Tăng xuất khẩu gỗ vào Canada, cơ hội mở rộng thị trường Bắc Mỹ
Nhu cầu NK đồ gỗ và trang trí nội thất của Canada đang khá lớn, song tỷ trọng hàng Việt tại thị trường này còn khiêm tốn.
Dự báo, sản phẩm đồ gỗ và trang trí nội thất Việt Nam còn có nhiều cơ hội đẩy mạnh XK vào Canada, thậm chí thông qua “cửa ngõ” này để thâm nhập sâu vào thị trường Bắc Mỹ.
Canada nhập khẩu trung bình 7 tỷ USD/năm
Canada là 1 trong 10 nhà sản xuất đồ nội thất hàng đầu trên thế giới. Quốc gia này có chuyên môn lâu đời trong lĩnh vực sản xuất đồ nội thất. Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, trong những năm gần đây do NK tăng nhanh và XK giảm, Canada đã trở thành nước NK ròng các sản phẩm đồ nội thất.
Bà Trần Thu Quỳnh, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Canada cho biết: nhu cầu tiêu thụ trung bình mặt hàng này của một hộ dân tại Canada khoảng 700 USD/năm, trong đó tiêu thụ cao nhất là ở bang Ontario. Trong giai đoạn 2014-2021, Canada nhập khẩu trung bình khoảng 550 triệu USD/tháng, khoảng 7 tỷ USD/năm. Cao điểm nhập khẩu thường là các tháng cuối năm và thấp nhất vào tháng 1, tháng 2 và tháng 7 hàng năm.
Bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ XK (Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương) cho biết: năm 2021, XK đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam sang Canada đạt 416,4 triệu USD, tăng 27,4%, chiếm 16,7% tổng trị giá NK của Canada. Điều này cho thấy, các mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam đã đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ. Đáng chú ý, hiện nay, tại các chuỗi siêu thị lớn như COSTCO, IKEA, LEON’S… có thể dễ dàng bắt gặp các sản phẩm nội thất sản xuất từ Việt Nam.
Theo nguồn tin từ marketinsightsreports.com, dự báo thị trường đồ nội thất gia đình của Canada đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 6% trong giai đoạn 2021 – 2025. Con số tăng trưởng này đạt được là nhờ sự cải thiện trong hoạt động xây dựng, đặc biệt là lĩnh vực nhà ở tại nhiều vùng của Canada. Phần lớn việc mua đồ nội thất được thúc đẩy bởi người tiêu dùng chuyển đến nhà mới.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ, triển vọng gia tăng XK sản phẩm đồ gỗ và trang trí nội thất của Việt Nam sang thị trường Canada rất khả quan, trước hết là nhờ nhu cầu tiêu thụ lớn và tác động tích cực của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). “Đặc biệt, khai thác tốt thị trường Canada, sản phẩm đồ gỗ và trang trí nội thất của Việt Nam còn có cơ hội đẩy mạnh sang các thị trường khác trong khu vực Bắc Mỹ, bởi đây được xem là một “cửa ngõ” để đi vào khu vực này”, bà Thuỷ nhấn mạnh.
Nỗi lo thiếu nguồn nguyên liệu
Dù đứng thứ 13 trong số các quốc gia XK đồ gỗ và trang trí nội thất vào Canada, song theo bà Trần Thu Quỳnh, vấn đề đáng lưu ý là thị phần của Việt Nam tại Canada hiện còn rất nhỏ so với các quốc gia khác.
Từ góc độ DN, ngành hàng, ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương phân tích: “Ngành gỗ Việt Nam đã thay đổi nhiều trong những năm gần đây và nắm bắt tốt xu hướng thị trường. Với riêng với Canada, sản phẩm gỗ Việt đã có mặt, đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ nhưng con số XK so với quy mô thị trường còn nhỏ”.
Để thúc đẩy XK đồ gỗ và trang trí nội thất vào Canada nói riêng, khu vực Bắc Mỹ nói chung, vấn đề khó khăn được không ít DN ngành gỗ chia sẻ hiện nay là thiếu nguồn nguyên liệu gỗ bạch dương dùng để sản xuất tủ bếp do khó NK, bị ảnh hưởng lớn bởi xung đột Nga-Ukraine. Trên thực tế, mặc dù Việt Nam không phải là nước trực tiếp NK nhiều gỗ nguyên liệu từ Nga nhưng gián tiếp nhập một lượng không nhỏ thông qua các thị trường trung gian, điển hình như Trung Quốc. Sau khi NK từ Nga, các DN gỗ Trung Quốc sẽ chế biến và XK sang các thị trường khác, bao gồm Việt Nam. Trung bình hàng năm Việt Nam NK hơn 70.000 m3 gỗ xẻ và gần 200.000 m3 ván gỗ từ Trung Quốc, bao gồm gỗ bạch dương, phong vàng, sồi và thông, xuất xứ từ Nga. “Các DN rất mong muốn được cơ quan quản lý nhà nước hỗ trợ tìm kiếm nguồn gỗ NK thay thế”, ông Nguyễn Liêm nói.
