Nguồn vốn FDI trong ngành gỗ: Đón nguồn vốn với sự thận trọng

02/12/2019 11:20
Nguồn vốn FDI trong ngành gỗ:  Đón nguồn vốn với sự thận trọng

Nguồn vốn đầu tư FDI một lần nữa trở thành đề tài được quan tâm nhất với ngành gỗ trong những ngày này, khi những yêu cầu về cơ chế kiểm soát chặt chẽ để tránh được gian lận thương mại cũng như có hiệu quả thật sự từ nguồn vốn này được đặt ra tại Hội thảo Thực trạng xuất nhập khẩu và chuyển dịch FDI trong ngành gỗ được tổ chức đầu tháng này.

Theo báo cáo Đầu tư nước ngoài vào ngành gỗ Việt Nam được trình bày tại hội thảo, đầu tư nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực chế biến gỗ tăng rất nhanh, đặc biệt kể từ năm 2018 trở lại đây. Trong số các quốc gia đầu tư, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc là quốc gia có số lượng dự án và quy mô vốn đầu tư lớn. Nhóm nghiên cứu cho thấy, tính đến hết tháng 9 năm 2019, ngành gỗ Việt Nam nhận được 67 dự án đầu tư mới, với tổng số vốn đầu tư trên 581 triệu USD, cao hơn 2,3 lần so với tổng vốn đăng ký cả năm 2018. Các dự án tập trung vào mảng chế biến gỗ và phân bố chủ yếu ở các tỉnh Đông Nam Bộ.

Tăng đầu tư, tăng nỗi lo

Để mở rộng sản xuất, nhiều doanh nghiệp FDI đã quyết định tăng vốn đầu tư, trong đó Hồng Kông (Trung Quốc) là vùng lãnh thổ có số lượt tăng vốn nhiều nhất với 10 lượt tăng vốn, tăng gấp 3 lần so với năm 2018. Tiếp đến là Trung Quốc, Hoa Kỳ và British Virgin Island. Số vốn tăng trong 9 tháng đầu năm đạt 200,4 triệu USD, cao hơn gần 1,8 lần số vốn tăng của năm 2018.

Sự mở rộng đầu tư FDI trên cả 3 hình thức là các dự án đầu tư mới, dự án tăng vốn mở rộng sản xuất và góp vốn thông qua hình thức mua cổ phần. Vốn đăng ký trung bình dự án mới 9 tháng là 8,7 triệu USD. Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu trong danh sách các quốc gia đầu tư vào lĩnh vực chế biến gỗ Việt Nam với 40 dự án, chiếm gần 60% trong tổng số dự án đầu tư.

Những con số này cho thấy, FDI có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của ngành gỗ. Nhưng cùng lúc với đó là những nỗi lo không nhỏ, đi kèm với các thách thức lớn, đó là vấn đề gian lận thương mại dưới hình thức đầu tư chui và đầu tư núp bóng (doanh nghiệp có thể thuê nhà máy, nhà xưởng của Việt Nam, nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc vào sơ chế rồi xuất khẩu sản phẩm với nhãn mác Việt Nam).

Doanh nghiệp FDI Trung Quốc đầu tư sản xuất gỗ dán tại Việt Nam - ảnh chụp tại Công ty TNHH Groll Plywood

Các chuyên gia nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, gian lận thương mại trong các mặt hàng ván đã trở thành rủi ro rất lớn cho ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam. Hiện cơ quan thương mại của Mỹ đang tiến hành điều tra một số công ty của Trung Quốc có dấu hiệu vi phạm gian lận thương mại đối với mặt hàng gỗ dán từ Việt Nam. Cơ quan thương mại Hàn Quốc và Ấn Độ cũng đang xem xét khả năng điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng tương tự của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này.

Theo ông Tô Xuân Phúc, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có thể tạo ra những cơ hội mới cho việc mở rộng đầu tư FDI vào lĩnh vực chế biến gỗ Việt Nam, bao gồm cả mở rộng về số lượng và kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI trong thời gian gần đây.

