Làng nghề mộc Liên Hà: những bước tiến của mô hình cụm làng nghề

27/09/2017 08:04
Làng nghề mộc Liên Hà: những bước tiến của mô hình cụm làng nghề

Sự thay đổi lớn nhất của làng nghề mộc Liên Hà có lẽ là sản phẩm cuối cùng phục vụ cho thị trường nào, trước đây, sản phẩm của làng nghề chủ yếu phục vụ cho thị trường Hà Nội, thì hiện tại đã mở rộng ra thị trường cả nước. Và quan trọng hơn, là đang hình thành thương hiệu đồ gỗ Liên Hà sau quá trình vận động không mệt mỏi của cả làng nghề. 

TỪ LÀNG NGHỀ MỘC...
400 trong tổng số 1.600 hộ vẫn làm nghề mộc là con số đáng tự hào với những người làm công tác quản lý ở Liên Hà. Ngoài nhân công trong làng nghề còn thu hút các thợ ở địa phương khác và lao động ở các khu vực lân cận. Có nghĩa, lao động chính của làng nghề chiếm 70%, còn lại 30% là từ nơi khác tới (làng nghề vệ tinh), với 400 -500 hộ sản xuất, kèm theo các hộ làm dịch vụ khác đã khiến tốc độ phát triển của Liên Hà thay đổi rất nhanh. 
Theo ông Nguyễn Văn Khải, ban quản lý cụm công nghiệp làng nghề, làng nghề chủ yếu vẫn làm mộc, một hộ chế biến gỗ sẽ kéo theo các hộ khác cung ứng dịch tương ứng như vận chuyển hàng hóa, vận chuyển gỗ nguyên liệu... Sự thay đổi thấy được chính là thị trường cung cấp sản phẩm, trước đây, sản phẩm của Liên Hà được chuyển về Hữu Bằng tới 50% để nhờ thương hiệu của làng nghề này. Nhưng hiện tại, con số này giảm xuống còn 30%, khi sản phẩm của Liên Hà bắt đầu thâm nhập thị trường trong cả nước, và tìm được chỗ đứng cho riêng mình so với các làng nghề truyền thống khác.
Theo ông Khải, có xưởng sản xuất hai năm trước chỉ bán riêng cho Hữu Bằng, nay đã phân phối trực tiếp tại các thành phố khác. Hoặc các sản phẩm gỗ trước đây chỉ bán buôn cho các cửa hàng lớn ở Hà Nội, thì nay đã tìm đến các thành phố lớn khác như Đà Nẵng, Quảng Ninh, hay Thành phố Hồ Chí Minh với đúng thương hiệu Liên Hà, và không còn phụ thuộc vào Hữu Bằng nữa. 
Bên cạnh đó, còn là sự thay đổi về ý thức tuân thủ các qui định về nguồn gỗ nguyên liệu, khi gỗ nhập khẩu từ Nam Phi như hương đỏ, hương xám luôn bảo đảm nguồn gốc xuất xứ, cũng như chất lượng sản phẩm. Trước năm 2014, các hộ chế biến ở Liên Hà thường sử dụng gỗ từ Lào với nhiều loại như xoan đào, gội, sâng hay còng. Dù chi phí tăng lên khiến lợi nhuận có giảm đi một chút, nhưng bù lại khối lượng sản xuất của làng nghề mộc Liên Hà lại tăng lên, và tạo ra một chuỗi các sản phẩm có thể tạo ra thương hiệu cho Liên Hà.
... ĐẾN CỤM CÔNG NGHIỆP LÀNG NGHỀ LIÊN HÀ 
Sự phát triển nhanh chóng của làng nghề trong vòng 3 năm qua đã thôi thúc những người làm công tác quản lý tìm ra hướng đi mới cho Liên Hà, đó là việc hình thành cụm công nghiệp làng nghề có tính chuyên biệt cao hơn, chỉ chế biến gỗ, không làm dịch vụ. 
Theo ông Nguyễn Văn Khải, với diện tích đất tại điểm công nghiệp 9.600 m2, với 226 hộ ở điểm công nghiệp, hoạt động theo chu trình hiện đại, như có máy xẻ riêng, có lò sấy riêng và xưởng hoàn thiện sản phẩm. Và một sản phẩm như vậy sẽ mất hơn một tháng chế biến, sẽ tạo ra một sản phẩm đúng qui cách, đúng tiêu chuẩn kĩ thuật cũng như yêu cầu của thị trường. Đảm bảo cho thương hiệu gỗ Liên Hà đứng vững trên thị trường, cũng như chinh phục được người tiêu dùng trong nước.  Các sản phẩm mũi nhọn mà Liên Hà hướng tới chính là giường và tủ, chiếm khoảng 70% khối lượng sản phẩm, vì đây là thế mạnh của Liên Hà trong quá trình tiếp cận và tìm hiểu thị trường nội địa. 
GỖ VIỆT số 93
VŨ HUY