn cuối cùng vẫn thuộc về DOC.
Thứ tư, quy định chi tiết về tình hình thị trường đặc biệt (PMS). Theo đó, DOC đã bổ sung và cụ thể hóa các quy định về điều tra PMS trong các vụ việc điều tra CBPG, cho phép DOC có sử dụng giá trị thay thế để tính toán biên độ phá giá trong vụ việc đó, tương tự như phương pháp tính toán biên độ phá giá cho các nước NME như đã trình tại mục II.3. DOC định nghĩa PMS tồn tại khi: không thể so sánh hợp lý giá bán tại nước xuất khẩu với giá xuất khẩu; hoặc dẫn tới bóp méo chi phí nguyên liệu và chế tạo hoặc các công đoạn sản xuất khác, khiến chi phí sản xuất không phản ánh chính xác chi phí sản xuất trong điều kiện thương mại thông thường. DOC đưa ra một số ví dụ về PMS như: Áp thuế xuất khẩu, hạn chế xuất khẩu, ban hành và thực thi các quy định hạn chế cạnh tranh mang lại vị thế đặc biệt cho các nhà sản xuất được ưu đãi hoặc tạo ra rào cản gia nhập thị trường, sự kiểm soát trực tiếp của Chính phủ đối với việc định giá hàng hóa, việc Chính phủ thực thi yếu hay không hành động,… Các ví dụ này cho thấy khả năng bị kết luận tồn tại PMS khá lớn vì bao hàm phạm vi rất rộng.
Thứ 5, một số sửa đổi khác gồm: Sửa đổi và bổ sung quy định về trích dẫn thông tin; bổ sung quy định phân cấp áp dụng dữ kiện bất lợi có sẵn trong các vụ việc điều tra CTC; Bổ sung quy định cho phép bình luận về đơn đề nghị điều tra phạm vi sản phẩm/chống lẩn tránh thuế PVTM.
Tác động như thế nào đến doanh nghiệp Việt Nam?
Theo Cục PVTM, quy định mới của Hoa Kỳ có thể có những tác động đối với Việt Nam. Theo đó, việc sửa đổi quy định này có thể nhằm đón đầu cho việc gia tăng các vụ việc điều tra PVTM mới hoặc các vụ việc rà soát của Hoa Kỳ trong thời gian tới, đặc biệt là các vụ việc trợ cấp. Nếu như trước khi công bố dự thảo quy định mới, DOC mới tiến hành điều tra 8 vụ việc trợ cấp với Việt Nam, thì kể từ khi công bố dự thảo mới (tháng 5/2023) đến nay, DOC đã khởi xướng 3 vụ việc trợ cấp với tôm nước ấm đông lạnh, đĩa giấy và pin năng lượng mặt trời nhập khẩu từ Việt Nam.
Đặc biệt, ngày 24/4 vừa qua, ngay sau khi quy định mới có hiệu lực, ngành sản xuất trong nước của Hoa Kỳ đã khởi kiện trợ cấp với pin năng lượng mặt trời để đón đầu quy định về trợ cấp xuyên quốc gia, theo đó, cáo buộc các nhà sản xuất năng lượng mặt trời Việt Nam cũng được hưởng lợi từ trợ cấp xuyên quốc gia do chính phủ Trung Quốc cấp cho các doanh nghiệp của Việt Nam xuất khẩu pin năng lượng mặt trời sang Hoa Kỳ chủ yếu là FDI Trung Quốc và Hoa Kỳ đang áp thuế CTC với mặt hàng này của Trung Quốc.
Trong các vụ việc trợ cấp, Chính phủ Việt Nam sẽ trả lời các bản câu hỏi của Hoa Kỳ liên quan đến bất kỳ chính sách nào bị cáo buộc là trợ cấp. Đây là gánh nặng lớn đối với các Bộ, ngành, địa phương liên quan vì nội dung hỏi của DOC thường rất nhiều, chi tiết và quy định thời gian chặt chẽ. Việc trả lời không rõ ràng, không đầy đủ theo nhận định chủ quan của DOC hoặc không đúng hạn đều dẫn đến kết luận bất lợi của Việt Nam.
