Vì sao ngành gỗ liên tiếp đối mặt với các vụ kiện phòng vệ thương mại?
Gỗ là mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn của Việt Nam nhưng cũng là ngành hàng phải đối mặt nhiều với các vụ kiện phòng vệ thương mại từ các đối tác thương mại lớn...
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm 2022, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 8,5 tỷ USD, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết những năm gần đây, Việt Nam có mức tăng trưởng bứt phá, trở thành nước xuất khẩu gỗ đứng thứ 5 thế giới, riêng đồ mộc (bàn, ghế, giường, tủ) có giá trị gia tăng cao thứ 2 thế giới sau Trung Quốc. Riêng gỗ dán, tủ bếp chiếm 30% tỷ trọng nhập khẩu vào Mỹ.
HOA KỲ ĐỨNG ĐẦU CÁC VỤ KIỆN
Tuy nhiên, ngành này đang phải đối mặt với các vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại từ Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc, đặc biệt Hoa Kỳ gần đây liên tục khởi xướng điều tra sản phẩm gỗ dán cứng, sản phẩm tủ gỗ, bàn trang điểm Việt Nam.
Ngoài ra, trong các kỳ cảnh báo sớm của Bộ Công Thương với những sản phẩm của Việt Nam có nguy cơ bị điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh hoặc biện pháp phòng vệ thương mại thì gỗ cũng là ngành có nhiều sản phẩm nằm trong diện này nhất.
Giải thích nguyên nhân này, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cho rằng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm đồ gỗ sang Hoa Kỳ ngày càng tăng chính là nguyên nhân khiến ngành gỗ phải đối diện nhiều hơn các biện pháp phòng vệ thương mại.
Bên cạnh đó, việc tự do hoá thương mại, Việt Nam tham gia rất nhiều các hiệp định thương mại tự do cũng khiến các nước đều tăng cường các biện pháp phòng vệ thương mại, thậm chí còn là chủ nghĩa bảo hộ thương mại.
Bổ sung thêm, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thông tin rằng mỗi khi Trung Quốc bị áp thuế với đồ gỗ thì Việt Nam lại đứng trước nguy cơ bị kiện (nguy cơ kiện quét hoặc kiện chống lẩn tránh, mới đây có thêm kiện phạm vi sản phẩm).
Đơn cử, năm 2012, khi Hoa Kỳ áp thuế với gỗ ván sàn của Trung Quốc, trở thành nguy cơ Việt Nam bị kiện quét rất cao. Tháng 1/2018, Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp với gỗ dán Trung Quốc thì đến tháng 6/2020, Hoa Kỳ điều tra phạm vi sản phẩm và chống lẩn tránh với gỗ dán Việt Nam.
Đến tháng 4/2020, Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá đối với tủ gỗ Trung Quốc và đến tháng 5/2022, Mỹ điều tra phạm vi sản phẩm. Ngay sau đó, tháng 6/2022, Mỹ điều tra chống lẩn tránh với tủ gỗ Việt Nam.
“Ở thị trường Hoa Kỳ, nguy cơ phòng vệ thương mại luôn có, chỉ là lúc dày lúc thưa. Việt Nam xuất khẩu càng nhiều, càng có năng lực thì càng làm cho ngành sản xuất nội địa của Hoa Kỳ thấy có nguy cơ và chúng ta càng đứng trước những thách thức bị các ngành sản xuất của Hoa Kỳ đi kiện phòng vệ thương mại”, bà Trang phân tích.
DOANH NGHIỆP CẦN CÓ KỸ NĂNG PHÒNG VỆ
Để tránh rủi ro từ các vụ kiện, ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), cho rằng khi đứng trước các cáo buộc của nước nhập khẩu, doanh nghiệp Việt Nam cần tích cực tham gia vào quá trình điều tra để hạn chế số lượng doanh nghiệp bị áp thuế hoặc áp thuế mức độ thấp, đảm bảo kết quả xuất khẩu.
Ngược lại, nếu không có sự hợp tác nỗ lực của doanh nghiệp thì khả năng rủi ro bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại là rất cao.
Đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cũng đưa ra giải pháp theo hướng hiệp hội và Cục Phòng vệ Thương mại, Trung tâm WTO, cần tổ chức các khóa đào tạo tập huấn ngắn hạn để tăng cường nhận thức của doanh nghiệp về những rủi ro khi bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Tập huấn, huấn luyện một số kỹ năng để phòng vệ, tự vệ để ứng phó khi có sự cố.
Bởi theo Hiệp hội, thời gian qua doanh nghiệp rất lúng túng khi gặp phải những vụ kiện từ phía nước nhập khẩu nên thường bị liệt vào dạng không hợp tác hoặc không phản hồi… điều này rất rủi ro cho doanh nghiệp.
Bên cạnh ứng xử với các biện pháp phòng vệ nước ngoài, ở tầm quốc gia chúng ta cũng cần phải tăng cường các biện pháp phòng vệ.
“Ví dụ, đối với gỗ, mặt hàng tủ bếp thì cứ hai năm sau khi Trung Quốc bị áp thuế chống bán phá giá hoặc thuế trợ cấp thì Hoa Kỳ lại điều tra các mặt hàng tương tự xuất khẩu từ Việt Nam. Như vậy, trong thời gian lùi 2 năm này, nếu chúng ta đưa cảnh báo, nhận thức rõ ràng cho doanh nghiệp thì nhất định sẽ có những biện pháp hạn chế được những rủi ro không đáng có”, ông Hoài dẫn chứng.
Ngoài ra, các cơ quan đại diện thương mại ở nước ngoài có thể cung cấp thông tin sớm hơn, đầy đủ hơn và có nhiều những cảnh báo, khuyến nghị để các hiệp hội, doanh nghiệp có thể ứng phó kịp thời.
“Muốn đầu tư một sản phẩm gỗ như tủ bếp để xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, doanh nghiệp phải bỏ ra từ 5 đến 10 triệu USD. Nếu bị áp đặt các loại thuế phòng vệ thương mại hà khắc, doanh nghiệp có nguy cơ đối diện với rủi ro phá sản rất cao”, Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam chia sẻ.
Gỗ Việt (Nguồn vneconomy.vn)
- Hoa Kỳ mua đồ nội thất bằng gỗ nhiều nhất từ thị trường Việt Nam
- Ngành gỗ đối diện thách thức lớn
- Nội thất Việt phổ biến tại chuỗi siêu thị, xuất khẩu gỗ sang Canada mang về gần 134 triệu USD trong nửa đầu năm
- Doanh nghiệp Nga lạc quan về xuất khẩu sang thị trường Trung Đông, châu Á và châu Mỹ Latinh
- Thị phần đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Canada giảm
- Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ giảm tốc
- Thị trường Hoa Kỳ điểm đến nhiều nhất đồ nội thất bằng gỗ của Trung Quốc
- Việt Nam là thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ lớn thứ 8 cho EU
- Trung Quốc giảm nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam
- Tác động của xung đột Nga-Ukraina đối với ngành công nghiệp gỗ của Đức
-
VTV1 - Ngành gỗ thay đổi đáp ứng thị trường xuất khẩu
-
MIFF (Hội chợ đồ nội thất quốc tế Malaysia) khởi động cho mùa mua hàng Châu Á 2025
-
Ngành gỗ Việt Nam trước thay đổi của thị trường xuất khẩu
-
TavicoHome và điểm nhấn Lễ hội mua sắm “New Year New Home”
-
Tọa đàm Ngành gỗ Việt Nam trước thay đổi của thị trường xuất khẩu