Ngành gỗ và bài toán lao động

30/10/2019 09:17
Ngành gỗ và bài toán lao động

Áp lực tiến độ giao hàng ngày càng lớn, trong khi đó, ngành gỗ đang chịu sự cạnh tranh khốc liệt về nguồn lao động đối với khối doanh nghiệp FDI… Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp buộc phải tìm giải pháp để nâng cao năng suất lao động.

Theo báo cáo của Tổng Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện cả nước có khoảng 5.539 doanh nghiệp, trong đó có 2.372 doanh nghiệp trực tiếp xuất khẩu, 662 doanh nghiệp FDI và 340 làng nghề chế biến gỗ, với hơn 420.000 lao động thường xuyên tại các nhà máy chế biến gỗ và lâm sản và hàng triệu lao động gián tiếp có liên quan. Hiện kỹ sư chế biến lâm sản, thiết kế nội thất chỉ chiếm 1 - 2%; 20 - 30% lao động được đào tạo bài bản, còn lại là lao động phổ thông (70 - 80%) chưa qua đào tạo. GS.TS. Trần Văn Chứ - Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp - nhận định: Ngành gỗ đang thiếu trầm trọng lao động có trình độ cao. Công nghệ chưa tiên tiến, lao động phổ thông nhiều nên năng suất lao động của ngành gỗ thấp, chỉ bằng 50% so với Philipines, 40% Trung Quốc và 20% Liên minh châu Âu (EU). Trong khi đó, sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam về nguồn nhân lực ngành gỗ càng khốc liệt. Theo thống kê của Cục Đầu tư Nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 9 tháng 2019 Việt Nam tiếp nhận 75 dự án đầu tư mới về gỗ và đồ gỗ với tổng số vốn 633,668,550 USD.

Trái với ý kiến nhận định Việt Nam sẽ được hưởng lợi khi các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Sỹ Thành - Giám đốc Chương trình nghiên cứu kinh tế Trung Quốc - Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội - cho rằng, việc này thực chất lại tạo ra rất nhiều áp lực cho doanh nghiệp trong nước. Giá nhân công, giá bất động sản công nghiệp sẽ tăng lên, cạnh tranh về nhân công, về nguyên phụ liệu sẽ khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam đuối sức, thậm chí phải từ bỏ thị trường. Trong bối cảnh vấn đề thiếu hụt lao động đang khiến các doanh nghiệp nói chung và ngành gỗ nói riêng “đau đầu” tìm hướng giải quyết thì tại Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã kiến nghị giảm giờ làm của khu vực doanh nghiệp xuống 44 giờ mỗi tuần để giảm bớt sự bất bình đẳng giữa hai khối. Việc tuyển dụng lao động đang gặp nhiều khó khăn. Nếu giảm giờ làm việc buộc các doanh nghiệp phải tuyển dụng thêm lao động hoặc đầu tư vào máy móc, làm tăng thêm chi phí. 

Để tháo gỡ khó khăn trên, nhiều doanh nghiệp đã bỏ ra hàng chục tỷ đồng thậm chí hàng trăm tỷ đồng mua sắm máy móc thay thế sức người. Mặc dù phải mất vốn đầu tư ban đầu lớn nhưng so với việc phải chạy đôn chạy đáo tìm nhân công hoặc bị phạt vì giao hàng chậm tiến độ thì phương án này vẫn lợi hơn. Thực tế, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư công nghệ cao với các dây chuyền sản xuất tự động hoá. Tại Nhà máy chế biến gỗ MIFACO (Bình Dương), theo chia sẻ từ Ban Giám đốc, Công ty giảm từ 1.000 lao động xuống còn 800 lao động cho cùng công suất; Nhà máy chế biến gỗ VINAFOR (Đà Nẵng), giảm từ 290 lao động xuống còn 250 lao động trong khi năng suất tăng từ 20 cont’/ tháng lên 22 cont’/tháng.

Trong bối cảnh cạnh tranh lao động ngày càng lớn, yêu cầu tăng năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm rất cần thiết. Công nghệ cao bắt buộc các dây chuyền sản xuất sẽ tự động hoá, điều khiển số và áp dụng trí tuệ nhân tạo và đương nhiên sẽ đòi hỏi nhân lực phải có trình độ cao. GS.TS. Trần Văn Chứ - khuyến nghị, cần xây dựng và hoàn thiện chiến lược tổng thể phát triển nguồn nhân lực chế biến lâm sản chất lượng cao. Coi trọng và tạo dựng một bước tiến mới trong công tác đào tạo nghề. Phải xác định rõ, đào tạo nghề là loại hình phát triển nguồn nhân lực quan trọng trong chiến lược của Ngành. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần chủ động liên kết với các trường đào tạo nghề để có thể đào đạo được lao động đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi sẽ tiếp tục được trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 8, khai mạc ngày 21/10. Trước những ý kiến không đồng thuận cả về phía người lao động và người sử dụng lao động, Phó chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề Xã hội Bùi Sỹ Lợi cho hay, trước mắt, xin phép Quốc hội cho giữ quy định về thời giờ làm việc bình thường như Bộ luật hiện hành. Điều này sẽ giúp giảm bớt áp lực về lao động cho ngành gỗ nói riêng và nhiều ngành nghề khác. Dự báo đến năm 2020 cần khoảng 64.000 người có trình độ đại học, trên đại học và 266.860 công nhân; đến năm 2025 cần 106.800 người có trình độ đại học, trên đại học và 445.200 công nhân.

NGUYỄN HẠNH - GV116