Bên cạnh đó, quy định sửa đổi về lựa chọn nước thay thế sẽ dẫn đến nguy cơ tăng biên độ phá giá của doanh nghiệp, tạo thêm gánh nặng chứng minh pháp lý đối với Chính phủ và doanh nghiệp các nước xuất khẩu sang Hoa Kỳ, đặc biệt là những nước xuất siêu như Việt Nam, hiện đang là đối tượng trọng tâm trong các vụ việc điều tra PVTM của Hoa Kỳ.
Mặc khác, ở thời điểm hiện tại, do Việt Nam vẫn đang bị Hoa Kỳ coi là nước NME và bị áp phương pháp tính toán biên độ phá giá cho các nước NME trong tất cả các vụ việc nên việc sửa đổi quy định về PMS chưa ảnh hưởng đến Việt Nam. Tuy nhiên, trong trường hợp Hoa Kỳ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, Hoa Kỳ có thể áp dụng quy định về PMS trên cơ sở cáo buộc của ngành sản xuất trong nước Hoa Kỳ để sử dụng nước và giá trị thay thế. Quy định mới cho phép DOC có nhiều quyền tự quyết về việc kết luận tồn tại tình hình thị trường đặc biệt. Điều này sẽ phần nào làm giảm hiệu quả của việc đề nghị Hoa Kỳ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường trong các vụ việc PVTM.
Khuyến nghị gì cho doanh nghiệp Việt Nam?
Cục PVTM khuyến nghị các Hiệp hội tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định PVTM của Hoa Kỳ cho các doanh nghiệp thành viên để có sự chuẩn bị, điều chỉnh, ứng phó phù hợp; thường xuyên theo dõi danh sách cảnh báo các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra PVTM, chống lẩn tránh biện pháp phòng về thương mại của Bộ Công Thương; Phối hợp cung cấp các thông tin, số liệu về xuất nhập khẩu;….
Về phía các doanh nghiệp, cần đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu; cạnh tranh bằng chất lượng thay vì bằng giá; tăng cường sử dụng các nguyên liệu được sản xuất trong nước hoặc từ các nguồn cung cấp không bị nước nhập khẩu áp dụng các biện pháp PVTM; triển khai hệ thống quản lý, truy xuất nguồn gốc; không tiếp tay cho hành vi lẩn tránh biện pháp PVTM;…
Gỗ Việt
- Để bức tranh xuất khẩu sáng hơn
- Việt Nam và Nhật Bản tăng cường hợp tác song phương trong lĩnh vực lâm nghiệp
- Sửa đổi, bổ sung pháp luật về lâm nghiệp: Động lực để phát triển kinh tế lâm nghiệp
- Chung tay vì ngành công nghiệp gỗ vững mạnh
- DOC tiếp tục gia hạn kết luận chống lẩn tránh thuế phòng vệ tủ gỗ Việt Nam
- Hoa Kỳ khởi xướng rà soát hành chính gỗ dán cứng giai đoạn 1/1/2023 đến 31/12/2023
- Rừng và đổi mới sáng tạo: Giải pháp mới vì một thế giới tốt đẹp hơn
- Ngành gỗ liên tục đổi mới để chiếm lĩnh thị trường ngách
- Gỗ biến tính nhiệt: Trợ lực mới cho thị trường nội thất
- Đưa nguồn gỗ hợp pháp đến làng nghề nhiều hơn
-
CIFF Quảng Châu – Diện mạo mới cho Gian hàng quốc tế - "IF" biến sự không chắc chắn thành chắc chắn
-
Xúc tiến thương mại và các kiến nghị từ VIFOREST
-
Liên kết quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng: Nhóm các chủ rừng quy mô nhỏ sẽ tăng mạnh
-
Phantom Hands và Adam Markowitz ra mắt bộ sưu tập 'REFRACTIONS' như một phần của BLR Hubba
-
VTV1 - Ngành gỗ thay đổi đáp ứng thị trường xuất khẩu