Đào tạo trực tuyến về trách nhiệm giải trình trong nhập khẩu gỗ tại Việt Nam

18/09/2021 12:16
Đào tạo trực tuyến về trách nhiệm giải trình trong nhập khẩu gỗ tại Việt Nam

Việt Nam đã xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới trên 140 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Hiện, nhiều thị trường xuất khẩu, yêu cầu doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm giải trình khi đưa sản phẩm gỗ của mình ra thị trường. Nhằm giúp doanh nghiệp trong ngành minh bạch thông tin về nguồn gốc gỗ trong suốt chuỗi cung ứng, GIZ và Preferred by Nature tổ chức ra măt khoá học trực tuyến về Trách nhiệm giải trình trong nhập khẩu gỗ vào chiều ngày 16/9 vừa qua.

Sự kiện ra mắt thu hút sự tham gia của gần 250 đại biểu trong và ngoài nước đại diện cho các cơ quan quản lý nhà nước (kiểm lâm và hải quan), các doanh nghiệp, hiệp hội gỗ, các đơn vị nghiên cứu, đào tạo, các tổ chức dân sự xã hội, v.v. đã tham gia sự kiện trực tuyến từ xa

Phát biểu tại buổi ra mắt Nền tảng đào tạo trực tuyến về trách nhiệm giải trình trong nhập khẩu gỗ tại Việt Nam, bà Anja Barth - Cố vấn trưởng quản lý Dự án Hỗ trợ quá trình thực hiện VPA/FLEGT tại Việt Nam của GIZ - cho biết, nhiều nước, trong đó có Việt Nam, yêu cầu doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm giải trình khi đưa sản phẩm gỗ của mình ra thị trường. Khi tham gia vào khoá học trực tuyến này, các học viên sẽ có cơ hội hiểu thêm về Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam (VNTLAS) theo quy định của Nghị định 102/2020/NĐ-CP. Đồng thời, sẽ được thực hành xây dựng hệ thống trách nhiệm giải trình cho doanh nghiệp.

Bà Anja Barth - Cố vấn trưởng quản lý Dự án Hỗ trợ quá trình thực hiện VPA/FLEGT tại Việt Nam của GIZ phát biểu tại sự kiện

Theo ông Ngô Sỹ Hoài- Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, hiện chúng ta đang hội nhập sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đến nay, Việt Nam đang xuất khẩu sản phẩm gỗ tới trên 140 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau. Đảm bảo gỗ hợp pháp là vấn đề “tồn tại hay không tồn tại” của doanh nghiệp gỗ Việt. Mỗi doanh nghiệp cần trang bị kiến thức để thực hành tốt trách nhiệm giải trình vì chính sự tồn tại của doanh nghiệp mình và vì cả cộng đồng gỗ Việt.

Từ tháng 12/2020 đến tháng 4/2021, Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) đã phối hợp cùng GIZ để tổ chức 05 khoá tập huấn thử nghiệm về hệ thống trách nhiệm giải trình cho hơn 200 học viên từ các doanh nghiệp, hiệp hội gỗ đến từ các tỉnh thành nhập khẩu và chế biến gỗ trọng điểm như Bình Dương, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Nghệ An, .... Trên cơ sở góp ý của học viên, các mô-đun chương trình đào tạo đã được hoàn thiện và số hoá dưới dạng một khoá học trực tuyến mở cửa cho tất cả các cá nhân, tổ chức quan tâm cùng tham gia.

Tại khóa đào tạo này, các kiến thức cơ bản về nguyên tắc thực hiện trách nhiệm giải trình và cách áp dụng vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp gỗ thông qua các bài giảng chi tiết được thiết kế tỉ mỉ, kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý thuyết và các bài tập thực hành được xây dựng dựa trên các trường hợp thực tế và nội dung Hiệp định VPA/FLEGT được các chuyên gia truyền tải tới các doanh nghiệp, đặc biệt là các các doanh nghiệp nhập khẩu gỗ nhiệt đới ở Việt Nam.

Nền tảng khóa học trực tuyến hoàn toàn cung cấp miễn phí hứa hẹn là một công cụ đào tạo bền vững có khả năng tiếp cận nhiều doanh nghiệp gỗ và các cá nhân, tổ chức có quan tâm khác. Học viên truy cập khóa học qua đường link: https://traininghub.preferredbynature.org/courses/trach-nhiem-giai-trinh-trong-nhap-khau-go-tai-vietnam

Gỗ Việt