Sản phẩm gỗ Việt trước thách thức truy xuất nguồn gốc
Là nước xuất khẩu lâm sản đứng đầu trong khối ASEAN nhưng nguồn nguyên liệu có chất lượng và hợp pháp của Việt Nam lại hạn chế. Việc các quốc gia lựa chọn thị trường gỗ nhập khẩu đảm bảo 100% gỗ hợp pháp đòi hỏi nhiều doanh nghiệp (DN) phải thay đổi nhận thức, nếu không muốn “hàng bị trả về” như thủy sản xuất khẩu đã từng đối mặt.
Khai thác keo tràm, đưa đi xuất khẩu ở các tỉnh miền Trung. Ảnh: PV
Xuất khẩu gỗ tăng trưởng mạnh
Năm 2008, cả nước có khoảng 2.500 DN thì đến nay đã có khoảng 4.500 DN kinh doanh, chế biến gỗ và lâm sản, bao gồm 3.900 DN trong nước và 600 DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), trong đó các DN vừa chế biến vừa trực tiếp xuất khẩu khoảng 1.500 DN. Các DN chế biến gỗ và lâm sản chủ yếu ở khu vực tư nhân (khoảng 95%); theo quy mô sản xuất thì DN có quy mô nhỏ và siêu nhỏ (vốn điều lệ dưới 50 tỷ đồng) chiếm khoảng 93%, còn lại là các DN quy mô vừa và quy mô lớn (có vốn điều lệ trên 50 tỷ đồng).
Về công nghệ sản xuất, các doanh nghiệp đã chú trọng đầu tư nhiều thiết bị hiện đại với hệ thống dây truyền sản xuất tự động, sản xuất được với nhiều chi tiết sản phẩm phức tạp, tiết kiệm nguyên vật liệu trong quá trình sản xuất. Điều này đã giúp các DN sản xuất được nhiều mặt hàng cao cấp, có chất lượng.
Trong 10 năm qua, từ chỗ phải nhập khẩu phần lớn máy móc, thiết bị, thì đến nay, ngành công nghiệp chế tạo cũng đã có sự phát triển và đã gia tăng tỷ lệ nội địa hóa. Cách đây 3 năm, từ chỗ phải nhập khẩu, chưa ai nghĩ có ngày Việt Nam xuất khẩu máy chế biến gỗ và dầu màu trang sức bề mặt, thì nay thực tế các sản phẩm này do Việt Nam sản xuất đã hiện diện tại các thị trường như Bolivia, Myanmar, Campuchia…
Về số lượng lao động làm việc trong các DN chế biến gỗ và lâm sản cũng có sự gia tăng, đến nay có khoảng 500 nghìn lao động, trong đó lao động được đào tạo, làm việc ổn định chiếm 55-60%, còn lại là lao động giản đơn theo mùa vụ. Nếu thống kê số lượng lao động trong lĩnh vực trồng rừng, cung cấp nguyên liệu thì ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản còn thu hút hàng triệu lao động ở khu vực nông thôn miền núi.
Trong 7 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu sản phẩm đồ gỗ và lâm sản đạt kim ngạch 5,3 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2017. Với kết quả xuất khẩu lâm sản của 7 tháng qua, hy vọng ngành công nghiệp chế biến lâm sản tiếp tục duy trì được sự tăng trưởng xuất khẩu trong 5 tháng cuối năm để đạt được 9 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu lâm sản trong cả năm 2018.
Thị trường xuất khẩu gỗ và lâm sản đã có nhiều biến chuyển mạnh mẽ, nếu như trước đây chỉ tập trung vào các thị trường trung chuyển như Singapore, Hàn Quốc… để tái xuất khẩu sang nước thứ ba, thì đến nay đồ gỗ Việt Nam đã xuất khẩu trực tiếp được sang 120 nước và vùng lãnh thổ. Các thị trường xuất khẩu gỗ và lâm sản lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm qua là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU và Hàn Quốc.
Thách thức truy xuất nguồn gốc sản phẩm gỗ
Báo cáo tổng quan về ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu của Bộ NNPTNT mới đây cho thấy, với sự đòi hỏi ngày càng cao về sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc, xuất xứ hợp pháp của một số thị trường lớn nhập khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam như Hoa Kỳ, Châu Âu, Australia, các doanh nghiệp xuất khẩu đã chủ động hoàn thiện hệ thống quản lý sản xuất và hợp tác với người dân trồng rừng để cung cấp, sử dụng nguyên liệu có chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế để thích ứng với yêu cầu của các thị trường.
Tuy vậy, ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu đang đứng trước nhiều thách thức lớn. Theo Bộ NNPTNT, do yêu cầu bảo vệ môi trường ngày càng cao, dẫn đến việc nhiều nước ban hành các quy định về truy xuất nguồn gốc gỗ đảm bảo 100% hợp pháp, gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững.
Thí dụ như Australia đã ban hành Luật Cấm khai thác gỗ bất hợp pháp năm 2012, Nhật Bản ban hành Đạo luật Gỗ sạch có hiệu lực vào tháng 5.2017, Hàn Quốc ban hành Luật Sử dụng gỗ bền vững có hiệu lực từ tháng 3.2018. Do đó, việc lựa chọn thị trường gỗ nhập khẩu đảm bảo 100% gỗ hợp pháp là một thách thức với DN và đây cũng là thách thức khi giá nguyên liệu gỗ đầu vào sẽ tăng lên, ảnh hưởng đến tính cạnh tranh của sản phẩm.
