Thương chiến Mỹ - Trung và cuộc chiến chống gian lận xuất xứ: Nâng cao năng lực giám sát và phát hiện gian lận xuất xứ

13/09/2019 01:37
Thương chiến Mỹ - Trung và cuộc chiến chống gian lận xuất xứ: Nâng cao năng lực giám sát và phát hiện gian lận xuất xứ

Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang thêm một bước nữa, khi tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố, Mỹ sẽ bắt đầu áp thuế bổ sung 10% đối với 300 tỉ USD hàng hóa và các sản phẩm từ Trung Quốc vào đất nước chúng ta từ ngày 1/9. Điều này không bao gồm 250 tỉ USD hàng Trung Quốc đã chịu mức thuế 25%.

Và sự căng thẳng này càng tác động mạnh mẽ vào các ngành chế biến xuất khẩu của Việt Nam, không chỉ khiến chúng ta nhận diện rõ cơ hội, hay thách thức, mà việc phòng ngừa và hạn chế những rủi ro trong thương mại, đặc biệt là gian lận xuất xứ trong thời điểm nhạy cảm hiện tại được các ngành đặc biệt quan tâm. Trong cuộc họp mới đây giữa Bộ Công thương, Tổng cục hải quan và Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam VCCI, rất nhiều ý kiến đóng góp từ các chuyên gia, các nhà quản lý về kiểm soát gian lận thương mại được đưa ra, dưới đây là ghi nhận của Tạp chí Gỗ Việt về vấn đề này.

Ông Điền Quang Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu gỗ Bình Dương - BIFA

Ông Điền Quang Hiệp - Chủ tịch Hội chế biến gỗ tỉnh Bình DươngKhi Mỹ áp thuế 25% thì các doanh nghiệp Trung Quốc bị tác động nặng nề, chi phí tăng cao, lợi nhuận giảm, vì vậy, các doanh nghiệp Trung Quốc phải tìm cách thoát khỏi tình trạng này, con đường đơn giản là dịch chuyển xuất xứ. Có hai cách họ sử dụng trong vấn đề này, đó là dựa vào mối quan hệ kinh doanh trước đó để sản xuất chế biến tại Trung Quốc, nhưng vẫn có xuất xứ tại Việt Nam. Hai là dịch chuyển nhà máy qua Việt Nam, với dòng vốn đầu tư lớn để hấp dẫn các doanh nghiệp trong nước. Nhưng với sự dịch chuyển quá nhanh, chúng ta cần phải lưu ý về mặt chính sách, cần kiềm chế doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư như thế nào, để ngăn việc lợi dụng xuất xứ của Việt Nam và gây hại cho ngành chế biến sản xuất của chúng ta. Vì gian lận thương mại là một hình thức buôn lậu. Thuế Chính phủ Mỹ đánh vào thép và gỗ dán của chúng ta là do Mỹ phát hiện chứ không phải là do Việt Nam phát hiện. Đây là một nguy cơ lớn, tại sao Mỹ phát hiện được nhưng chúng ta không phát hiện được, nếu chúng ta chờ Mỹ áp thuế tới đâu, chịu tới đó thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng lớn.

Bà Nguyễn Thị Mai – Trung tâm xác nhận chứng từ VCCI

Hiện nay VCCI đã thành lập ban kiểm tra liên ngành phối hợp để kiểm tra đối với các mặt hàng có nguy cơ cao như gỗ dán, thủy sản, da giày hay dệt may. Chúng tôi kiểm tra chặt chẽ từ đầu năm 2018 và đã sử dụng một số biện pháp cấp bách như giảm chứng từ, nhưng cho đến thời điểm này đang phải áp lại. Chúng tôi đang đề nghị phối hợp với Tổng cục hải quan, vì thông tin dữ liệu về nguồn đầu vào và đầu ra là rất quan trọng để tránh việc gian lận xuất xứ. Do vậy, chúng tôi cần phải có được dữ liệu này từ Tổng cục hải quan, được tiếp cận thông tin nhanh hơn, đầy đủ hơn, vì áp lực cấp hồ sơ là rất lớn, nên phải có thông tin chính xác để không xảy ra tình trạng gian lận xuất xứ hàng hóa.

