Bắt tín hiệu phục hồi từ thị trường nhà bếp Hoa Kỳ

19/07/2023 06:09
Bắt tín hiệu phục hồi từ thị trường nhà bếp Hoa Kỳ

Một tín hiệu cho thấy thị trường Mỹ bắt đầu phục hồi dù còn chưa rõ nét, đó là doanh thu trên thị trường nội thất nhà bếp Hoa Kỳ dự kiến đạt 14,03 tỉ USD vào năm 2023.

5 tháng đầu năm 2023, mặc dù giảm tới 35,41% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, đạt trên 2,64 tỉ USD, chiếm tới 53% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ toàn ngành.

Và mặc dù các doanh nghiệp Hoa Kỳ nhập hàng tồn kho của doanh nghiệp Việt với giá thấp, ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội gỗ Bình Dương cho hay, đó là bởi có một vài nhà nhập khẩu tận dụng cơ hội mua hàng giá rẻ để đưa vào kho tích trữ đợi giá lên, tuy nhiên, lượng khách hàng này không nhiều. “Họ nhắm đến các đơn vị phá sản, với các dòng hàng có thể tiêu thụ được và đề nghị giảm giá 20 - 30% để thu mua”, ông Nguyễn Liêm chia sẻ. 

Nhưng ông cũng khẳng định, khi thị trường Mỹ có nhu cầu nhập khẩu đồng nghĩa có giải pháp. Chẳng hạn, một tín hiệu cho thấy thị trường Mỹ phục hồi dù còn chưa rõ nét, đó là doanh thu trên thị trường nội thất nhà bếp Hoa Kỳ dự kiến đạt 14,03 tỉ USD vào năm 2023. Kênh chỉ số Statista.com thông tin, doanh thu dự kiến nội thất nhà bếp Hoa Kỳ sẽ có tốc độ tăng trưởng hàng năm (giai đoạn 2023 - 2027) là 6,56%, dẫn đến khối lượng thị trường dự kiến là 18,09 tỉ USD vào năm 2027.

Riêng năm 2023, khối lượng thị trường nội thất nhà bếp dự kiến đạt 14,03 tỉ USD, phần lớn doanh thu được tạo ra ở Hoa Kỳ. Trong thị trường nội thất nhà bếp, dự kiến vào năm 2027, số lượng người dùng sẽ lên tới 35,19 triệu người. Tỉ lệ thâm nhập của người dùng sẽ là 7,9% vào năm 2023 và dự kiến sẽ đạt 10,1% vào năm 2027. Doanh thu trung bình trên mỗi người dùng (ARPU) cũng được dự kiến lên tới 0,52 nghìn USD.

Trước đó, theo khảo sát xu hướng kinh doanh hàng tháng của Hiệp hội các nhà sản xuất tủ bếp (KCMA), mức tăng tổng doanh số bán tủ trong tháng 4 đầu năm 2023 là 8,6% so với cùng thời điểm năm 2022.

Câu hỏi đặt ra, liệu thị trường đồ nội thất nhà bếp bằng gỗ đã bắt đáy và bước vào chu kỳ phục hồi? Về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Thông, Công ty TNHH MTV gỗ Hoàng Thông, đơn vị cung cấp nguyên liệu cho các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu tủ bếp vào thị trường Hoa Kỳ, cho biết, trong thời gian qua thị trường đồ gỗ nhà bếp có giảm nhưng không giảm sâu như các mặt hàng đồ nội thất khác. Tuy nhiên, với những doanh nghiệp làm và xuất khẩu trực tiếp thì sẽ làm tốt hơn so với các đơn vị làm qua các đơn vị trung gian.

Cũng theo ông Nguyễn Hữu Thông, thị trường đồ nội thất nhà bếp bằng gỗ bắt đầu có sự phục hồi, tín hiệu này cũng vừa mới xuất hiện. Nhưng về cơ bản chưa quay trở lại bình thường, nếu như trước đó, đồ gỗ nội thất nhà bếp giảm sâu tới 60% nay chỉ còn khoảng 40 - 50%. 

Ở góc thị trường và tệp khách hàng khác, mảng hàng gỗ xây dựng với dòng gỗ ghép thanh với thị trường xuất khẩu chủ yếu đi Nhật Bản và EU, đại diện Công ty Mộc Cát Tường - cho hay, đơn hàng rất ít, chủ yếu làm hàng cho thị trường nội địa. “Chưa bao giờ thấy khách hàng thông báo nghỉ hè lâu như vậy. Có những khách hàng hẹn tháng 9 này mới ngồi lại nói chuyện. Đấy là nói chuyện chứ cũng không biết chốt đơn như thế nào”, đại diện doanh nghiệp này chia sẻ và nhận định, triển vọng mặt hàng ghép thanh cao su phải đợi ít nhất đến hết năm 2023, nhưng cũng không nói trước được gì.

Việc chuyển hướng sang dòng hàng thấp cấp, theo các doanh nghiệp xuất khẩu, đây chỉ là giải pháp mang tính chất “chữa cháy” chứ không phải là giải pháp lâu dài, bền vững. Khó khăn nhưng không có nghĩa doanh nghiệp sẽ dừng lại. Một số doanh nghiệp tiến hành đa dạng sản phẩm, một số doanh nghiệp lựa chọn cắt gọn bớt các doanh nghiệp vệ tinh. Tất nhiên, xuất khẩu thời lạm phát, doanh nghiệp không có nhiều sự lựa chọn, và trong lúc chờ thị trường “rã băng”, các doanh nghiệp ngành gỗ vẫn đang xoay xở đủ mọi cách để duy trì sản xuất và giữ chân người lao động.  

Gỗ Việt (Số 156 - Tháng 6.2023)