Bên cạnh đó, chất lượng gỗ nguyên liệu khai thác từ rừng trồng trong nước còn thấp do rừng khai thác sớm ở tuổi non, gỗ có đường kính nhỏ. Mặc dù khối lượng gỗ khai thác từ rừng trồng lớn nhưng số lượng dùng để chế biến đồ gỗ nội, ngoại thất còn hạn chế.
Thời gian tới Việt Nam vẫn phải nhập khẩu khoảng từ 20-30% nhu cầu nguyên liệu; trong khi đó các quốc gia cung cấp nguyên liệu lớn cho Việt Nam trong khu vực thời gian qua đã và đang có các chính sách quản lý chặt chẽ, hạn chế khai thác và xuất khẩu.
Đa số các DN trong nước chưa hình thành được hệ thống phân phối hàng hóa; hoạt động tiếp thị quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại chưa được quan tâm thích đáng; năng lực cạnh tranh còn thấp; nhiều DN hoạt động theo kiểu đơn lẻ, thiếu liên kết trong sản xuất, kinh doanh.
Tham luận Hội nghị “Định hướng, giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu” tổ chức tại TPHCM mới đây, ông Nguyễn Tôn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản VN - cho rằng, khối lượng gỗ nhập khẩu hàng năm rất lớn và từ nhiều thị trường khác nhau. Chính sách xuất khẩu của các nước cũng khác nhau. Các thị trường chính Việt Nam nhập khẩu gỗ nguyên liệu: từ các nước có nguồn nguyên liệu có tính pháp lý cao như như Mỹ, Chile, Newzeland, các nước EU và từ các nước có rủi ro cao như: Lào, Campuchia, Châu Phi... Do đó việc lựa chọn thị trường gỗ nhập khẩu 100% gỗ sạch là một thách thức. Theo ông Quyền, hiện có quá nhiều tổ chức và cá nhân nhập khẩu gỗ (trên 2.500 đơn vị), nhập khẩu gỗ bằng đường biển, đường bộ, qua các cửa khẩu quốc tế, quốc gia và đường mòn, lối mở, nhập khẩu tiểu ngạch, chính ngạch...
"Nhập khẩu với khối lượng lớn từ nhiều quốc gia khác nhau và bằng nhiều đường khác nhau, nên rất khó khăn trong việc kiểm soát nguồn cung. Tình trạng nhập khẩu gỗ như vậy dẫn đến việc tranh mua, tranh bán, ép giá..." - ông Quyền cho hay.
Còn theo tham luận của ông Nguyễn Chiến Thắng - Chủ tịch HĐQT Công ty Scansia Pacific (DN xuất khẩu sản phẩm gỗ), từ năm 2017, ngành chế biến gỗ Việt Nam tự tin bước vào giai đoạn mới trong bối cảnh Chính phủ ký đối tác tự nguyện (VPA) về thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (FLEGT) với EU sau tiến trình đàm phán kéo dài 6 năm. Thực thi Hiệp định này, Việt Nam sẽ phải đảm bảo toàn bộ sản phẩm gỗ nằm trong danh mục đã thống nhất với EU, bao gồm sản phẩm tiêu thụ nội địa và xuất khẩu là các sản phẩm gỗ hợp pháp. "Nếu không đáp ứng những tiêu chuẩn cơ bản ấy, Việt Nam không thể đưa đồ gỗ vào tiêu thụ ở nước bạn. Đó chính là lý do các doanh nghiệp xuất khẩu rất ý thức về trách nhiệm giải trình nguồn gốc gỗ hợp pháp" - tham luận cho hay.
PHƯỚC TÍN
- Thị trường ván sàn Việt Nam: Ưa chuộng sản phẩm có nguồn nguyên liệu từ HOA KỲ
- Tận dụng cơ hội từ cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc
- Xuất khẩu đồ gỗ Việt có nắm được “khối vàng” gần 37 tỷ USD từ Mỹ ?
- PEFC mở khóa đào tạo kiểm toán viên chuỗi hành trình sản phẩm PEFC (từ 30/10/2018 đến 1/11/2018 )
- Ra mắt công cụ tính vòng đời trực tuyến mới và bản đồ tương tác về rừng bền vững
- Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung lan đến Việt Nam
- Thay đổi yêu cầu nhập khẩu gỗ vào Australia
- Xuất khẩu đồ gỗ vẫn tăng mạnh bất chấp nhu cầu đồ nội thất toàn cầu suy giảm
- Ngành chế biến gỗ - Cần các chính sách hỗ trợ cụ thể để bứt phá
- Thủ tướng đặt mục tiêu cho ngành gỗ: Đạt giá trị xuất khẩu 20 tỉ USD năm 2025
-
CIFF Quảng Châu – Diện mạo mới cho Gian hàng quốc tế - "IF" biến sự không chắc chắn thành chắc chắn
-
Xúc tiến thương mại và các kiến nghị từ VIFOREST
-
Liên kết quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng: Nhóm các chủ rừng quy mô nhỏ sẽ tăng mạnh
-
Phantom Hands và Adam Markowitz ra mắt bộ sưu tập 'REFRACTIONS' như một phần của BLR Hubba
-
VTV1 - Ngành gỗ thay đổi đáp ứng thị trường xuất khẩu