Lưu ý về ghi nhãn hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu

17/11/2022 18:07
Lưu ý về ghi nhãn hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu

Trong chỉ đạo về tăng cường chống gian lận, giả mạo xuất xứ, vấn đề ghi nhãn hàng hóa được Tổng cục Hải quan đặc biệt lưu ý các đơn vị Hải quan địa phương.

 

Kiểm soát chặt nhãn mác

Đối với hàng hóa xuất khẩu, cơ quan Hải quan tập trung kiểm tra các sản phẩm hàng hóa là đồ gỗ nội thất, các sản phẩm từ nhựa, lốp xe cao su, dao, kéo, bộ đồ ăn, xe máy địa hình xuất khẩu đi các nước Mỹ, châu Âu...

Trong đó, chú trọng kiểm tra việc ghi nhãn và xuất xứ hàng hóa thực hiện theo đúng quy định tại Điều 10 và Điều 15 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 5 và khoản 7 Điều 1 Nghị định số 111/2021/NĐ-CP ngày 9/12/2021 của Chính phủ.

Trường hợp hàng hóa được sản xuất tại Việt Nam, trên hàng hóa, bao bì hàng hóa xuất khẩu thể hiện xuất xứ Việt Nam như các cụm từ: “sản xuất tại Việt Nam”; “chế tạo tại Việt Nam”; “nước sản xuất Việt Nam”; “xuất xứ Việt Nam”; “sản xuất bởi Việt Nam”; “sản phẩm của Việt Nam” thì kiểm tra việc đáp ứng tiêu chí xuất xứ Việt Nam theo Hiệp định thương mại tự do, thỏa thuận quốc tế tương ứng hoặc theo quy định tại Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 8/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa và Thông tư số 05/2018/TT-BCT ngày 3/4/2018 của Bộ Công Thương quy định về xuất xứ hàng hóa hoặc xác định trước xuất xứ hàng hóa.

Trường hợp hàng hóa được sản xuất tại Việt Nam nhưng trên hàng hóa, bao bì hàng hóa thể hiện xuất xứ của nước ngoài không phải xuất xứ Việt Nam (ví dụ như: xuất xứ Nhật Bản, xuất xứ Hàn Quốc, xuất xứ Thái Lan...), khi kiểm tra thực tế, cơ quan Hải quan yêu cầu người khai hải quan cung cấp hợp đồng gia công, sản xuất xuất khẩu nếu việc ghi nhãn hàng hóa theo thỏa thuận tại hợp đồng hoặc cung cấp tài liệu hoặc trang web... có thể hiện việc ghi nhãn thực hiện theo quy định của nước nhập khẩu.

Đối với hàng hóa nhập khẩu, Tổng cục Hải quan chỉ đạo tập trung kiểm tra các sản phẩm hàng hóa là thực phẩm, rượu, bia, hàng bách hóa, điện, điện tử gia dụng, mỹ phẩm, hàng thời trang, dược phẩm nhập khẩu từ các thị trường trọng điểm để kinh doanh tiêu dùng tại Việt Nam.

Việc kiểm tra nhãn và xuất xứ hàng hóa thực hiện theo hướng dẫn tại công văn số 5189/TCHQ-GSQL ngày 13/8/2019 của Tổng cục Hải quan và các văn bản có liên quan.

Trong đó, các cục hải quan lưu ý kiểm tra hàng hóa nhập khẩu phải có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài hoặc tiếng Việt khi làm thủ tục thông quan, thông tin nhãn gốc thực hiện theo đúng quy định tại Điều 10 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 5 Điều 1 Nghị định số 111/2021/NĐ-CP ngày 9/12/2021 của Chính phủ.

Trường hợp nhập khẩu hàng hóa không có nhãn hoặc nhãn tách riêng ngoài sản phẩm hoặc bao bì của sản phẩm để lẩn tránh xuất xứ, các đơn vị kiên quyết xử lý theo đúng quy định tại Nghị định 128/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan và Nghị định số 126/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ về sửa đổi bổ sung một số điều của các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp; tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ năng lượng nguyên tử và không cho thông quan.

