Doanh nghiệp xuất khẩu viên nén thích ứng với quy định của Nhật Bản

27/05/2024 13:01
Doanh nghiệp xuất khẩu viên nén thích ứng với quy định của Nhật Bản

Truy xuất nguồn gốc viên nén gỗ sang Nhật đang là một trong những yêu cầu được thị trường này đặt ra và buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải thích nghi với yêu cầu đó.

Nhà mua hàng Nhật Bản quan tâm đến tính hợp pháp của gỗ

Trong khuôn khổ chuyến công tác của Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tại Nhật Bản vừa qua, đoàn công tác đã dành thời gian tham dự các sự kiện: Tọa đàm song phương với Hiệp hội Năng lượng sinh khối Nhật Bản; Họp với đại diện Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản; Hội nghị Năng lượng sinh khối châu Á lần thứ 4. 

Tại các sự kiện này, Việt Nam đã chia sẻ thông tin về tình hình chế biến, thương mại gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam, những quy định pháp luật của Việt Nam về tính hợp pháp của gỗ nhằm góp phần thúc đẩy sản xuất, thương mại gỗ cũng như viên nén gỗ hợp pháp và bền vững giữa hai nước.

Tại các buổi làm việc, vấn đề về tính hợp pháp của gỗ, nhất là trong ngành sản xuất viên nén gỗ được cơ quan chức năng và các doanh nghiệp Nhật Bản đặc biệt quan tâm. Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Hiếu Minh - Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho hay, để sản xuất viên nén gỗ, các doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu từ gỗ rừng trồng trong nước và nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Với nguồn gỗ từ rừng trồng trong nước, Việt Nam hiện có trên 14,6 triệu ha rừng trồng, đã đáp ứng được 70-80% nhu cầu chế biến của ngành gỗ Việt.

Với nguồn nguyên liệu nhập khẩu, Việt Nam có quy trình quản lý rất nghiêm ngặt với 2 “bộ lọc” gồm nước rủi ro và loài rủi ro được quy định tại Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP của Chính phủ về Quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.

Trong trường hợp gỗ từ các loài không rủi ro và từ các vùng địa lý tích cực thì việc kiểm soát sẽ thuận tiện hơn vì đây là nguồn gỗ nguyên liệu sạch. "Với gỗ nguyên liệu từ vùng và loài rủi ro, chúng tôi yêu cầu bổ sung các giấy tờ để chứng minh tính hợp pháp của nguồn gốc gỗ. Gỗ nhập khẩu khi đưa vào Việt Nam được sử  dụng với rất nhiều mục đích, trong đó, có sử dụng cho quá trình sản xuất viên nén”, ông Trần Hiếu Minh thông tin.

Cũng theo ông Minh, theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay có thể truy xuất được nguồn gốc gỗ và cung cấp thông tin cho thị trường xuất khẩu khác nhau, trong đó có Nhật Bản. Hiện nay, việc quản lý chuỗi cung đối với thị trường trong nước và xuất khẩu không có sự phân biệt đối xử, tuy nhiên, sự phối hợp giữa các bên cũng rất quan trọng.

Nhật Bản hiện nay cũng đang áp dụng hình thức thực hiện trách nhiệm giải trình với các doanh nghiệp nhập khẩu của Nhật Bản. Trên cơ sở đó các doanh nghiệp Nhật Bản cũng thu thập thông tin để đảm bảo việc giải trình với cơ quan thẩm quyền Nhật Bản là những lô gỗ nhập khẩu là hợp pháp, căn cứ vào giấy tờ cũng như đánh giá mức độ rủi ro cũng như giảm thiểu những rủi ro từ nguồn gốc gỗ nhập khẩu.

Thông tin thêm về việc này, ông Nguyễn Thanh Phong - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Năng lượng sinh học Phú Tài - Chi hội trưởng Chi hội viên nén gỗ Việt Nam - cho hay, về gỗ nhập khẩu Việt Nam dùng cho nhiều mục đích, nhưng sử dụng nhiều nhất đó là sản xuất hàng đồ nội thất xuất khẩu đi thị trường Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản. Nguyên liệu còn thừa sẽ được đưa vào sản xuất viên nén gỗ. Hiện nay nguồn nguyên liệu này chiếm khoảng 30 - 40% tổng nguyên liệu sản xuất gỗ nén và tập trung ở khu vực Đồng Nai, Bình Dương, vì đây là khu vực tập trung nhiều nhà máy sản xuất đồ gỗ nội thất. Do đầu ra là thị trường EU, Hoa Kỳ,… nên yêu cầu về nguồn nguyên liệu đầu vào về truy xuất là rất lớn, do đó, nguồn đầu ra cho viên gỗ nén cũng được đảm bảo.

Lý giải về việc mặc dù Việt Nam có nguồn gốc gỗ rất lớn nhưng vẫn phải nhập khẩu gỗ nguyên liệu, ông Trần Quang Bảo - Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - thông tin, hiện Việt Nam đang là quốc gia xuất khẩu gỗ lớn thứ 2 thế giới (sau Trung Quốc) với kim ngạch khoảng 16-17 tỉ USD, trong đó, thị trường xuất khẩu chính là Hoa Kỳ. Về đầu vào nguồn nguyên liệu gồm từ rừng trồng và nhập khẩu.  

