Doanh nghiệp chế biến gỗ Đồng Nai CÓ LO NGẠI VỚI FLEGT?

27/12/2016 09:26
Doanh nghiệp chế biến gỗ Đồng Nai CÓ LO NGẠI VỚI FLEGT?

Hiệp hội Gỗ và Thủ công Mỹ nghệ Đồng Nai (DOWOOHA) có khoảng 50 Hội viên, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ. Thị trường chính của các công ty hội viên là thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc,.... Không nhiều Hội viên trực tiếp xuất đi EU, nhưng Hiệp hội đã hướng các hội viên tích cực và chủ động chuẩn bị thích ứng với thực thi FLEGT.

 

Tại Hội thảo tổng kết dự án: Tăng cường năng lực cho các DN VVN nhằm đáp ứng các yêu cầu của FLEGT tổ chức tại Hồ Chí Minh, bà Trúc Phan - UB BCH Hiệp hội Gỗ và Thủ công Mỹ nghệ Đồng Nai (DOWOOHA), Phó TG công ty Nhất Nam chia sẻ, việc cập nhật và tiếp cận các thông tin về FLEGT trong suốt thời gian qua đã giúp cho các doanh nghiệp hội viên tại Đồng Nai có được hiểu biết đầy đủ hơn về Hiệp định này. Dù thực tế thị trường của các hội viên không nằm ở châu Âu, nhưng đây là thị trường chiến lược nên tất cả đều rất quan tâm đến thông tin này.
 Đối với Nhất Nam một điều khá thuận lợi cho hoạt động sản xuất của 
công ty đối với hàng xuất khẩu sang thị trường châu Âu là công ty đang sử dụng nhiều nguyên liệu nhập khẩu từ các nước Mỹ, Đức, Pháp, New Zealand, có nguồn gốc tương đối rõ ràng. Tuy nhiên, xu hướng sử dụng nguyên liệu nội địa như gỗ tràm, keo lai, gỗ cao su,… không ngừng tăng lên, đồng nghĩa với việc gia tăng sự quan tâm của các công ty sản xuất gỗ đối với dự án, bởi vì việc chứng minh nguồn gốc cho nguyên liệu nội địa nhằm đáp ứng yêu cầu của FLEGT là không hề dễ dàng. 
 Trong quá trình chia sẻ thông tin về yêu cầu của  FLEGT đối với các Hội viên, chúng tôi tiếp nhận một số thông tin cụ thể đáng lưu ý từ các nhà sản xuất gỗ có sản phẩm xuất khẩu sang thị trường châu Âu, chẳng hạn như không phải nhà nhập khẩu 
nào ở châu Âu cũng biết rõ là EUTR yêu cầu những gì, và bản thân họ cũng đánh giá vài điểm trong EUTR còn chưa rõ ràng, dễ gây tranh cãi, thậm chí họ cũng không hiểu được chính xác toàn bộ nội dung. 
 Điều này dẫn đến việc nhà mua hàng ở châu Âu có thể đòi hỏi quá mức cần thiết một số chứng từ để chứng minh tính hợp pháp của gỗ, và đối với nhà sản xuất Việt Nam, một số yêu cầu là “không thể thực hiện”, do đặc thù kinh doanh và khai thác ở Việt Nam, cụ thể là ở từng vùng miền lại có khả năng khác nhau. 
 Với lý do đó,  việc nhà sản xuất càng nắm được nhiều thông tin về yêu cầu của FLEGT thì họ càng có lợi cho việc xuất khẩu của mình, vì họ có khả năng “tranh luận” với người mua hàng về tính thực tế và sự đầy đủ của việc cung cấp thông tin. 
 Trước những diễn biến đó, DOWOOHA cập nhật thông tin cho hội viên về nhà cung cấp và thị trường được đánh giá là có rủi ro thấp, bộ công cụ để nhà sản xuất có thể tự thực hành thử về khả năng đáp ứng yêu cầu đối với từng doanh nghiệp, từ đó nâng cao khả năng nhận biết của nhà sản xuất. Ngoài ra, đối với nhiều nhà sản xuất vừa và nhỏ (theo quy định của pháp luật VN), còn chưa đáp ứng được một số quy định của chính phủ VN, ví dụ như tuân thủ đúng và đủ các quy định về phòng cháy chữa cháy, vệ sinh an toàn lao động, sổ sách đầu vào và đầu ra,… Một số doanh nghiệp thừa nhận hệ thống lưu trữ thông tin của họ “có vấn đề” và gặp nhiều khó khăn khi nhà mua hàng yêu cầu cung cấp tài liệu truy xuất nguồn gốc gỗ.
 Thật sự nhiều nhà sản xuất nhận thấy yêu cầu của FLEGT là một “rào cản” trong việc xuất khẩu của họ sang thị trường châu Âu. Tuy nhiên đa phần các DN hội viên đều hiểu rằng không có con đường nào khác để tiếp cận thị trường rất tốt này. Cho nên tiếp tục cần thêm các thông tin được cập nhật liên quan đến các vấn đề khó khăn mà doanh nghiệp vừa và nhỏ lo ngại về vấn đề FLEGLT - đó cũng là đề nghị từ DOWOOHA nói riêng và các doanh nghiệp chế biến gỗ nói chung. 
Theo Gỗ Việt