Tuy nhiên, như đã nói ở trên, hình thức đầu tư chui hay đầu tư núp bóng, là những rủi ro rất lớn cho ngành gỗ của Việt Nam. Vì vậy, việc kiểm soát rủi ro trong gian lận thương mại là một trong những vấn đề ưu tiên hàng đầu của ngành.

Đồng tình với ý kiến này, bà Trần Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm xác nhận chứng từ thương mại (VCCI) cho biết, thời gian qua việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) của đơn vị cho các doanh nghiệp gỗ đang chậm hơn so với các mặt hàng khác. Đặc biệt, các doanh nghiệp lần đầu tiên xin cấp C/O sẽ phải chờ lâu hơn nữa, vì để kiểm soát, ngăn chặn việc gian lận thương mại, đơn vị phải đi thực tế kiểm tra cơ sở sản xuất, từ nhà xưởng, trang thiết bị máy móc, để xem cơ sở có đủ năng lực sản xuất sản phẩm đó hay không mới cấp C/O. Đó là một trong những phương pháp cơ bản để loại trừ gian lận thương mại trong ngành gỗ.

                                                                                                           Bà Trần Thị Thu Hương - Giám đốc Trung tâm CO (VCCI)

Kiểm soát rủi ro thế nào?

Thu hút đầu tư FDI và nhờ nguồn đầu tư này các ngành có thêm nguồn vốn, phát huy thị trường, mở rộng thị phần, học hỏi về quản lý, công nghệ tiến bộ, đó là lý do chính khiến các cơ quan quản lý và các doanh nghiệp cần tiếp tục có chính sách thu hút vốn từ nước ngoài. 

Vì theo ông Nguyễn Tôn Quyền, ngành gỗ cần tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt hướng tới các nước như Mỹ và EU bởi đây là các quốc gia có thị phần và tiềm lực lớn, có thể hỗ trợ Việt Nam rất nhiều về công nghệ và kỹ năng quản lý. Thu hút FDI tốt nhưng cũng cần nhiều sửa đổi, vì chất lượng và hiệu quả thu hút nguồn vốn này chưa cao. Quy mô vốn đầu tư FDI  trong ngành gỗ rất thấp, còn nhiều khó khăn trong liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI.

 

 

Ông Nguyễn Tôn Quyền - Ban cố vấn Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam  

 

Còn Tô Xuân Phúc nhận định, để kiếm soát rủi ro, các cơ quản lý nhà nước cần bắt đầu bằng việc rà soát cả 3 loại hình đầu tư, bao gồm: đầu tư mới, các dự án tăng vốn và dự án mua cổ phần, nên ưu tiên rà soát các dự án đầu tư mới, có quy mô nhỏ, đặc biệt là 15 dự án đầu tư mới năm 2019, với vốn đăng ký dưới 1 triệu USD/dự án. Trong quá trình đó, các hiệp hội gỗ địa phương sẽ là kênh thông tin hữu hiệu giúp Chính phủ nắm được tình trạng đầu tư chui, đầu tư núp bóng, từ đó hình thành các cửa chốt quan trọng trong kiểm soát đầu tư FDI.

 

 

                                                                            Ông Tô Xuân Phúc - Chuyên gia phân tích chính sách, Tổ Chức Forest Trends

Và nhóm nghiên cứu báo cáo khuyến nghị, các cơ quan quản lý nhà nước nên thành lập tổ công tác đặc biệt để kiểm tra và xử lý vấn đề gian lận thương mại. Trong đó, tổ công tác cần bao gồm các cơ quan quản lý trực tiếp có liên quan như cơ quan phụ trách xuất nhập khẩu, phòng vệ thương mại, hải quan, đầu tư nước ngoài, cơ quan cấp C/O, và các hiệp hội gỗ.

Bên cạnh đó, cần có những chính sách hỗ trợ cho việc kết nối, trao đổi thông tin giữa các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy quá trình dịch chuyển về trình độ quản lý, lao động tay nghề cao, khoa học và công nghệ từ khối doanh nghiệp FDI sang khối doanh nghiệp nội địa.

Nam Anh - Gỗ Việt Số 117, tháng 11 năm 2019