Đối với hàng nội thất cao cấp cần nguồn gốc gỗ chất lượng cao. Để thúc đẩy xuất khẩu đồ gỗ nội thất, Việt Nam tiếp tục nhập khẩu gỗ nguyên liệu. Các phế phẩm từ gỗ nhập khẩu (chiếm khoảng 20 - 30% tổng nguồn nhập khẩu gỗ) sẽ được sử dụng làm viên nén. Các nguồn gốc gỗ nhập khẩu này, nếu loài nguy cấp, quý hiếm thì thực thi theo Công ước CITES, còn các loài khác thì thực thi theo quy định vùng địa lý tích cực theo pháp luật Việt Nam.

“Các thị trường EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản,… là các thị trường yêu cầu rất chặt chẽ về quy định nguồn gốc gỗ hợp pháp, giảm phát thải, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên quy định của mỗi nước có những yêu cầu về giải trình khác nhau. Tiêu chuẩn chung thì gần như giống nhau”, ông Trần Quang Bảo thông tin.

Thích ứng để đẩy mạnh xuất khẩu

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, nhóm mặt hàng chính Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản là gỗ và sản phẩm nguyên liệu gỗ (HS 44), kim ngạch xuất khẩu của nhóm này trong năm 2023 đạt 1,27 tỷ USD, chiếm tới 76,9% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam sang Nhật Bản. Trong khi nhóm đồ gỗ (HS 9401 và HS 9403) chỉ chiếm 23,1% tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này.

Riêng với mặt hàng viên nén (HS 4401.31), năm 2023, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này với con số trên 2,8 triệu tấn, đạt 438,67 triệu USD, tăng 12,3% về lượng và 14,1% về giá trị so với năm 2022, chiếm 26,5% tổng kim ngạch xuất khẩu sang Nhật. Đây là mặt hàng đứng thứ 2 về giá trị xuất khẩu và là mặt hàng duy nhất có kim ngạch xuất khẩu tăng trong năm 2023 sang thị trường Nhật. 

Ông Tô Xuân Phúc - Chuyên gia phân tích chính sách Tổ chức Forest Trends - cho hay, Việt Nam xuất khẩu viên nén gỗ tăng mạnh từ năm 2018 tới nay, trong đó, thị trường chủ yếu là Nhật Bản và Hàn Quốc. Tuy nhiên, gần đây với sự biến động về giá của viên nén xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc sụt giảm, khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, đồng thời họ cũng đang tìm kiếm cơ hội khác. Bên cạnh nhu cầu sử dụng và cam kết phát thải cũng khiến nhiều doanh nghiệp Việt chuyển đổi sử dụng nguyên liệu xanh. Do vậy lượng viên nén đang dần tăng nhu cầu tại thị trường Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp sản xuất viên nén đang chuyển cung cho thị trường nội.

Tính cạnh tranh về nguyên liệu trong nước giữa 2 ngành sản xuất là viên nén và dăm gỗ cũng gay gắt, trong khi dăm gỗ xuất khẩu với giá đang cao hơn so với viên nén, khiến việc cạnh tranh về giá nguyên liệu.

Trở lại với thị trường Nhật Bản, do nhu cầu điện sinh khối tăng nên lượng nhập khẩu viên nén gỗ của thị trường này cũng tăng. Năm 2022, lượng nhập khẩu viên nén gỗ của thị trường này lên tới con số hơn 4 triệu tấn, hơn 50% nhập khẩu từ Việt Nam. Con số này dự kiến sẽ tăng mạnh vào năm 2025 - năm cao điểm các nhà máy điện sinh khối tại Nhật Bản vận hành. Hiện Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản) đưa ra các quy định liên quan tới tính bền vững, hợp pháp của gỗ. Trong đó có 3 phương pháp khai xác minh gồm: Chứng chỉ tự nguyện - FSC, PEFC (FM/CW); Xác nhận bởi các Hiệp hội gỗ trong ngành gỗ (Các Hiệp hội xây dựng bộ quy tắc ứng xử tự nguyện của mình và chứng nhận cho các công ty); Các doanh nghiệp nhập khẩu/mua hàng lớn tại Nhật tự quy định cơ chế kiểm soát nguồn gốc gỗ. 

Trao đổi với Tạp chí Gỗ Việt, ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam - cho hay, yêu cầu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản sử dụng nguồn gỗ có nguồn gốc rõ ràng ngày càng cao. Do đó, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các cơ quan liên quan của Chính phủ cập nhật thông tin và có những hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp ngành gỗ để có thể đáp ứng được các yêu cầu của thị trường xuất khẩu, giảm được tác động tiêu cực tới các hoạt động xuất khẩu của chúng tôi do các khó khăn này gây ra.  

Xuân Lâm (Gỗ Việt - Số 166)