Giữ vị thế trong đại dịch
“Chúng tôi vẫn kí được một số đơn hàng từ Malaysia khi nước này phải dừng hoàn toàn các cơ sở sản xuất, tuy không nhiều như trước nhưng rất quan trọng, nó là sự kết hợp của nhiều yếu tố từ đối tác, sự kết nối và niềm tin từ đối tác trong thời gian dài”, ông Vũ Hải Bằng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Woodlands nói với sự tự tin, khi doanh nghiệp ông điều hành trở thành điểm sáng của ngành gỗ trong thời gian này.
Nhận đơn hàng ngay trong tâm bão Covid-19 không phải chuyện đơn giản, khi thị trường thế giới gần như đóng băng vì Covid-19, các chuỗi cung ứng đứt gãy và bảo toàn sức khỏe mới là ưu tiên hàng đầu ở nhiều nước chứ không phải là chuyện mua bán hay sản xuất. Nhưng Woodlands là một trong số ít những doanh nghiệp gỗ Việt Nam chứng tỏ được khả năng thích ứng và sự mạnh mẽ của mình, cũng như giúp ngành gỗ Việt Nam giữ được vị thế trước tác động tiêu cực của dịch bệnh.
Vừa chống dịch, vừa sản xuất vừa bảo vệ doanh nghiệp cũng như thực hiện mục tiêu của ngành gỗ, và bảo đảm sức khỏe cho người lao động, đó là cách làm của Woodlands cũng như nhiều doanh nghiệp lớn trong thời điểm này.
Ngay cả những công ty FDI giàu kinh nghiệm đến từ Đài Loan, dù doanh số vẫn tăng, chi phối 65% giá trị xuất khẩu của ngành gỗ cũng đã phải dừng sản xuất để bảo toàn nhiều giá trị doanh nghiệp, mới thấy được nỗ lực và sức sống của doanh nghiệp gỗ trong nước lớn như thế nào khi phải đối mặt với vô vàn khó khăn.
Chính điều này sẽ tạo lợi thế, bởi khi tình hình ổn định doanh nghiệp FDI sẽ sản xuất trở lại nhưng họ sẽ tốn nhiều thời gian để khôi phục hoạt động nhà máy, tuyển thêm nhân công. Trong khi đó, doanh nghiệp trong nước có thể chuyển từ trạng thái “cầm chừng” sang gia tăng công suất nhanh hơn ngay khi có đơn hàng.
Cũng là một trong những doanh nghiệp có sức đề kháng tốt với dịch Covid-19, ông Huỳnh Quang Thanh, Giám đốc công ty Hiệp Long cho biết, việc đa dạng hóa thị trường, mở rộng hướng xuất khẩu tới những thị trường khác như Bắc Mỹ hay Trung Đông giúp công ty làm chủ được tình thế và giữ được sự ổn định trong sản xuất và tăng trưởng.
Chủ động và tăng kết nối thị trường và đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu là một trong những lý do giúp những doanh nghiệp nói trên tìm ra mạch nước để duy trì sự phát triển của doanh nghiệp nói riêng và của ngành gỗ nói chung.
Các doanh nghiệp này đã biết chú trọng vào vùng nguyên liệu tại chỗ, củng cố thị trường nội địa và xác định sản phẩm chiến lược để tránh phụ thuộc vào số ít thị trường trọng điểm. Và chính họ cũng là tấm gương để giúp các doanh nghiệp có thể định hướng lại chiến lược kinh doanh, xu hướng mới của ngành gỗ trên toàn cầu thời hậu Covid-19 là xây dựng một mạng lưới có nhiều mắt xích cung ứng (supply network) thay vì chuỗi cung ứng phụ thuộc vào một quốc gia như trước kia.
Và ngành gỗ Việt Nam cần sớm hình thành và đẩy mạnh các liên kết giữa các doanh nghiệp trong ngành, xây dựng chuỗi cung trong nước và phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, để vượt qua giai đoạn khó khăn này, củng cố nền tảng để chuẩn bị cho sự trở lại mạnh mẽ vào quý 4, thời điểm được dự báo là thị trường thế giới sẽ ổn định và tăng tốc trở lại.
Nam Anh – Gỗ Việt số 122, tháng 5/2020
- Ngành gỗ không đơn độc trong cuộc chiến chống Covid-19
- Ấn Độ khởi xướng điều tra chống bán phá giá mặt hàng ván sợi của Việt Nam
- Hàn Quốc xem xét áp thuế chống bán phá giá từ 9,18% -10,65% đối với mặt hàng gỗ dán của Việt Nam
- Ngành chế biến gỗ được bổ sung vào nghị định gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất
- Đại dịch COVID 19 khiến ngành gỗ đứng trước thảm cảnh không có đơn hàng kể từ tháng 4/2020 cho đến năm 2021
- Bảo vệ sức khỏe của ngành gỗ
- Hội thảo Ngành gỗ Việt Nam trong bối cảnh biến động thị trường: Thực trạng 2019 và dự báo 2020
- Gỗ sạch cho năm 2020:Vì một ngành gỗ bền vững
- Tạo chuỗi liên kết của niềm tin
- 50 container gỗ quý bị bắt ở Sài Gòn