TIN TỔNG HỢP GỖ VIỆT SỐ 94
BÌNH PHƯỚC: ĐÓNG CỬA RỪNG, GIÁ GỖ TĂNG CAO KỶ LỤC
TPP VẪN CHẠY THÔNG SUỐT NHƯNG MONG MỸ QUAY LẠI
TRUNG PHI: THỊ TRƯỜNG CÓ DẤU HIỆU CHỮNG LẠI
ẤN ĐỘ: NHU CẦU NHẬP GỖ TẾCH TĂNG
PERU: BỘ NÔNG NGHIỆP TRÌNH KẾ HOẠCH TÁI TẠO RỪNG LÊN QUỐC HỘI
CHÂU ÂU: THỊ TRƯỜNG GỖ SÀN ĐANG HỒI PHỤC
BÌNH PHƯỚC: ĐÓNG CỬA RỪNG, GIÁ GỖ TĂNG CAO KỶ LỤC
Nhiều chủ vườn cao su tại Bình Phước hiện đang đua nhau thanh lý vườn cây cao su già cỗi, thậm chí cả vườn cao su đang khai thác mủ, để bán gỗ do giá tăng mạnh và được thương lái lùng mua. Ông Nguyễn Văn Thành, ở phường Long Phước, thị xã Phước Long, vừa thanh lý hơn 10ha cao su già cỗi thu về 7 tỉ đồng, cho biết những năm trước, giá cây cao su thanh lý ở mức 600.000 -700.000 đồng/cây, còn hiện nay trung bình 1 triệu đồng/cây, cá biệt có những vườn cao su già thân cây to có giá lên đến hơn 1,5 triệu đồng/cây. So với cùng kỳ năm trước thì giá tăng hơn 300.000 đồng/ cây, đây là mức giá tăng đột biến và chưa từng có đối với cây cao su thanh lý từ trước đến nay. Do đó, chỉ cần có 1ha cao su thanh lý (trung bình 1ha khoảng 500 cây), nhà vườn có thể thu về 600-700 triệu đồng. “Số tiền thu về tôi vừa có được lợi nhuận cao vừa có tiền để tiếp tục đầu tư xuống giống và chăm sóc lứa cao su tiếp theo”, ông Thành nói.
Theo ông Trần Văn Lộc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước, do giá cây cao su thanh lý tăng đột biến đã khiến nhiều nhà vườn có cao su già cỗi đổ xô thanh lý cây để được giá trong thời điểm này. Đây thực sự là điểm đột phá giữa lúc thị trường cao su chưa ổn định trở lại đồng thời khiến những nhà vườn gắn bó với cây cao su trên địa bàn tỉnh có thêm điểm tựa với loại cây trồng chủ lực này. Bên cạnh đó, việc tăng giá cây cao su thanh lý cũng sẽ là yếu tố thúc đẩy thị trường cao su sôi động trở lại và mang lại những tác động tích cực hơn đối với giá mủ cao su.
Trong khi đó, theo các thương lái mua bán cây cao su thanh lý, việc đóng cửa rừng đã khiến cho nhu cầu gỗ cao su nguyên liệu tăng lên nhanh chóng kéo theo giá cây cao su cũng tăng cao.
Gỗ cao su hiện đang được sử dụng rất nhiều trong sản xuất đồ gia dụng, không chỉ cho thị trường trong nước mà còn phục vụ cho xuất khẩu. Dự báo, nhu cầu của thị trường sẽ vẫn tiếp tục nóng trong thời gian tới và mang lại nhiều lợi nhuận cho người trồng cao su. Giá cây cao su tăng đột biến đã kéo theo giá đất cao su cũng tăng lên và bắt đầu có dấu hiệu sốt trở lại sau thời gian ảm đạm do mủ cao su xuống giá.
Theo các hộ nông dân trồng cao su, giá đất cao su hiện vào khoảng 800 triệu đồng, đến hơn 1 tỷ đồng/1ha trong khi năm trước chỉ khoảng 600 triệu đồng. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông Bình Phước, tỉnh này hiện có hơn 230.000ha cao su, trong đó hơn 60% diện tích thuộc các công ty Nhà nước, còn lại thuộc các hộ cá thể. Do giá mủ giảm sâu, những năm gần đây có hàng chục ngàn hecta cao su già cỗi, kể cả cây cao su đang cho khai thác, đã bị thanh lý để chuyển sang trồng các loại cây khác hoặc trồng lại cây cao su.