Chia sẻ kinh nghiệm giao thương đồ gỗ và trang trí nội thất với thị trường Canada, một số DN NK của Canada thông tin: có nhiều cách bán hàng qua Canada, trong đó có hai cách chính là bán thành phần sản phẩm qua Canada để lắp ráp và bán thành phẩm. Cụ thể, với cách bán thành phần sản phẩm, DN có lợi thế là đóng gói gọn và vận chuyển thuận lợi, tuy nhiên cần xem xét đến chi phí lao động cao tại Canada. Trong khi đó, với việc bán thành phẩm, chi phí vận chuyển sẽ tăng cao do thành phẩm lớn khó tiết kiệm không gian trong đóng gói. Bởi vậy, DN cần tìm hiểu thông tin về phân phối mặt hàng thành phẩm, có thể chọn kênh bán lẻ hoặc thông qua trợ giúp của một đại lý hoặc bán trực tiếp cho khách hàng thông qua internet.
Bà Trần Thu Quỳnh thông tin thêm, Canada sở hữu nhiều nhãn hàng nội thất cao cấp. Do đó, DN Việt có thể phối hợp để cùng hợp tác sản xuất kinh doanh dưới dạng OEM (nhà sản xuất thiết bị gốc). Lý do là giá nhân công tại Canada cao, đặc biệt nhân công ngành gỗ rất khó tìm, trong khi đó sản xuất tại Việt Nam có thể giải quyết các điểm nghẽn này. Ngoài ra, DN ngành gỗ trong nước cũng có thể tính đến khả năng mua bán DN hoặc khởi nghiệp tại Canada theo hướng đầu tư.
Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Canada cũng đề cập tới khía cạnh, DN trong nước còn có thể phối hợp đào tạo nhân lực, nhất là việc kết hợp nhiều loại nguyên liệu trong sản phẩm gỗ, học tập kinh nghiệm xử lý gỗ và nước sơn, tự động hoá trong sản xuất, tận dụng hệ thống bán hàng của đối tác Canada để đưa hàng hoá vào thị trường Mỹ. “Chính phủ Canada đang hỗ trợ mạnh mẽ cho DN phát triển chuỗi cung ứng, rất nhiều sản phẩm phụ trợ cho ngành gỗ Canada bị thiếu nguồn cung và DN trong nước có khả năng tham gia vào”, bà Trần Thu Quỳnh nói.
Gỗ Việt (Nguồn Haiquanonline)
- Các lệnh trừng phạt không làm xuất khẩu gỗ của Nga giảm
- Nhiều dư địa để doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ sang Australia
- Hoa Kỳ: Tháng 5/2022, duy nhất chỉ số ngành đồ nội thất giảm
- Lệnh cấm xuất khẩu lâm sản của Nga ảnh hưởng lớn tới thị trường gỗ Bắc Mỹ
- Xuất khẩu gỗ của Sarawak phục hồi bất chấp đại dịch
- Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Trung Quốc tăng nhẹ
- Mỹ là thị trường cung cấp gỗ dương lớn nhất
- Gỗ tồn đọng tại các cảng của Cameroon
- 4 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Trung Quốc giảm
- Thổ Nhĩ Kỳ xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ tăng mạnh trong 2 tháng đầu năm 2022
-
Đại hội Chi hội gỗ dán Việt Nam nhiệm kỳ III, giai đoạn 2024 – 2027
-
Thị trường các bon - Tiềm năng tạo nguồn tài chính mới cho bảo vệ và phát triển rừng
-
Ngành Lâm nghiệp đồng hành cùng doanh nghiệp sẵn sàng thích ứng với EUDR
-
Thiệt hại nặng nề từ bão số 3, doanh nghiệp ngành dăm đề nghị sớm được hỗ trợ
-
Đáp ứng EUDR đối với sản phẩm gỗ và cao su thiên nhiên theo tiêu chuẩn PEFC EUDR