Thị phần đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Canada giảm

07/07/2022 11:30
Thị phần đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Canada giảm

Trung Quốc, Hoa Kỳ và Việt Nam là 3 thị trường cung cấp chính mặt hàng đồ thất bằng gỗ cho Canada, chiếm 67,2% tổng trị giá nhập khẩu của Canada.

Theo số liệu của Cơ quan Thống kê Canada, tháng 4/2022 trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Canada đạt 260,3 triệu USD, tăng 18% so với tháng 4/2021. Tính chung trong 4 tháng đầu năm 2022, trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Canada đạt 881,7 triệu USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2021.

Trung Quốc, Hoa Kỳ và Việt Nam là 3 thị trường cung cấp chính mặt hàng đồ thất bằng gỗ cho Canada, chiếm 67,2% tổng trị giá nhập khẩu của Canada. Trong đó, Canada tăng tỷ trọng nhập khẩu từ Hoa Kỳ, nhưng giảm nhập khẩu từ Trung Quốc và Việt Nam.

Hoa Kỳ là thị trường có khoảng cách vị trí địa lý gần và có mối quan hệ thương mại chặt chẽ với thị trường Canada, trong bối cảnh căng xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraina khiến vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn, nên Canada đã tăng mạnh nhập khẩu từ Hoa Kỳ thay vì Trung Quốc và Việt Nam trong các tháng đầu năm 2022. Tuy nhiên, sản xuất nội thất của Hoa Kỳ đang có dấu hiệu chững lại do chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Đây sẽ là cơ hội để các thị trường cung cấp chính là Trung Quốc và Việt Nam tăng thị phần tại Canada trong thời gian tới.

Ghế khung gỗ là mặt hàng chính Canada nhập khẩu trong 4 tháng đầu năm 2022, đạt 372,4 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, Canada nhập khẩu ghế khung gỗ nhiều nhất từ Trung Quốc với 150,4 triệu USD, giảm 10,9% so với cùng kỳ năm 2021. Tiếp theo là thị trường Hoa Kỳ đạt 102,6 triệu USD, tăng 48,6%; Việt Nam đạt 44,2 triệu USD, giảm 8,8%...

Đồ nội thất phòng khách và phòng ăn là mặt hàng lớn thứ 2 Canada nhập khẩu trong 4 tháng đầu năm 2022, đạt 258,7 triệu USD, giảm 4,5% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 29,3% tổng trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Canada. Canada nhập khẩu mặt hàng này chủ yếu từ thị trường Trung Quốc, Việt Nam và Hoa Kỳ.

Đáng chú ý, những mặt hàng Canada nhập khẩu chính đều là các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh. Tuy nhiên, tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam những mặt hàng này còn rất thấp, trong đó ghế khung gỗ nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm 11,9% tổng trị giá nhập khẩu ghế khung gỗ của Canada và đồ nội thất phòng khách và phòng ăn chiếm 16,9% tổng trị giá nhập khẩu đồ nội thất phòng khách và phòng ăn của Canada.

Tận dụng tối đa lợi ích có được từ Hiệp định CPTPP, các mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam sẽ thâm nhập sâu vào thị trường Canada. Khai thác tốt thị trường này, các sản phẩm nội thất bằng gỗ của Việt Nam còn có cơ hội đẩy mạnh sang các thị trường khác trong khu vực Bắc Mỹ, bởi Canada được xem là một cửa ngõ để đi vào khu vực Bắc Mỹ.

Gỗ Việt