TPP VẪN CHẠY THÔNG SUỐT NHƯNG MONG MỸ QUAY LẠI
Các trưởng đoàn của 11 nước tham gia TPP đã kết thúc các cuộc đàm phán trong tháng 9 để xem xét việc sửa đổi hoặc bãi bỏ một số điều khoản trong thỏa thuận sau khi Mỹ rút khỏi hiệp định vào đầu năm nay.
Sau khi kết thúc công việc tại thủ đô Tokyo của Nhật trong ngày hôm nay (22-9), trưởng đoàn đàm phán của Nhật, ông Kazuyoshi Umemoto, khẳng định trong cuộc họp báo: “Chúng tôi đã đạt được tiến bộ đáng kể”
Người chủ trì cuộc họp hai ngày qua xác nhận thêm: “Cuộc họp cấp bộ trưởng TPP có thể sẽ được tổ chức bên lề Hội nghị thượng đỉnh aPEC ở Đà Nẵng. Mọi người đều có thể thấy các nhà đàm phán đang làm việc rất chăm chỉ để đảm bảo rằng chúng ta có thể đạt được kết quả tốt nhất có thể”.
Ông Umemoto đã tái khẳng định tầm quan trọng của việc thiết lập một hệ thống thương mại tự do và đa phương dựa trên những quy định nghiêm ngặt tại châu Á - Thái Bình Dương, cho rằng hệ thống này thực sự phù hợp đối với thế kỷ 21.
Ông Umemoto cũng cho rằng cần tiếp tục theo đuổi khả năng Mỹ có thể quay trở lại TPP, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải thực thi hiệp định này “càng sớm càng tốt”. Sau khi Mỹ rút khỏi TPP, Nhật Bản hiện là nền kinh tế lớn nhất trong số 11 nước còn lại. Tokyo hi vọng đạt một sự đồng thuận giữa các nước đàm phán TPP về cách thức duy trì hiệp định với tổng GDP của 11 thành viên lên đến 12,4 ngàn tỉ USD.
Phía Nhật luôn nhấn mạnh rằng TPP là kết quả của nhiều năm đàm phán nên không muốn nó tan rã quá dễ dàng. Tuy nhiên, một số nước có thể kêu gọi đàm phán lại nội dung, bao gồm các loại thuế xuất nhập khẩu. Tại cuộc đàm phán ở Sydney (australia) vào cuối tháng 8, Việt Nam đã nâng cao khả năng thay đổi quyền của người lao động và các quy định về sở hữu trí tuệ (IP) trong bản hiệp ước ban đầu.
Cho đến nay mới chỉ có Nhật Bản và New Zealand đã phê chuẩn hiệp định này. Với việc Mỹ, chiếm tới 60% tổng sản lượng, rút khỏi thì hiệp định này không thể có hiệu lực. TPP được ký kết hồi tháng 2-2016 với 12 nước tham gia gồm Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam, chiếm khoảng 40% kinh tế toàn cầu.
TRUNG PHI: THỊ TRƯỜNG CÓ DẤU HIỆU CHỮNG LẠI
Theo báo cáo từ các nhà chế biến gỗ, đã có vài sự thay đổi nhỏ về giá các loại gỗ xẻ cập cảng ở khu vực châu Phi, nhưng giá các loại gỗ tròn vẫn ổn định, sau khi có sự cạnh tranh về giá cả ở một số loại gỗ tròn. Theo các chuyên gia, đã có xu hướng đứng yên về giá và khối lượng các loại gỗ cho đến cuối tháng 9 vừa rồi, và các nhà sản xuất hi vọng, nhu cầu nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ Trung Quốc ở mức rất thấp chỉ là tình trạng tạm thời và chuỗi hoạt động xuất nhập khẩu sẽ lấy lại được trạng thái cân bằng trong thời gian tới.
Trong thời gian qua, khi Mỹ áp dụng thuế chống bán phá giá lên gỗ dán nhập khẩu của Trung Quốc đã tác động mạnh đến nhu cầu của nước này về nguồn chế biến. Trong khi các nhà nhập khẩu châu Á - Thái Bình Dương cũng tăng cường nhập nguyên liệu từ Trung Phi trong thời gian này, đặc biệt là các loại gỗ okoume.
