Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai năm 2022

22/05/2022 11:41
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai năm 2022

Chiều 21/5, UBND tỉnh Gia Lai tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2022. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự và chỉ đạo Hội nghị. 

Tỉnh Gia Lai: Phát huy thế mạnh

Phát biểu khai mại Hội nghị, ông Võ Ngọc Thành – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai – cho biết, với vị thế là cửa ngõ của khu vực, tỉnh Gia Lai không chỉ trở thành đầu mối giao thương, trung chuyển hàng hóa, dịch vụ thương mại trong tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam, mà còn là đầu mối giao thông quan trọng kết nối Tây Nguyên với các tỉnh khu vực miền Trung và Đông Nam Bộ.

Diện tích đất sản xuất nông nghiệp của tỉnh Gia Lai hơn 845.000 ha, trong đó chủ yếu là đất đỏ bazan - loại đất rất thích hợp cho phát triển nhiều loại cây trồng yêu cầu độ phì cao, đặc biệt là phát triển các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như: Chanh dây, bơ, mít, sầu riêng...

Gia Lai cũng là địa phương có nhiều tiềm năng thuận lợi cho phát triển công nghiệp - thương mại, nhất là công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo. Hiện nay, tỉnh Gia Lai quy hoạch 21 cụm công nghiệp, trong đó có 12 cụm công nghiệp đã được Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập, nguồn nguyên liệu nông sản trên địa bàn phong phú, ổn định như: cà phê, cao su, mía, sắn, chè... tạo tiền đề cho các nhà đầu tư quan tâm phát triển công nghiệp chế biến và gắn kết lâu dài với tỉnh Gia Lai.

Những điều kiện thuận lợi này đang từng bước được tỉnh Gia Lai phát huy hiệu quả, mở ra “cánh cửa” mới để tỉnh chào đón các nhà đầu tư tiềm năng vào 3 lĩnh vực thế mạnh bao gồm: Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; công nghiệp chế biến; năng lượng tái tạo và du lịch.

Đây cũng chính là 3 lĩnh vực trụ cột được tỉnh đề ra trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 hướng tới “Xây dựng và phát triển tỉnh Gia Lai trở thành trung tâm khu vực tiểu vùng Bắc Tây Nguyên và vùng động lực trong tam giác phát triển ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại” theo đúng mục tiêu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 127/QĐ-TTg ngày 25/01/2018.

“Hội nghị là cơ hội để các nhà quản lý, các chuyên gia, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trao đổi, nhận diện rõ hơn những tiềm năng, lợi thế, cơ hội, môi trường và sự khác biệt khi đầu tư vào Gia Lai”, ông Võ Ngọc Thành cho biết thêm.

Hiện, tỉnh Gia Lai tiếp tục rà soát và ban hành danh mục các dự án kêu gọi đầu tư giai đoạn 2022-2025, với 112 dự án, trong đó: Xây dựng cơ sở hạ tầng: 50 dự án; Công nghiệp: 18 dự án; Nông nghiệp: 22 dự án; Thương mại, dịch vụ, du lịch: 22 dự án.

Ghi nhận tại Hội nghị Xúc tiến Đầu tư, tỉnh Gia Lai cũng đã trao Quyết định chủ trương đầu tư cho 17 dự án với tổng vốn đầu tư 15.000 tỷ đồng. Ký kết ghi nhớ đầu tư với 29 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký 115.356 tỷ đồng.

Theo các chuyên gia, các Bộ, ngành, doanh nghiệp, tỉnh Gia Lai có khu công nghiệp Trà Đa, Khu công nghiệp Nam Pleiku, Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh và các Cụm công nghiệp là những địa điểm thuận lợi cho các doanh nghiệp triển khai thực hiện các dự án đầu tư.

Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đạt được những kết quả đáng kể: Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) năm 2021 của tỉnh đạt 64,9 điểm, đứng thứ 26 toàn quốc, đứng thứ 2 khu vực Tây Nguyên ( sau Lâm Đồng); chỉ số cải cách hành chính (Par Index) năm 2020 của tỉnh đứng thứ 21 toàn quốc, đứng đầu khu vực Tây Nguyên; chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) năm 2020 của tỉnh đạt 86,41%, đứng thứ 28 toàn quốc, đứng thứ 2 khu vực Tây Nguyên; chỉ số PAPI 2020 của tỉnh đứng thứ 43 toàn quốc.

Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tai hạn chế như: Chưa có dự án đầu tư FDI nào lớn vào tỉnh, chưa xây dựng được các sản phẩm chủ lực, có sức cạnh tranh cao; số lượng doanh nghiệp còn ít và quá nhỏ, tiềm năng du lịch nhiều nhưng chưa được khai thác tốt; tăng trưởng và chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế chưa cao, năng lực cạnh tranh còn thấp; cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.

Các nhà đầu tư cần phối hợp với địa phương khai thác thế mạnh

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị,Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao tỉnh Gia Lai đã tổ chức Hội nghị quan trọng và rất có ý nghĩa, đồng thời nhấn mạnh, đây là dịp tốt để các nhà đầu tư trao đổi thông tin, tìm hiểu cơ hội, thúc đẩy hợp tác, đầu tư kinh doanh, nhất là đối với những lĩnh vực còn nhiều tiềm năng để đem lại lợi ích cho nhà đầu tư và đưa Gia Lai phát triển nhanh, bền vững.

Cùng với việc khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của tỉnh, Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị tỉnh Gia Lai cần huy động cả nguồn lực bên ngoài bởi việc này sẽ hỗ trợ cho địa phương rất lớn trong việc tận dụng khoa học công nghệ, tư duy quản lý và quản trị từ bên ngoài.

Bên cạnh đó, cần chú trọng công tác quy hoạch để tạo ra động lực mới. Đồng thời, cần phải phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng kinh tế và cả hạ tầng văn hóa. Tuy nhiên, việc đầu tư phát triển hạ tầng không được dàn trải, manh mún. Hợp tác công - tư trong tỉnh phải năng động, sáng tạo. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới công nghệ.

Chống biến đổi khí hậu là một trong những việc mà địa phương phải làm trong đó có phát triển nguồn năng lượng xanh. Thủ tướng Phạm Minh Chính gợi ý, Tây Nguyên có thể phát triển năng lượng mặt trời, năng lượng gió để từ đó có thể hướng đến phát triển xanh và phát triển bền vững. Bên cạnh đó, cần phát huy bản sắc văn hóa Gia Lai.

"Rất mong các nhà đầu tư cùng Gia Lai tập trung vào khai thác thế mạnh, đổi mới cách làm theo hướng nâng cao, đổi mới công nghệ, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, chuyển đổi số, phát triển năng lượng xanh, năng lượng sạch, đảm bảo phát triển xanh", Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Ghi nhận ý kiến chỉ đạo từ Thủ tướng Chính phủ, để thu hút đầu tư vào tỉnh, ông Hồ Văn Niên - Bí thư Tỉnh ủy, Chu tịch HĐND tỉnh Gia Lai cho biết, Gia Lai sẽ quyết tâm tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư; xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, minh bạch và thực hiện tốt các chính sách ưu đãi, giải pháp hỗ trợ... để mời gọi, thu hút các nhà đầu tư có năng lực đến đầu tư tại Gia Lai.

Với 17 dự án được trao chấp thuận chủ trương đầu tư, 29 dự án ký biên bản ghi nhớ là minh chứng sống động nhất cho những nỗ lực, sự tự tin, môi trường đầu tư và những tiềm năng, lợi thế của tỉnh; khẳng định sự tin tưởng, tín nhiệm của các doanh nghiệp, nhà đầu tư đối với Gia Lai, hứa hẹn cơ hội phục hồi, phát triển mạnh mẽ trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Năm 2021, tổng sản phẩm (GRDP) trong tỉnh Gia Lai năm 2021 (theo giá so sánh 2010) tăng 9,71% so với năm 2020; thu ngân sách nhà nước đạt gần 7.900 tỷ đồng, tổng mức đầu tư toàn xã hội đạt 70.000 tỷ đồng, kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2021 là 1.480 triệu USD tăng gấp 2,2 lần so với năm 2020; thu nhập đầu người đạt trên 56 triệu đồng.

Năm 2021, có 60 dự án được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, với số vốn đăng ký 29.227 tỷ đồng; 172 dự án đang được các nhà đầu tư quan tâm nghiên cứu, đề xuất dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 13.987 tỷ đồng. Có những dự án lớn hoàn thành, đưa vào trong năm 2021 đã tạo sức bật cho nền kinh tế tỉnh nhà như: 11 dự án điện gió với tổng công suất 563 MW, tổng vốn đầu tư trên 20.000 tỷ đồng; dự án trang trai chăn nuôi bò thịt của Công ty TNHH MTV Chăn nuôi bò Trung Nguyên (Thaco) với tổng mức đầu tư 1.162 tỷ đồng, công suất nuôi 100.000 con/năm;...

Gỗ Việt (Nguồn Congthuong.vn)