Ông Chu Thắng Trung, Phó cục trưởng Cục phòng vệ thương mại – Bộ Công thương

Trong thời gian qua, chúng tôi đã liên tục cảnh báo một số ngành hàng có nguy cơ bị nước ngoài điều tra về gian lận thương mại và xuất xứ, đặc biệt là từ Mỹ, với những ngành chế biến xuất khẩu có giá trị cao như thủy sản, da giày, gỗ và dệt may, nhưng chưa thể ngăn chặn tận gốc và giải quyết được rủi ro này. Hiện chúng tôi vẫn đang phải phối hợp và liên lạc thường xuyên với các nước, đặc biệt là Mỹ để có sự chủ động và bảo vệ kịp thời cho các doanh nghiệp trong nước. Đối với Bộ thương mại Hoa Kỳ, chúng ta phải hiểu rằng, họ làm việc tương đối bảo thủ, và có quan điểm cực kì chặt chẽ trong gian lận thương mại và xuất xứ. Chẳng hạn như trước đây, Mỹ áp thuế chống bán phá giá và trợ cấp đối với trường hợp là có sự lẩn tránh thật, có những trường hợp không phải. Ví dụ với ngành thép, trước đây Bộ thương mại Hoa Kỳ không xem đó là lẩn tránh thuế, nhưng hiện tại họ coi là lẩn tránh. Còn cơ quan Hải quan Hoa Kỳ tiếp cận cởi mở hơn, họ sẵn sàng phối hợp để hạn chế hành vi gian lận bất hợp pháp.

 Bà Nguyễn Thu Trang – Giám đốc trung tâm WTO – VCCI

Bà Nguyễn Thi Thu Trang - Giám đốc trung tâm WTO (VCCI)Theo tôi, việc chống gian lận theo hướng kiểm soát xuất xứ không phải là toàn diện nhất. Nên khó ở đâu thì xử lý ở đó. Hiện có các nguy cơ gian lận thương mại nhưng xuất phát từ các lý do khác nhau thì giải pháp và nguy cơ là khác nhau. Chẳng hạn như gian lận xuất xứ để tránh thuế chống bán phá và trợ cấp mà các thị trường đang áp dụng đối với các sản phẩm của Trung Quốc và các nước gần Việt Nam, để tránh thuế này họ đã chuyển sang Việt Nam. Đối với nhóm này nguy cơ cao nằm ở các sản phẩm mà Trung Quốc đang bị thuế chống bán phá giá. Nên chúng ta phải kiểm soát chặt xuất xứ và kiểm soát nguồn cung. Trong khi đó, nếu là gian lận xuất xứ để né thuế do căng thẳng thương mại lại rơi vào các mặt hàng có nguy cơ cao là Mỹ áp thuế với Trung Quốc mà Việt Nam có lợi thế mạnh, thì Việt Nam nên tập trung như thủy sản, đồ gỗ,… thì cần phải kiểm soát theo hướng nhìn vào mức độ tăng trưởng của các mặt hàng này để xử lý. Nhìn nhận nguy cơ từ số liệu có sự tăng trưởng bất thường thông qua báo cáo từ cơ quan hải quan và đầu tư nước ngoài. Trong khi với dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam để lẩn tránh thuế do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, thì cần phải tập trung vào các dự án FDI từ các nước đầu tư như Trung Quốc, Đài loan, Hồng Kông… các dự án này đầu tư vào ngành nào và đầu tư ở đâu để tập trung kiểm soát vào các công ty đó.

Đại diện từ  Tổng cục hải quan

Hiện tại, chúng tôi đã có danh sách các mặt hàng tăng đột biến trong thời gian qua, và cũng đã phối hợp với các đơn vị liên quan điều tra các hoạt động sản xuất, xuất khẩu mặt hàng gỗ dán, tấm gỗ dán veneer và các loại gỗ ghép của những công ty có sản lượng gỗ sản xuất, xuất khẩu lớn, có dấu hiệu tăng đột biến. Nhưng việc chống gian lận xuất xứ không phải chỉ riêng Tổng cục hải quan có thể xử lý hết được mà chúng tôi cần sự phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước khác để kiểm soát gian lận xuất xứ hàng hóa. Trước mắt, chúng tôi sẽ có cách cung cấp các số liệu hải quan cho các cơ quan khác để phối hợp giám sát hiệu quả nhất.

Gỗ Việt - Số 114, tháng 8/2019