ẤN ĐỘ: NHU CẦU NHẬP GỖ TẾCH TĂNG
Nhu cầu nhập khẩu gỗ tròn của Ấn Độ đang có xu hướng tăng mạnh trong vài tháng vừa, bất chấp tỉ giá đồng Rupee so với đồng USD là tương đối thấp. Điều này trái ngược với giá C&F đang có xu hướng giảm trong ngắn hạn. Áp lực từ việc điều chỉnh lại những qui định nhập khẩu về gỗ và các sản phẩm gỗ tiếp tục gia tăng. Vào tuần tới, các nhà nhập khẩu gỗ Ấn Độ sẽ có cuộc gặp với Bộ Lâm nghiệp nước này để thảo luận về các vấn đề xuất hiện trong thời gian gần đây. Trong khi đó, giá nhập khẩu gỗ tếch bắt đầu có xu hướng tăng nhanh, bên cạnh giá nhập khẩu gỗ dán cũng tăng nhẹ vài tháng vừa rồi.
PERU: BỘ NÔNG NGHIỆP TRÌNH KẾ HOẠCH TÁI TẠO RỪNG LÊN QUỐC HỘI
Bộ Nông nghiệp Peru cho biết, họ đang trình dự thảo Luật về Phát triển kế hoạch trồng rừng lên Quốc hội nước này, đây là luật nhằm khuyến khích và bảo vệ rừng theo luật pháp của Peru, đồng thời cũng khuyến khích doanh nghiệp tư nhân hoặc các cá thể đầu tư và việc trồng rừng, để lấy gỗ nguyên liệu cho các quá trình sản xuất gỗ và các sản phẩm khác ngoài gỗ.
Cùng lúc đó, Bộ Nông nghiệp cũng cung cấp cho các thể chế kinh tế và các định chế tài chính cũng như đại diện của cơ quan thuế về sự liên quan của luật này tới các đối tượng nói trên. Bên cạnh đó, luật cũng qui định trách nhiệm đối với các nhà máy chế biến gỗ, cũng như các doanh nghiệp cung cấp công nghệ chế biến gỗ, và dự thảo luật này sẽ được trình lên vào cuối tháng 10.
CHÂU ÂU: THỊ TRƯỜNG GỖ SÀN ĐANG HỒI PHỤC
Ngành công nghiệp chế biến sàn gỗ của châu Âu đang bắt đầu khởi sắc trở lại, khi các chỉ số kinh tế của khu vực châu Âu đều tăng trong thời gian qua, đặc biệt là các hoạt động xây dựng của EU trở nên nóng hơn bao giờ hết. So với cùng kì năm ngoái, và cả nửa đầu năm nay, các chỉ số về sự phát triển của thị trường gỗ sàn đều rất ấn tượng. Trong hội thảo được tổ chức vào tháng 9, các đại diện doanh nghiệp châu Âu cho biết, các công ty của họ đều đang thu được những kết quả kinh doanh thuận lợi. Và sự hứa hẹn về khả năng phát triển ở thị trường này khiến cho các doanh nghiệp này vững vàng hơn, cũng như có nhiều kế hoạch đón đầu xu hướng trong thời gian tới hơn.
- Gỗ cứng biến đổi nhiệt TMT: Đã phổ biến chiếm được thị phần
- Hội nghị AHEC lần thứ 22 tại Châu Á
- TIN TỔNG HỢP GỖ VIỆT SỐ 93
- Gỗ, tình yêu âm nhạc và cảm hứng cuộc sống
- TIN TỔNG HỢP GỖ VIỆT SỐ 92
- Kiến nghị tạm ngừng Xuất khẩu gỗ tròn, gỗ Xẻ từ rừng trồng và gỗ cao su: Bảo vệ nguồn nguyên liệu trong nước
- TIN TỔNG HỢP GỖ VIỆT SỐ 90
- Sáng tạo gỗ với công nghệ
- TIN TỔNG HỢP GỖ VIỆT SỐ 89
- XUẤT KHẨU GỖ VIỆT NAM TĂNG 17,1% TRONG QUÝ 1
-
Nhân rộng mô hình nhóm liên kết thực hiện quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng
-
TavicoHome và điểm nhấn Lễ hội mua sắm “New Year New Home”
-
Tập huấn phân loại doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ
-
Tháo gỡ vướng mắc trong quản lý gỗ xuất khẩu
-
Chứng chỉ FSC – 30 năm với hành trình bảo vệ rừng và đảm bảo giá trị xanh