Tổng cục Hải quan cũng hướng dẫn các đơn vị hải quan địa phương kiểm tra giám sát hàng hóa chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Kịp thời phát hiện hành vi vi phạm

Liên quan đến công tác chống gian lận xuất xứ, thời gian qua, cơ quan Hải quan đã phát hiện một số vụ việc đáng chú ý.

Cụ thể, tháng 8/2022, Cục Hải quan Hải Phòng đã chuyển hồ sơ một vụ vi phạm liên quan đến hàng hóa giả mạo và kiến nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an Hải Phòng) xử lý hình sự. Vụ việc liên quan đến 1 container hàng nhập khẩu do một công ty có trụ sở tại TPHCM thực hiện.

Kết quả kiểm tra thực tế và quá trình xác minh xác định hàng nhập khẩu là mũi khoan, mũi đục các loại, nhiều kích thước mang các nhãn hiệu: Bosch, Avatar, Soyi, Makita và tem dán nhãn hiệu Bosch, mới 100%, xuất xứ Trung Quốc.

Tuy nhiên, các chủ sở hữu/đại diện chủ sở hữu nhãn hiệu xác định hàng hóa mang các nhãn hiệu: Bosch, Avatar, Makita là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu.

Trong khi đó, hàng hóa mang nhãn hiệu Soyi được Viện khoa học Sở hữu trí tuệ xác định là yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu.

Trị giá tang vật vi phạm của cả lô hàng hơn 4 tỷ đồng. Trong đó hàng giả có trị giá hơn 3 tỷ đồng, hàng xâm phạm quyền có trị giá 1 tỷ đồng.

Gần đây, Hải quan Lạng Sơn cũng phát hiện vụ 2.040 đôi giày nam, ký hiệu MURT giả mạo xuất xứ Việt Nam; 1.300 chiếc ô câu cá nhãn hiệu RYUKI có nhãn ghi không đủ nội dung bắt buộc; 344 kg mặt khóa thắt lưng và 600 chiếc thắt lưng nam không có nhãn hàng hóa. Sau khi kiểm tra thực tế hàng hoá, Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị (Cục Hải quan Lạng Sơn) đã lập Biên bản vi phạm hành chính số 625/BB-VPHC đối với Công ty Bảo Tín và chuyển biên bản vi phạm cùng hồ sơ vụ việc về Cục Hải quan Lạng Sơn để xem xét xử lý theo quy định.

Ngày 29/9/2021, qua kiểm tra lô hàng nguyên liệu để gia công, sản xuất xuất khẩu của Công ty TNHH Hàng thủ công Xin Dong Ya Việt Nam (địa chỉ tại Lô 61A KCN Long Giang, xã Tân Lập 1, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang) qua máy soi container, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 (Cục Hải quan TPHCM) phát hiện hình ảnh soi chiếu có nghi vấn hàng thực nhập không đúng với khai báo của doanh nghiệp trên tờ khai hải quan.

Tiến hành kiểm tra thực tế 100% lô hàng, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Mỹ Tho (Cục Hải quan Long An) phát hiện toàn bộ hàng hóa trong container không phải là nguyên liệu mà là thành phẩm 194.700 cái túi xách thân thiện với môi trường các loại, đóng trong các thùng carton ghi “Made in Việt Nam”.

Ngày 16/11, Cục Hải quan Long An cho biết, UBND tỉnh Tiền Giang vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Hàng thủ công Xin Dong Ya Việt Nam về hành vi nhập khẩu hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam và khai sai so với thực tế đối với hàng hóa nhập khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế theo quy định của pháp luật.

Theo đó, Công ty TNHH Hàng thủ công Xin Dong Ya Việt Nam đã bị xử phạt 5 triệu đồng đối với hành vi khai sai so với thực tế đối với hàng hóa nhập khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế theo quy định của pháp luật; bị phạt tiền 100 triệu đồng đối với hành vi nhập khẩu hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam.

Đồng thời, Cục Hải quan Long An đã xử phạt bổ sung tịch thu tang vật vi phạm gồm 194.700 cái túi xách thân thiện với môi trường các loại trị giá trên 642 triệu đồng theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Nghị định số 128/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan.

Gỗ Việt (Nguồn haiquanonline.com.vn)