Doanh nghiệp là đại sứ của Việt Nam

01/12/2016 11:17
Doanh nghiệp là đại sứ của Việt Nam

Nét văn hóa của doanh nghiệp Việt Nam là gì? Tôi nghĩ đó là câu hỏi mà mỗi doanh nghiệp sẽ có câu trả lời của riêng mình”. Đó là câu hỏi mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra cho các doanh nghiệp, doanh nhân tại lễ phát động cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam do Hiệp hội phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam tổ chức vào đầu tháng 11 vừa qua. 

LINH HỒN CỦA THƯƠNG HIỆU
 “Người ta thường nói để cạnh tranh thành công trên thương trường thì sự khác biệt rất quan trọng. Hai doanh nghiệp có thể cùng sản xuất ra một sản phẩm có công nghệ giống nhau nhưng khách hàng có thể lựa chọn mua sản phẩm của doanh nghiệp này mà không mua sản phẩm của doanh nghiệp kia. Bởi lẽ họ tin vào cách ứng xử, các nguyên tắc kinh doanh, tính cam kết và tính chuyên nghiệp của doanh nghiệp”, đó là phần mở đầu bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
 Văn hóa doanh nghiệp là linh hồn của thương hiệu, là yếu tố khác biệt bền vững của doanh nghiệp. Một doanh nghiệp tốt không chỉ là tài sản của doanh nghiệp mà còn là tài sản của quốc gia. Mọi quốc gia đều ra sức bảo vệ những thương hiệu của mình. Đó là lý do Chính phủ rất quan tâm đến chủ đề văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh và đạo đức kinh doanh” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. 
 Thủ tướng nhấn mạnh, lễ công bố ngày văn hóa doanh nghiệp Việt Nam (10-11) và phát động cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam là sự kiện quan trọng và có ý nghĩa to lớn không chỉ đối với đội ngũ doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp Việt mà còn có ý nghĩa với người dân và toàn xã hội.
 “Nhìn ra thế giới, chúng ta sẽ nhận thấy không một cường quốc kinh tế nào không có một nền văn hóa doanh nghiệp đặc sắc. Tại sao những quán ăn của Nhật Bản, Hàn 
Quốc lại có thể chinh phục khách hàng trên khắp thế giới? Tại sao những tập đoàn như Toyota, Sony, SamSung, apple, Ford…có thể tồn tại và phát triển nhiều thập niên, thậm chí cả trăm năm và khi gặp khủng hoảng, họ vẫn có thể đứng dậy, vượt lên…
TÌM NÉT VĂN HÓA CỦA DOANH NGHIỆP VIỆT NAM
 
“Nếu như doanh nghiệp Mỹ có đặc trưng của tính tự do, phóng khoáng, có thiên hướng thực dụng; doanh nghiệp Nhật có tính kỷ luật, sự tận tuỵ và tinh thần hợp tác mang thiên hướng gia đình; doanh nghiệp Hàn Quốc có đặc trưng là trung thành, trách nhiệm, tính cam kết cộng đồng rất cao; doanh nghiệp Đức thể hiện tính chính xác, thận trọng, kỷ luật, thực tế. Vậy nét văn hóa của doanh nghiệp Việt Nam là gì, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt câu hỏi. 
 “Tôi nghĩ đó là câu hỏi mà mỗi doanh nghiệp sẽ có câu trả lời của riêng mình. Nhưng tôi cho rằng các nguyên tắc cơ bản hay nói cách khác là những giá trị cốt lõi chính là nền tảng, là sức sống của văn hóa doanh nghiệp. Những nguyên tắc hay giá trị đó có thể là: liêm chính, sáng tạo, chuyên nghiệp, tận tụy hay trách nhiệm môi trường…” 
 Vì vậy, trong quá trình hội nhập quốc tế, văn hóa doanh nghiệp không chỉ là hình ảnh doanh nghiệp mà còn là hình ảnh quốc gia. Những cách ứng xử của một nhân viên bán hàng hay chủ quán ứng xử với người nước ngoài… cũng là hình ảnh của Việt Nam với bạn bè quốc tế và có ảnh hưởng đến sức hấp dẫn của ngành du lịch.
 Văn hóa doanh nghiệp, các nguyên tắc cơ bản, giá trị cốt lõi không thể tách rời khỏi tầm nhìn và sứ mệnh của doanh nghiệp. Những doanh nghiệp có nền tảng văn hóa mạnh cũng là những doanh nghiệp có tầm nhìn dài hạn và sứ mệnh tốt đẹp, biết hài hòa, cân bằng các lợi ích giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng, giữa lợi nhuận với lợi ích của cộng đồng, giữa các mục tiêu ngắn hạn với các phương châm phát triển bền vững.
 Xây dựng văn hóa doanh nghiệp chính là xây dựng lợi thế cạnh tranh, lợi thế thương mại và bản sắc Việt Nam trên sân chơi của nền kinh tế toàn cầu hóa của thế kỷ 21. Đó phải là một phần nhiệm vụ của Chính phủ kiến tạo, của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, đó phải là một phần không thể tách rời trong việc thực hiện mục tiêu xây dựng Việt Nam trở thành một quốc gia khởi nghiệp”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết lời cho vấn đề văn hóa doanh nghiệp. 
 GỖ VIỆT số 84
THEO GỖ VIỆT